Tại cuộc họp báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáng 24-3, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc một cá nhân ở Bắc Ninh là ông Nguyễn Thế Hồng đã ký hợp đồng mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" với nhà đấu giá Millon (Pháp).
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Đình Thành, cục phó Cục Di sản văn hóa, cho biết chưa thể công bố thông tin chính thức bởi quá trình đàm phán, thương lượng và tiến hành thủ tục hồi hương vẫn đang diễn ra.
"Hiện nay chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin cụ thể vì phải thực hiện cam kết giữa các bên và tiến hành thủ tục để đưa ấn vàng hồi hương theo đúng quy định pháp luật của Pháp cũng như Việt Nam", ông Thành nói.
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cho rằng mốc tháng 4 và tháng 6-2023 sẽ rất quan trọng liên quan đến việc hồi hương của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.
Ông Thành cũng khẳng định dù ấn này thuộc sở hữu cá nhân, cũng sẽ không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa.
Cụ thể, ông dẫn thông tư 19/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định danh mục di vật cổ vật không được đưa ra nước ngoài bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9 năm 1945, trong đó bao gồm ấn tín.
Do đó, theo ông Thành, việc tư nhân sở hữu ấn vàng nếu tiếp tục đưa ra nước ngoài với mục đích trưng bày, giới thiệu quảng bá văn hóa Việt Nam hay phục vụ công tác tu sửa hiện vật nếu xuống cấp, công nghệ chúng ta chưa làm được thì thông tư 19 sẽ phục vụ việc đó.
Nếu đưa ra vì mục đích khác thì thông tư sẽ ngăn chặn việc đưa ra nước ngoài.
"Chúng tôi cam kết, bảo đảm với các quy định của văn hóa, việc chủ sở hữu có thể là tư nhân với ấn vàng phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật chặt chẽ nếu đưa ra nước ngoài. Còn lại hoàn toàn chịu sự quản lý của thông tư 19", ông Thành nói thêm.
Ấn "Hoàng đế chi bảo" được các chuyên gia xác định là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mạng thứ 4 (năm 1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền thực dân Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8-3-1952, hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ “vương” (vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận