Dựa trên chỉ số chất lượng không khí, họ sẽ lựa chọn phương án ứng phó, tự bảo vệ mình, người thân, con cái... để hạn chế những ảnh hưởng xấu từ không khí ô nhiễm.
Có nhiều nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí. Nhưng các nghiên cứu khoa học đều thống nhất phương tiện giao thông là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất ở đô thị.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tính đến ngày 14-10-2020 cả nước có 4,6 triệu ôtô, 72 triệu xe máy. Nếu tính 1 ôtô tiêu thụ 12 lít xăng/100km, 1 xe máy tiêu thụ 3 lít xăng/100km thì cứ 4 xe máy sẽ đốt nhiên liệu và phát thải bằng 1 ôtô.
Với ôtô, Việt Nam đã thực hiện kiểm soát tình trạng kỹ thuật, khí thải xe đang lưu hành thông qua kiểm định định kỳ. Xe từ 10 chỗ trở lên, xe tải cũng có niên hạn hoạt động nhất định.
Còn xe máy - loại phương tiện chưa quy định niên hạn sử dụng, năm 2010 Thủ tướng đã ban hành đề án kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay việc kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành vẫn chưa được thực hiện.
Bên cạnh hàng triệu xe máy đang lưu hành chưa được kiểm định khí thải định kỳ, rất nhiều xe cũ nát không đảm bảo an toàn vẫn hoạt động hằng ngày.
Nhiều người bất an, né tránh khi những chiếc xe máy không đèn, không còi, chỉ còn bộ khung với động cơ nổ xả khói mù mịt luồn lách trên đường.
Trong khi đó, ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng. Người già, trẻ nhỏ ngạt mũi, viêm họng, khó thở nhiều hơn vào những ngày không khí mịt mù.
Còn xe máy vẫn xả khói tự do không ai kiểm soát, xe cũ nát vẫn chạy trên đường dù nhìn bằng mắt thường ai cũng thấy xe đó không đảm bảo an toàn.
Thủ tướng vừa ban hành chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Trong đó, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.
Có thể lại có những lý do như luật pháp chưa quy định niên hạn xe máy, chưa buộc xe máy phải kiểm định định kỳ về chất lượng kỹ thuật, khí thải... Nhưng trong khi chờ ban hành Luật giao thông đường bộ sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn có thể ban hành nghị quyết về kiểm soát khí thải xe máy, ngăn chặn xe máy cũ nát lưu hành hay thu hồi, chuyển đổi xe máy cũ...
Và trước mắt, những giải pháp mà chính quyền Hà Nội, TP.HCM từng đề xuất như mua lại xe máy cũ nát, hỗ trợ đổi xe máy mới, thí điểm kiểm soát khí thải đều có thể thực hiện được nếu có quyết tâm biến chủ trương thành hành động.
Những xe máy cũ nát, không đảm bảo an toàn nếu chạy ra đường mà bị phạt nghiêm theo quy định tại điều 53 Luật giao thông đường bộ về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới, chắc chắn chủ xe sẽ "bỏ của chạy lấy người".
Để cải thiện chất lượng không khí ở đô thị như Hà Nội, TP.HCM, đã đến lúc không còn cách nào khác là phải hành động thay vì bàn lùi, đưa lý do để trì hoãn.
Thăm dò ý kiến
Thủ tướng vừa ban hành chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, trong đó chỉ đạo Hà Nội, TP.HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận