Đại diện báo cáo kết quả tham vấn, PGS Nguyễn Quang Tuyến (ĐH Luật Hà Nội) cho biết người dân thường ở thế bị động, không có thông tin và mất quyền tham gia quyết định quy hoạch. Quy hoạch sử dụng đất còn manh mún, không đồng bộ, quy hoạch “treo”, thiếu chi tiết và thiếu cơ chế bảo vệ chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp.
Với cơ chế quản lý sử dụng đất nông nghiệp, theo ông Tuyến, nhiều ý kiến người dân cho rằng cần nới rộng hơn thời hạn sử dụng đất và hạn điền đối với đất nông nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho tập trung đất đai, tạo sự yên tâm cho người nông dân đầu tư dài hạn trên đất. Vấn đề giá đất do Nhà nước quyết cũng được người dân cho rằng còn thiếu thống nhất. “Nhiều chứng cứ cho thấy giá đất xác định khi thu thuế về đất đai lại cao hơn giá đất xác định khi tính toán bồi thường đối với đất bị Nhà nước thu hồi. Bất cập nhất là các cấp tỉnh, thành phố thực hiện thu hồi đất và chính những cấp này lại quy định giá đất, như vậy rất khó đảm bảo quyền lợi của người dân” - ông Tuyến nói.
Từ kết quả tham vấn cộng đồng, dự thảo báo cáo khuyến nghị: cơ quan định giá đất đai có trách nhiệm tham vấn ý kiến của các bên liên quan tới quyền sử dụng đất để thống nhất lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất.
Cơ quan định giá đất quyết định về giá đất của Nhà nước trên cơ sở kết quả định giá của tổ chức cung cấp dịch vụ định giá; tách bạch thẩm quyền về quyết định giá đất ra khỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Đối với các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì áp dụng cơ chế Nhà nước trưng dụng hoặc trưng mua quyền sử dụng đất. Đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với lợi ích của nhà đầu tư thì phải thực hiện việc giải quyết đất đai dựa trên sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và cộng đồng những người đang sử dụng đất.
Nên bồi thường cho người dân trong khu quy hoạch “treo” Tại hội nghị góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi do HĐND TP.HCM tổ chức ngày 22-3, đại biểu Trần Hữu Trí, chủ tịch UBND Q.6, đề nghị Nhà nước phải bồi thường cho người dân trong khu vực bị quy hoạch phải di dời vì quy hoạch luôn làm giá trị nhà, đất giảm so với trước đó. “Hễ có thông tin khu vực nào bị quy hoạch là giá nhà, đất của khu vực đó tự nhiên giảm hẳn. Tôi đề nghị Nhà nước phải bồi thường khoản chênh lệch giữa giá trị nhà, đất sau khi bị quy hoạch và trước khi có quy hoạch” - ông Trí đề nghị. Về khoản tiền để bồi thường, theo ông Trí, Nhà nước có thể thu thuế từ những nhà, đất được tăng giá trị sau khi thực hiện quy hoạch, làm hạ tầng để bồi thường cho những người dân bị thiệt hại trong các khu quy hoạch. Việc bồi thường này phải quy định cụ thể trong luật hoặc nghị định do Chính phủ ban hành. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP, góp ý: trước khi tiến hành thu hồi đất của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư phải tiến hành điều tra xã hội học về đời sống sinh hoạt, tập quán, điều kiện việc làm, nguyện vọng của người dân trong khu vực sẽ bị thu hồi. Từ đó, chủ đầu tư và Nhà nước xây dựng phương án đào tạo việc làm, chuẩn bị nơi học hành để người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn. Đại biểu Đào Thị Hương Lan, giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, đề xuất giá bồi thường đất nông nghiệp trong các khu đô thị đặc biệt bằng 10-20% giá bồi thường đất ở. Bà Lan phân tích: đa số các khiếu kiện về đất đai tại TP.HCM hiện nay đều liên quan đến chính sách bồi thường đất nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư. Thực tế đất nông nghiệp tại các đô thị lớn đều được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, không còn nơi nào là đất nông nghiệp thuần. D.N.HÀ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận