Một số tờ nhạc xưa. Ảnh tư liệu. |
Nghe lời thằng Hiệp, tôi dành ra năm đồng mua bản nhạc Cô Láng Giềng của Hoàng Quý, ý nói cô là cô hàng xóm của tôi, đừng làm lơ tui nữa.
Tôi nhớ mấy câu loáng thoáng như sau vì lúc đó chưa tập đánh đàn ghi-ta: "Cô láng giềng ơi…không biết cô còn nhớ đến tôi…".
Thằng quỷ Hiệp mập sửa lại: "Mầy phải hát "Cô hàng xóm ơi nhưng hàng xóm hát không trúng vần, mầy phải sửa lại là cô háng xòm ơi…".
Mua tờ nhạc xong, tôi nắn nót viết vài dòng tâm tình "hoa lá cành trăng lên lều vải" như sau: "Kính tặng An Khê với tấm lòng chân thật. Xin đừng xé bỏ để lòng nầy đau như hoạn".
Canh lúc nàng đi học về, tôi chạy ra khỏi cửa nhà, tim đâp loạn xạ, tay run cầm cập nhét đại vô cặp nàng, nói không ra hơi: "Tao..., ủa tui tặng Khê bản nhạc hát chơi, tui mới mua 5 đồng đó…".
Tờ nhạc tôi tặng cho cô láng giềng, thật ra không biết dùng từ gì cho chính xác để nói về một sản phẩm âm nhạc hết sức đặc biệt nầy. Nhạc tờ, nhạc lá, bản nhạc, nhạc tờ hay tờ nhạc đều được dùng để nó về một tờ giấy khổ A lớn gấp đôi thành A 4, có bốn trang.
Trang đầu là bức tranh và in tựa đề nói về nội dung bài hát. Hai trang giữa là những dòng kẻ, ký âm những hình nốt tương ứng với từng chữ với những nốt nhạc trong năm dòng kẻ ấy với những chỉ dẫn về nhịp điệu, cung.
Sau nầy, khi quen nhau tôi tưởng ngỡ tình đã sâu đậm nên còng lưng ngồi kẻ nhạc, chép nhạc và thậm chí vẽ lại cả bìa nhạc vào cuốn cạt-nê (sổ tay) của nàng cho thật giống một cuốn sổ nhạc.
Hết nàng rồi tới bạn gái của nàng. Và rồi, tôi phát hiện "nàng đã quên một lối về" khi nhờ tôi vẽ cho bạn trai nàng tập nhạc mang tên "Đôi Lứa"!
Một số bìa tờ nhạc xưa. Ảnh tư liệu. |
Giận đời đen bạc, hận cả "bạc tình lang" nên tôi bèn đi học đàn ghi ta để trở thành nghệ sĩ, kiểu "Mỗi lẩn em buông tiếng hát là tay anh nắn nót cung đàn".
Tôi ít học hợp âm nhiều vì nhờ trên mỗi khuôn nhạc lại được các nhạc sĩ ghi cả từng hợp âm để dễ dàng cho người đệm đàn ghi-ta hoặc piano… "Nè, đây là la thứ, đây là fa trưởng, đây là đô trưởng, còn đây là xã, quận trưởng…".
Tôi biết địa chỉ học đàn là nhờ quảng cáo ở bìa 4 của tờ nhạc. Ở bìa lưng nầy, các Nhà xuất bản thường giới thiệu về danh mục những tờ nhạc đã được xuất bản, thậm chí, đôi khi giới thiệu quảng cáo những lò dạy nhạc, hoặc giới thiệu về nhạc sĩ sáng tác bản nhạc mà người mua đang cầm trên tay.
Thí dụ như lời giới thiệu nhạc sĩ Lê Thương: "Trong 30 năm nhạc nghiệp hơn 300 nhạc phẩm anh càng chứng tỏ một quan niệm nhân sinh ngay cả cho đời nghệ sĩ. Anh đã thí nghiệm đủ các đường lối hoạt động, nhạc trẻ em, nhạc tình cảm, nhạc thời sự, nhạc tranh đấu, nhạc kịch trường, dân ca soạn cuốn Danh từ Âm nhạc từ năm 1953, nhạc pháp quốc nhạc năm 1963…".
|
Rồi để cạnh tranh hơn lại có thêm Câu đố có thưởng, hướng dẫn những sáng tác của các bạn yêu nhạc từ bốn phương gửi về, có cả tặng ảnh ca sĩ.
Nhiều thằng học trò bấy giờ như tôi phải mua tờ nhạc để tập đàn, tập hát ư ử bằng cái giọng mới vỡ của mình hay đờn tửng tùng tưng trong đêm vắng để mong "cưa" đổ cô hàng xóm. Điển hình là bài hát có lời:
"Ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức suốt đêm nay" được sửa lời thành "Ước gì nhà mình chung vách anh đào tường, khoét vách chui qua".
Hay: "Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm khắp vùng, gần kề lối xóm có cô bạn thân xóm hôm lo sách đèn…".
Tờ nhạc không chỉ là một "công cụ" cho người học hát, học đàn mà nó còn là một món quà tặng sinh nhật, những ngày trọng đại của một người thân yêu. Nó cũng có thể là quà rất ư là văn nghệ, văn gừng để tặng nhau, để thể hiện nỗi lòng.
Khi cô gái giận chàng trai thì mua bản Hờn anh, giận em gửi cho chàng thì chàng hiểu ngay. Hoặc khi nàng bỏ chàng thì chàng tặng nàng bản nhạc Tôi đưa em sang sông (Y Vũ) với tấm lòng chua chát "…Nàng đã quên một lối về" (lời bài hát).
Tất nhiên theo thời gian và đà tiến bộ của kỹ thuật thông tin nghe nhìn, loại hình sản phẩm văn nghệ một thời thịnh trị này sẽ chỉ còn lại trong trí nhớ và may thay còn trong tay những nhà sưu tầm tìm lại "hình bóng xưa" của âm nhạc qua… thú chơi tờ nhạc.
Còn tôi thì "tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở", bèn sưu tập nhạc cũ để nhớ lại "Người em xóm nhỏ" trong thời bắt đầu biết khoái con gái của mình...
Xem loạt bài đặc sắc hoài niệm về Sài Gòn xưa của nhà văn Lê Văn Nghĩa: *Trai Petrus Ký bán báo xuân cho gái Gia Long *Sài Gòn tiếng rao "nghe sao lạc lõng giữa phố chiều lao xao" |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận