Cơ quan chức năng thu giữ các hình ảnh “Hoa nơi chiến trường” - Ảnh: CTV |
Liên quan đến vụ việc những hình ảnh “Hoa nơi chiến trường” tại cửa hàng hoa Flower Box số 74E Hai Bà Trưng, P. Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM), tối 19-4 phó chủ tịch UBND Q.1 Lê Trương Hải Hiếu cho biết các bộ phận chức năng của quận đã lập biên bản, thu giữ toàn bộ hình ảnh liên quan có tại đây. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phối hợp xem xét để xử lý vụ việc này theo quy định.
Ông Hiếu cho biết khi các cơ quan chức năng của Q.1 đến kiểm tra tại cửa hàng này, chủ cửa hàng không có mặt để làm việc với cơ quan chức năng, chỉ có người quản lý trông coi cửa hàng.
Tổ kiểm tra liên ngành P.Bến Nghé ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng có treo “triển lãm ảnh”, gồm 11 hình lớn, 21 hình nhỏ... Ngoài giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và đăng ký thuế chi nhánh Công ty TNHH Thuận Lê, cửa hàng chưa xuất trình được giấy phép triển lãm, giấy phép xuất bản tập ảnh, album ảnh...
Do vậy, cơ quan chức năng Q.1 đã lập biên bản vụ việc, thu giữ nhiều hình ảnh cùng các vật khác (đang được tạm giữ tại kho của UBND P.Bến Nghé). Ngoài ra, người quản lý trông coi cửa hàng cũng không xuất trình được giấy tờ tùy thân nên cơ quan chức năng đã mời người này về trụ sở Công an P.Bến Nghé để làm việc.
Những ngày qua, trên các mạng xã hội có rất nhiều ý kiến phản ứng gay gắt về “triển lãm” có tên gọi “Hoa nơi chiến trường” tổ chức tại Flower Box. Flower Box tự lên ý tưởng, thiết kế và trưng bày.
Tuy nhiên, khác với các buổi triển lãm ảnh khác, “Hoa nơi chiến trường” không trưng bày những bức ảnh do một cá nhân tự sáng tác, thay vào đó cửa hàng này tổng hợp một số bức ảnh trong thời chiến từ một số trang mạng rồi lồng ghép cành hoa, bông hoa lên nòng súng, họng súng rồi... triển lãm.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Vân - trưởng phòng tiếp thị Flower Box - cho biết: “Nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi thực hiện triển lãm “Hoa nơi chiến trường” với mong muốn biến chiến trường ác liệt trở thành rừng hoa. Triển lãm bao gồm những bức hình lịch sử và một hàng rào dây thép gai đều được biến tấu với hoa. Trong thời gian này, mỗi đơn hàng mua hoa tại Flower Box với giá trị bất kỳ chúng tôi sẽ trích 50.000 đồng vào thùng quyên góp cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam sau khi chương trình kết thúc”.
Khi được hỏi về bản quyền của các bức ảnh mà Flower Box sử dụng cũng như có xin phép triển lãm hay không, bà Vân cho biết: “Chúng tôi thực hiện triển lãm này để lưu hành nội bộ và cho khách hàng đến cửa hàng tham quan nên chúng tôi không xin phép. Còn những bức ảnh mà chúng tôi sử dụng để lồng hoa vào là chúng tôi tải từ các trang mạng nước ngoài xuống, các hình ảnh ấy đều công khai và tôi cũng không biết tác giả là ai để xin phép. Tuy nhiên ảnh tải xuống từ trang nào, dưới mỗi bức ảnh chúng tôi đều trích nguồn rõ ràng”.
Phạm Tấn Duy (26 tuổi, ngụ tại Q.6) sau khi xem các bức ảnh trên qua Facebook cửa hàng liền thốt lên: “Thật kỳ dị! Tôi không thể cảm được ý nghĩa nhân văn, xoa dịu nỗi đau chiến tranh như tiêu chí mà cửa hàng đưa ra. Tôi chỉ thấy ý tưởng của triển lãm này quá tệ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận