12/04/2009 08:31 GMT+7

Thu hồi hàng loạt nhà đất sở hữu nhà nước

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Bộ Tài chính đã công bố quyết định thu hồi cùng lúc 31 mặt bằng nhà, đất tại TP.HCM vào sáng 11-4. Cùng ngày, các mặt bằng nhà đất để trống đã được bàn giao cho TP.HCM, số còn lại phải bàn giao chậm nhất là cuối tháng 6-2009.

rt2FOFKN.jpgPhóng to
Kho bãi rộng 535m2 tại số 85B Âu Cơ, P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM hiện để trống, được Bộ Tài chính quyết định thu hồi để bán đấu giá - Ảnh: MINH ĐỨC
VlogXwqn.gifPhóng to Nghe đọc toàn bài

Bà Đào Thị Hương Lan - giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - cho biết khu đất hơn 10.000m2 tại 12/1E ấp Tâm Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn đã được thu hồi và chính thức bàn giao cho huyện Hóc Môn sáng 11-4. Mặt bằng này được xác lập sở hữu nhà nước từ năm 2001, do Công ty Lương thực TP.HCM (Tổng công ty Lương thực miền Nam) quản lý nhưng hiện để trống! UBND TP.HCM đã giao cho huyện Hóc Môn tiếp nhận, quản lý mặt bằng này để đầu tư xây dựng công trình phúc lợi công cộng. Tương tự, kho số 9B Tôn Đản, phường 13, quận 4 với diện tích 650m2 cũng được thu hồi và bàn giao cho quận 4 để mở rộng Trường tiểu học Xóm Chiếu.

Phải bàn giao trước 30-6

Đó là hai trong 31 mặt bằng, nhà đất ở TP.HCM thuộc sở hữu nhà nước do Tổng công ty Lương thực miền Nam quản lý, sử dụng phải thu hồi, giao lại cho TP.HCM. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đào Thị Hương Lan nói với các mặt bằng, nhà đất để trống thì phải bàn giao ngay, còn những mặt bằng đang cho thuê cần có thời gian để xử lý hợp đồng cho thuê. Tuy nhiên, chậm nhất là 30-6-2009 phải dứt điểm việc bàn giao cho TP.HCM những mặt bằng, nhà đất đã có quyết định thu hồi của bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, nhiều mặt bằng, nhà đất trong số bị thu hồi không được sử dụng mà đem cho thuê. Đơn cử như nhà, đất tại số 24 Nguyễn Thái Học (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) với diện tích đất 71m2, diện tích sàn sử dụng 143m2… được cho thuê gửi hàng với giá 4 triệu đồng/tháng. Tương tự, khu đất 66-68 Nguyễn Trãi (phường Bến Thành, quận 1) cũng cho thuê làm phòng trưng bày sản phẩm với giá 7 triệu đồng/tháng…

Trong số 31 mặt bằng, nhà đất thu hồi đợt này, TP giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM tiếp nhận, tạm quản lý, chờ bố trí sử dụng theo quyết định của UBND TP.HCM chín mặt bằng. Sáu mặt bằng nhà, đất khác được giao cho hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất lập thủ tục bán đấu giá. Các mặt bằng, nhà đất còn lại giao cho các quận, huyện để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc theo yêu cầu của UBND TP.HCM.

Ông Phạm Đình Cường - cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính - cho biết qua sắp xếp, chuyển nhượng các mặt bằng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại TP.HCM thời gian qua đã mang lại nguồn thu khoảng 15.000 tỉ đồng. Ông Cường cũng cho biết tại TP.HCM đã thu hồi được gần 10ha đất - mà trước đây là những mặt bằng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước - để sử dụng cho các mục đích công cộng như trường học, bệnh viện, công viên cây xanh…

“Biện pháp cương quyết nhất là thu hồi”

Trả lời Tuổi Trẻ về trách nhiệm trong quản lý, sử dụng không hiệu quả, lãng phí nhiều công sản, ông Phạm Đình Cường nói chính vì cơ quan chức năng thấy việc sử dụng nhà, đất còn lãng phí nên mới có quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Ông Cường khẳng định đây là một chủ trương đúng, vừa tạo thêm nguồn lực tài chính, vừa tạo được quỹ đất cho địa phương. Ông Cường thừa nhận việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ở một số nơi chưa đạt tiến độ như mong muốn. Nguyên nhân, theo ông Cường, có phần do một số đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản cố níu kéo, đang được hưởng lợi thì không muốn từ bỏ quyền lợi…

Ông Cường nói lần này thu hồi đến 31 mặt bằng nhà, đất nhưng chỉ do một đơn vị là Tổng công ty Lương thực miền Nam quản lý, sử dụng và đây cũng là đợt thu hồi với số lượng lớn nhất trong số các đợt thu hồi gần đây. Về dư luận lo ngại tình trạng đối phó với các quyết định thu hồi bằng cách lên dự án, trình duyệt nhưng không tích cực triển khai, ông Cường thừa nhận ở một số nơi tiến độ triển khai dự án không như mong muốn.

Ông Cường cho rằng về pháp lý, nếu quá thời hạn quy định mà không triển khai thì phải thu hồi dự án. Tuy nhiên, theo ông Cường, trình tự thủ tục xây dựng cơ bản hiện nay còn mất nhiều thời gian, cộng với di dời giải tỏa (nếu có)… luôn gặp vướng mắc nên làm dự án bị kéo dài. Do vậy, với các dự án kéo dài sẽ báo cáo cấp thẩm quyền, có thể xem xét gia hạn, có thể chuyển phương án được duyệt…

Ông Phạm Đình Cường khẳng định sắp tới sẽ tiếp tục thu hồi một số mặt bằng nhà, đất tại TP.HCM, với tổng diện tích thu hồi sẽ lớn hơn. Riêng mặt bằng của các bộ, ngành trung ương quản lý, sử dụng đã rà soát, sắp xếp lại, sẽ phê duyệt các phương án sử dụng trong năm nay. Tuy nhiên, ông Cường cho biết hiện đang trình Chính phủ phương án xử lý triệt để hơn, có thể xây dựng những khu hành chính tập trung và sau đó gom các cơ quan trung ương đóng tại TP.HCM lại một vài chỗ nhằm giải quyết quỹ đất. Theo ông Cường, vấn đề này đã có chủ trương của Chính phủ, còn phương án cụ thể thì Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đang trình.

Ông ĐẶNG VĂN KHOA (đại biểu HĐND TP.HCM):

Mới chỉ là phần nổi của “tảng băng”!

Tôi rất mừng khi được thông tin Bộ Tài chính đã công bố quyết định thu hồi nhiều mặt bằng nhà, đất mà trong số này có những mặt bằng để trống, có những mặt bằng đem cho thuê. Đây là khối tài sản lớn của Nhà nước nhưng hiện trạng sử dụng lâu nay như thế khiến dư luận rất bức xúc.

Tôi cũng rất chia sẻ với các cơ quan chức năng về quá trình thuyết phục, đấu tranh để ra được quyết định thu hồi không hề đơn giản. Tôi hiểu ở mỗi địa chỉ nhà, đất đều có những quyền lợi chằng chịt trong đó. “Cuộc chiến đấu” này cần quyết liệt hơn nữa. Theo tôi, những địa chỉ nhà, đất được đụng chạm đến hôm nay chỉ là phần nổi nhỏ của “tảng băng” lớn.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp