Không riêng gì anh chị, những gia đình khác bán các thứ bình dân linh tinh trên đời như bánh mì, bánh canh, bánh cóng, bánh tằm, bánh bao, bánh cuốn, bánh bột lọc, chuối chiên, khoai lang chiên, phở, hủ tiếu, mì Quảng... vệ đường cũng đều được vinh dự làm nghĩa vụ thuế, đóng thuế.
Tôi biết anh chị thức giấc lúc 2 giờ sáng, nhóm lửa xào thịt bò đã ướp và nấu nồi nước dùng luộc giò heo đã chặt từng khúc. Tôi biết lúc 4 giờ sáng, người bỏ mối bún đem đến cho anh chị 5 ký bún tươi.
Sau đó nửa giờ, anh sẽ gánh mớ bún và thịt hầm sẵn; chị đẩy cái xe nhỏ chở tô, chén, đũa, muỗng và bàn ghế nhựa theo sau. Hai vợ chồng dọn hàng lúc 5 giờ sáng ngay đầu con hẻm dưới gốc cây sầu đâu. Công nhân đi làm sớm, sinh viên đi học, học sinh được cha mẹ chở đến sẽ sà vào quán bún của chị ăn sáng.
Với 5 ký bún tươi, chị sẽ làm được 20 tô bún, giá mỗi tô bún 15.000 đồng. Chẳng ai dám thiếu nợ anh chị, tất cả đều trả tiền tươi. Như vậy, mỗi ngày doanh thu của anh chị đạt 300.000 đồng, mỗi tháng đạt 9 triệu đồng, mỗi năm đạt 108 triệu đồng.
Mà theo quy định mới, ai đạt trên 100 triệu đồng một năm (như anh chị) thì phải đóng thuế thu nhập 5%.
Vậy nên tôi khẳng định: Anh chị có vinh dự được đóng thuế 5% như nhiều hộ làm ăn nhỏ lẻ, buôn bán linh tinh khác vừa được kể ở trên. Đừng có mà con cà con kê, kể lể cái gì mồ hôi nước mắt, sức lao động lấy công làm lời ra đây, nghe vừa quê mùa vừa điếc tai lắm!
Tôi cũng báo cho anh chị biết, mấy cha nhà văn được in tác phẩm phải đóng thuế thu nhập cá nhân 10% một lần in; mấy cha nhạc sĩ phải đóng thuế 5% một lần thu (hay hát sân khấu) ca khúc của mình.
Mấy cha này làm công việc đầu óc nhưng đóng thuế rất ngoan ngoãn bởi các nhà xuất bản, các nhà làm chương trình và các đài truyền hình không dám làm ăn qua mặt chúng tôi. Khi trả tiền cho tác giả, họ viết sẵn một biên lai đóng thuế buộc tác giả ký rồi mới trả tác quyền sau khi đã khấu trừ thuế.
Không một cha nào dám mở miệng la làng, chê bai ít nhiều hay trốn xâu lậu thuế. Các cha này mà chúng tôi còn "trị" được thì huống gì là các anh, các chị? He he he.
Sách vở thánh hiền có câu:
Đóng thuế chẳng vị riêng ai
Cứ lo đóng thuế thì... Thần tài sẽ đến thăm.
Cái gì trên đời này cũng vậy, hễ có vào thì có ra mới gọi là cân bằng. Hai anh chị có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng, dù chưa được cấp mã số thuế như mấy cha nhà văn, nhạc sĩ nhưng cũng phải tình nguyện khai báo mà đóng thuế. Phải đóng thuế thì tự nhiên mới phát triển được sự nghiệp bún bò.
Đầu ra không hanh thông thì đầu vào sẽ tắc tị. Vẻ vang thay khi anh chị cầm được biên lai đóng thuế hàng tháng. Anh chị có thể dán tờ giấy ấy lên trên chỗ nào cao nhất của gánh bún bò nhà mình; một là để hù dọa khách hàng, tăng thêm uy tín thương hiệu mình, hai là để tự hào rằng mình là công dân gương mẫu của ngành thuế.
Sẽ có những kẻ xuyên tạc cho rằng Luật thuế mới chưa ban hành mà đã lạc hậu. Nói vậy là sai, nói vậy là lầm.
Những người như hai anh chị cũng hay so bì, khiếu nại các ông lớn FDI, ông lớn kinh doanh hàng tỉ đô-la mà vẫn chây ì không đóng thuế hoặc báo lỗ giả để trốn thuế. Chuyện ấy đã có các bề trên lo; chúng tôi chỉ khuyên anh chị hãy đóng thuế đầy đủ, đúng hạn cho tôi là được. Đôi lời vàng đá, khuyên răn anh chị nhớ đóng thuế cho tôi.
Ai ngoan cố không đóng, tôi bêu tên lên loa truyền thanh phường xã à!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận