21/12/2020 07:47 GMT+7

Thông tuyến tỉnh BHYT: Bệnh nhân mừng, bệnh viện lo

THÙY DƯƠNG - LAN ANH
THÙY DƯƠNG - LAN ANH

TTO - Theo thông báo mới của Bảo hiểm xã hội, bệnh nhân tỉnh không cần có giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TP.HCM vẫn được chi trả 100% bảo hiểm y tế (BHYT). Thông tin này được nhiều bệnh nhân vui mừng đón nhận…

Thông tuyến tỉnh BHYT: Bệnh nhân mừng, bệnh viện lo - Ảnh 1.

Người dân nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Thống Nhất - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho biết quy định áp dụng cho các bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố, còn bệnh viện tuyến trung ương, bệnh nhân chỉ được hưởng 40% BHYT.

Bệnh viện quá tải

Cụ thể, nếu bệnh nhân tỉnh nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương và Bệnh viện Thống Nhất mà không có giấy chuyển tuyến chỉ được trả 40% BHYT. Các bệnh nhân BHYT cấp cứu hoặc có giấy chuyển tuyến thì vẫn được thanh toán 100% theo mức quyền lợi.

Đại diện Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết hiện bệnh viện có khoảng 900 giường bệnh. Khi chưa thông tuyến tỉnh BHYT, bệnh viện này luôn trong tình trạng quá tải, hết giường bệnh. Hiện nay mỗi ngày bệnh viện phải chuyển khoảng 20 bệnh nhân điều trị nội trú sang các bệnh viện khác điều trị vì bệnh viện không cho bệnh nhân nằm đôi.

Do vậy, khi triển khai thông tuyến tỉnh BHYT, bệnh nhân đến bệnh viện điều trị đông hơn, áp lực của bệnh viện sẽ tăng lên. Và khi bệnh viện hết giường bệnh thì bệnh viện phải chuyển bệnh nhân sang bệnh viện khác điều trị nhiều hơn.

Với những bệnh viện có không nhiều bệnh nhân đến điều trị, khi thông tuyến BHYT tỉnh, những bệnh viện này mới chuẩn bị thêm như cơ số thuốc, trang thiết bị… Còn hiện Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM không thể tiếp nhận thêm số bệnh nhân điều trị nội trú nên bệnh viện không cần chuẩn bị gì thêm.

Bệnh nhân hưởng lợi

Về mặt xã hội, khi thông tuyến tỉnh BHYT bệnh nhân được hưởng những điều kiện điều trị bệnh tốt hơn, người dân được quyền chọn lựa theo đúng nhu cầu.

Bệnh viện tuyến tỉnh phải tự thay đổi, phải đầu tư về con người, về quy trình, về kỹ thuật để thu hút người dân ở lại địa phương điều trị. Như vậy, về lâu dài hệ thống y tế sẽ phát triển đồng bộ.

Theo ông Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ngày 1-1-2021 bệnh nhân BHYT sẽ được thông tuyến tỉnh nhưng hiện lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chưa lường hết được tình hình bệnh nhân tỉnh sắp tới đến điều trị ở bệnh viện này sẽ tăng lên như thế nào. Trước đây, nhiều bệnh nhân ở tỉnh vẫn lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để điều trị nội trú trái tuyến thì giờ không còn trái tuyến nữa.

Nếu bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu tiếp tục tăng sẽ gây khó khăn cho bệnh viện này vì nhiều năm qua bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Bệnh nhân tỉnh đến các bệnh viện tuyến trên như vậy sẽ gây khó khăn cho cả bệnh viện tuyến trên cũng như bệnh viện tỉnh. Bệnh viện tuyến trên sẽ quá đông bệnh nhân trong khi bệnh viện tỉnh sẽ có ít bệnh nhân đến điều trị.

Hiện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có nguồn nhân lực đầy đủ vì đang chuẩn bị cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2, tuy nhiên cơ sở 2 vẫn chưa triển khai đồng bộ, chưa triển khai điều trị nội trú.

Trong mùa Covid-19, Bệnh viện Ung bướu thực hiện giãn cách bệnh nhân, bệnh nhân cũng ngại nhập viện điều trị nên hiện bệnh viện không trong tình trạng quá tải như trước. Điều này chỉ diễn ra trong mùa Covid-19. Hiện Bệnh viện Ung bướu cũng như nhiều bệnh viện khác trong TP đang đợi những hướng dẫn cụ thể của Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TP.HCM về thông tuyến tỉnh bệnh nhân BHYT.

Cần vai trò điều phối

"Cần thêm hướng dẫn để điều phối, tránh tình trạng bệnh nhân tập trung quá đông ở những bệnh viện đã quá tải, mà khi bệnh nhân quá tải thì chất lượng khám chữa bệnh cũng không tốt. Ở Thái Lan, trong tình huống bệnh nhân chuyển tuyến thì bệnh viện nhận bệnh nhân sẽ trao đổi với bệnh viện bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, để dịch vụ không khác biệt thì sẽ chuyển lại bệnh nhân về bệnh viện ban đầu, tránh tập trung quá đông ở một nơi" - ông Nguyễn Tá Tỉnh, giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Thọ, nói.

Hiện tại khu vực phía Bắc đang nổi lên một số bệnh viện tuyến tỉnh có đầu tư mạnh như Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh… Trong khi ở phía Nam, rõ ràng nếu khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM mà không cần chuyển tuyến thì bệnh nhân sẽ cảm thấy "yên tâm" hơn khám chữa bệnh tại tỉnh nhà. Nhưng bệnh viện tại TP.HCM phần lớn đã quá tải, nếu thêm lượng chuyển tuyến sắp tới mà không có điều phối thì bệnh viện sẽ khó có thể xoay xở.

"Các bệnh viện đều phải nâng chất lượng chuyên môn lên, để nâng chất lượng chẩn đoán và điều trị, song song là đầu tư thêm trang thiết bị, thay đổi về tinh thần thái độ phục vụ. Đổi mới thì sẽ giữ được bệnh nhân, vì giờ đã thực sự phải cạnh tranh giữa các bệnh viện cùng tuyến rồi" - ông Tỉnh nhận xét.

Không đổi mới, không giữ được bệnh nhân

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang Phạm Quang Thanh tỏ ra khá tự tin trước khi bắt đầu thông tuyến bảo hiểm y tế (với bệnh nhân nội trú) tại tuyến tỉnh. Theo ông Thanh, năm 2020 bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị, có máy chụp cộng hưởng từ 1,5 tesla, monitor theo dõi bệnh nhân, đã gửi cán bộ đi học…

"Chúng tôi đã triển khai được 70-80% dịch vụ của bệnh viện đa khoa hạng 1, năm 2020 triển khai thêm ba dịch vụ của bệnh viện hạng đặc biệt là thay khớp gối, đặt stent mạch vành trong nhồi máu cơ tim cấp và bơm ximăng sinh học cho bệnh nhân xẹp đốt sống. Năm 2021 chúng tôi sẽ triển khai thêm một số kỹ thuật trong điều trị ung thư" - ông Thanh cho biết.

Bệnh viện đã thay đổi mạnh mẽ về cơ sở vật chất, sửa chữa khu khám bệnh, khu phẫu thuật, nghiêm cấm y bác sĩ nhận "phong bì" của bệnh nhân và người nhà người bệnh song song với đổi mới thu nhập của y bác sĩ, thu hút nhân lực chất lượng.

"Chưa thông tuyến thì chúng tôi cũng có bệnh nhân từ tỉnh Yên Bái, tỉnh Hà Giang đến, nhưng tham vọng của chúng tôi vẫn là phải làm thật tốt để bệnh nhân trong tỉnh được khám chữa bệnh tại tỉnh, có chuyển tuyến thì về bệnh viện trung ương chứ không phải sang tỉnh bạn" - ông Thanh chia sẻ.

Năm 2020, có khoảng 3.000-4.000 bệnh nhân Tuyên Quang phải chuyển tuyến về tuyến trung ương. Với những đầu tư trong năm 2020 và những dịch vụ sẽ triển khai trong năm 2021, ông Thanh cho rằng sẽ giảm được con số phải chuyển tuyến này.

"Phải làm thật tốt mới giữ được bệnh nhân, lúc này bệnh viện nào cũng phải làm thật tốt thì mới thu hút được" - ông Thanh khẳng định.

Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Tá Tỉnh, giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Thọ, tâm niệm. Theo ông Tỉnh, khi thông tuyến bảo hiểm đến tuyến tỉnh, người dân sẽ thuận lợi hơn, nhất là những trường hợp bệnh mãn tính và về vị trí địa lý, dù sống ở tỉnh này nhưng đến bệnh viện tỉnh bên lại gần hơn thì người bệnh sẽ đỡ công đi lại mà vẫn được hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến.

Người ở nơi khác đến khám chữa bệnh tại TP.HCM: Ai được BHYT chi trả 100%? Người ở nơi khác đến khám chữa bệnh tại TP.HCM: Ai được BHYT chi trả 100%?

TTO - Bệnh nhân có thẻ BHYT ở các tỉnh khác đến khám ngoại trú (không nhập viện) ở các cơ sở y tế tại TP.HCM nếu không có giấy chuyển tuyến không được BHYT thanh toán, bệnh nhân tự chi trả chi phí.

THÙY DƯƠNG - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp