Theo Hãng tin AFP, chính quyền quân đội Myanmar đang vất vả đối phó với các cuộc tấn công phối hợp gần biên giới của nước này với Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan.
Một số nhà phân tích cho rằng diễn biến hiện nay là mối đe dọa lớn nhất đối với chính quyền quân đội kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021.
Thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, cảnh báo rằng "nếu các tổ chức vũ trang tiếp tục làm điều xuẩn ngốc, cư dân các khu vực liên quan sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực".
"Vì vậy cần phải cân nhắc đến cuộc sống của người dân. Những tổ chức đó cần giải quyết vấn đề của họ về mặt chính trị", ông Min Aung Hlaing nêu quan điểm vào ngày 5-12.
Theo Hãng tin AFP, phát ngôn của ông Min Aung Hlaing cho thấy quân đội Myanmar đang kêu gọi giải pháp chính trị với phe nổi dậy.
Myanmar có hơn chục nhóm vũ trang dân tộc thiểu số. Nhiều nhóm đang kiểm soát lãnh thổ ở khu vực biên giới và đã chiến đấu với quân đội kể từ khi đất nước này giành độc lập từ Anh vào năm 1948.
Không lâu sau cuộc đảo chính năm 2021, nhiều tổ chức nổi dậy vũ trang chống chính quyền lần lượt ra đời, đáng kể nhất là Lực lượng phòng vệ nhân dân (PDF).
Vào cuối tháng 10, "Liên minh 3 anh em" gồm Đội quân Dân tộc Arakan (AA), Đội quân Liên minh Dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA), và Quân đội giải phóng Dân tộc Ta'ang (TNLA) thông báo đã chiếm giữ một số đồn quân sự và những con đường huyết mạch nối Myanmar với Trung Quốc.
PDF đã phát động các cuộc tấn công mới vào quân đội Myanmar ở phía bắc và phía đông đất nước.
Tuần trước các tay súng của PDF nói với AFP rằng họ đã kiểm soát nhiều khu vực ở Loikaw, thủ phủ bang Kayah ở miền đông và đang chiến đấu để đánh đuổi quân đội chính quyền ra khỏi thành phố.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, hơn 250 thường dân, bao gồm cả trẻ em, được cho là đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu giao tranh vào tháng 10. Ngoài ra, hơn 500.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa trên khắp đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận