Phóng to |
Guốc mộc xuất khẩu của Công ty Hùng Thái (Bình Dương) cũng bị phía Trung Quốc ăn cắp mẫu mã - Ảnh: Nguyễn Trí |
Theo nhiều nhà sản xuất TCMN, tính độc quyền về mẫu mã quyết định đến 80% cơ hội thành công của sản phẩm. Trong khi khâu đăng ký và quản lý bản quyền mẫu mã lại không hiệu quả khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng.
Mẫu mới “sống“ sáu tháng
Dù là sản phẩm độc quyền, nhưng sản phẩm mành trúc VN đang phải sống lây lất vì bị ăn cắp mẫu mã, sản phẩm nhái phá giá để cạnh tranh. “Một mẫu mành trúc mới “sống” tối đa cũng chỉ sáu tháng là bị nhái” - ông Nguyễn Văn Nguyên, chủ nhiệm HTX mành trúc Bình Minh (Phú Nhuận, TP.HCM), nói. Theo ông Nguyên, do không tốn kinh phí thiết kế mẫu, không phải đi hội chợ giới thiệu sản phẩm... nên giá thành sản xuất các sản phẩm nhái thường thấp hơn, thu hút được nhiều khách hàng hơn. “Chỉ cần giá bán thấp hơn 10-20% cũng đã khiến cho doanh nghiệp “chính chủ” điêu đứng” - ông Nguyên bức xúc.
Ông Nguyễn Bá Linh, giám đốc Công ty sơn mài Tư Bốn (Bình Dương), cho rằng chuyện lấy cắp mẫu không chỉ làm thui chột tính sáng tạo mẫu, mà còn làm xấu thương hiệu TCMN VN trong mắt đối tác nước ngoài, do sản phẩm nhái có chất lượng kém, doanh nghiệp làm ăn chụp giật. Ông Linh dẫn trường hợp một doanh nghiệp đã ăn cắp mẫu của Tư Bốn rồi đưa cho nhiều cơ sở khác cùng làm và chào bán cho chính đối tác của doanh nghiệp này với giá thấp hơn 15%. “Sau khi chọn mua hàng giá rẻ, sản phẩm nhập về bị hư hỏng nhiều, nhà nhập khẩu này đã tháo chạy khỏi thị trường VN”, ông Linh kể.
Ông Lê Thanh Tùng, phó chủ nhiệm HTX Ba Nhất (Bình Thạnh), cho biết dù có 3.000 dòng sản phẩm với mỗi năm thiết kế hàng trăm dòng mới nhưng đi hội chợ cũng chỉ trưng vài ba mẫu cũ và tồn kho, không dám đưa mẫu lên mạng vì sợ lấy cắp. “Mất cả năm trời để có được mẫu mới nhưng khi đi chào hàng lại rụt rè như tội phạm, vì nếu chẳng may mẫu bị làm nhái, đối tác sẽ hủy hợp đồng và đòi bồi thường. Trong khi mỗi lần đi đăng ký sản phẩm độc quyền rất khó khăn, đăng ký được 1 thì mất 2-3, nên HTX chỉ còn tự thân chịu trận”, ông Tùng than.
Hàng mẫu “độc” bán tốt
Theo ông Nguyên, tính độc quyền chiếm 80% cơ hội thành công của mẫu TCMN, vì vậy càng độc, lạ càng dễ bán. HTX đang chọn kiểu thiết kế mẫu dựa theo xu hướng thời sự, theo mùa, sản xuất chớp nhoáng nên rất khó bị ăn cắp. “Ông Obama lên làm tổng thống Mỹ, tôi sản xuất ngay mành trúc in hình Obama xuất sang Mỹ nên hàng bán rất chạy. HTX đang sản xuất dòng sản phẩm chuông gió bằng trúc với nhiều kiểu độc, lạ và các mẫu dùng sơn không độc tố và kẽm không gỉ. Nếu trung bình giá xuất mành trúc khoảng 160.000 đồng/tấm thì những mẫu độc, lạ ra giá cao gấp 2-3 lần mà vẫn không thiếu người mua” - ông Nguyên khẳng định.
Theo ông Tùng, khách hàng đã chú ý hơn tới công dụng của sản phẩm thay vì chỉ thẩm mỹ như trước, nên cùng một dòng sản phẩm nhưng với mẫu đa dụng và quan trọng là không đụng hàng sẽ bán được nhiều hơn, giá cao và tiêu thụ tốt hơn. Hai mẫu hàng là bình chưng hoa ba trong một (có thể làm bình hoa hay xếp thành bàn, ghế với chất liệu giấy báo) và khay đựng với ba ngăn thông dụng tách rời nhau hiện được HTX xuất hơn 30.000 sản phẩm sang Mỹ với giá tốt nhờ độc quyền mẫu” - ông Tùng nói.
Theo ông Vương Siêu Tín, giám đốc Công ty gốm sứ Phước Dũ Long (Bình Dương), những mẫu bị ăn cắp thường chỉ sau một năm là trở thành mẫu chung của thị trường, rất ít người chuộng, vì vậy để hạn chế nạn lấy cắp mẫu và tạo sức hút đối với khách hàng, phải thường xuyên thiết kế mẫu mới. “Cùng một giá thành sản xuất nhưng mẫu gốm sứ mới, độc quyền hiệu quả sẽ mang về lợi nhuận cao hơn 20-30% so với mẫu cũ”, ông Tín cho biết.
Đăng ký mẫu mã độc quyền lâu quá Theo bà Lê Thị Minh - Công ty Lam Hà (TP.HCM), ngành TCMN tại nhiều nước phát triển được là nhờ vào tính bảo hộ sản phẩm độc quyền rất cao, người sản xuất ý thức hơn nên không có chuyện ăn cắp mẫu rồi bán phá giá. Trong khi đó, để đăng ký độc quyền một sản phẩm TCMN tại VN, đôi khi doanh nghiệp phải mất tới 2-3 năm, trong khi thị hiếu của khách hàng thay đổi liên tục, sản phẩm sau khi được đăng ký xong thì đã lỗi mốt. Ông Vũ Thế Liêm, thư ký Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho rằng nên rút ngắn thời gian và quy trình cấp giấy chứng nhận mẫu mã độc quyền TCMN, vì thời gian cấp giấy chứng nhận từ 14-18 tháng như hiện nay là quá lâu. “Chỉ trong vòng hai tháng, các đơn vị ăn cắp mẫu đã cho ra sản phẩm hàng loạt, nên sau 18 tháng mới cầm chứng nhận độc quyền thì gần như mất thị trường. Chưa kể quy trình kiện cáo khi có vi phạm bản quyền lòng vòng, tốn thời gian” - ông Liêm nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận