Nhiều người không nhớ mật khẩu truy cập của mình, giao phó bảo mật cho phía cung cấp dịch vụ - Ảnh: Đ.T.
Thu thập thông tin cá nhân nhiều khi chính là mục đích của các nhà cung cấp, trong khi ta cần dùng dịch vụ hoặc khi tham gia một chương trình mua sắm có khuyến mãi... Và từ đó, thông tin của mình sẽ "đi" đến đâu, vào tay ai, họ dùng để làm gì?
Từ ép buộc...
Hằng ngày, mọi người vẫn dùng các dịch vụ Gmail, Facebook, Zalo, Viber, Messenger để liên lạc, trao đổi. Các ứng dụng này đều bắt buộc phải cung cấp các thông tin cá nhân của mình (email, số điện thoại di động, thậm chí cả hình ảnh chụp chứng minh nhân dân...) để bảo mật tài khoản cũng như đảm bảo chính chủ của tài khoản. Đương nhiên, tôi cũng như bao người dùng, đều phải cung cấp tất cả những nội dung được yêu cầu...
Tương tự, mua vé máy bay trực tuyến, hành khách phải cung cấp rất đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Mua hàng qua mạng, khách hàng phải cung cấp các thông tin để đăng ký tài khoản mua bán, thông tin địa chỉ, số điện thoại để giao dịch... Nhiều dịch vụ khác trong thế giới ảo cũng bắt buộc người dùng phải cung cấp chi tiết thông tin, thậm chí hình ảnh cá nhân.
Một ngày đẹp trời, người dùng nhận được những tin nhắn thông báo trúng thưởng với ý đồ lừa đảo từ các ứng dụng tin nhắn; những email, quảng cáo có liên quan đến các nội dung chúng ta vừa tìm kiếm hay trao đổi với bạn bè trên mạng. Mua vé máy bay xong liền nhận được tin nhắn quảng cáo dịch vụ xe đưa rước từ sân bay... Mua nhà, ít lâu sẽ có người gọi đến chào mời dịch vụ mua bán, cho thuê nhà.
Mỗi ngày có bao nhiêu cuộc gọi chào mời mua bảo hiểm, nhà đất, mua hàng gia dụng, dịch vụ các loại. Thông tin người dùng đã được khai thác rất khéo léo. Thông tin của chúng ta sẽ được chuyển đến những ai, những đâu, đến khi nào? Chuyện này gần như không thể kiểm soát.
Những nơi cung cấp dịch vụ vẫn thường cam kết bảo mật thông tin cá nhân cho người dùng, chỉ dùng thông tin đó để phục vụ người dùng tốt hơn. Nhưng thực tế không đơn giản vậy. Ai cũng nghi ngờ chuyện thông tin cá nhân của mình đã bị rò rỉ hoặc có thể được bán cho công ty khác. Nhưng để có bằng chứng trong thế giới ảo là điều quá khó!
... đến chiêu trò và sự chủ quan
Bên cạnh những thông tin mang tính bắt buộc nêu trên, nhiều ứng dụng di động, mạng xã hội đang tìm cách thu thập thông tin cá nhân đến độ chi tiết hết mức có thể. Chẳng hạn người dùng cần cài đặt ứng dụng chỉnh sửa ảnh nhưng lại yêu cầu được quyền truy cập danh bạ điện thoại, đọc nội dung tin nhắn... Rồi chính người dùng đưa tất tần tật hình ảnh, thông tin sinh hoạt hằng ngày, chỗ ở, công việc, người thân...
Tội phạm mạng hiện nay thường sử dụng mã độc để tấn công thu thập thông tin người dùng. Mã độc sẽ được cài cắm khắp mọi nơi có thể (trình duyệt, ẩn trong website, đường dẫn, phần mềm...) và chực chờ người dùng sơ sẩy để lây nhiễm vào thiết bị của họ.
Theo nghiên cứu của Hãng bảo mật TrendMicro, thông tin cá nhân có thể bị đánh cắp thông qua các trang web đăng nhập giả mạo. Tin tặc gửi đến những trang thông tin lừa đảo, thông báo trúng thưởng và yêu cầu người dùng đăng nhập. Không chỉ đánh cắp được thông tin, những kẻ tấn công còn có thể xâm nhập và mã hóa tập tin quan trọng, gây ảnh hưởng không những đến cá nhân, thậm chí cả doanh nghiệp...
Theo báo cáo "Thị trường ứng dụng điện thoại di động tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018" do Công ty Appota công bố, 76% người tiêu dùng Việt hiểu bảo vệ dữ liệu và bảo mật thông tin cá nhân là vô cùng quan trọng, nhưng lại có đến 82% số người được hỏi sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân để được nhận quà tặng miễn phí (!?).
Bên cạnh chiêu trò của các nhà cung cấp dịch vụ, sự dễ dãi của nhiều người cũng khiến thông tin của chúng ta dễ dàng bị khai thác hơn. Để tránh phiền phức cho mình, cũng cần cân nhắc hơn khi cung cấp thông tin chi tiết thông qua các dịch vụ hằng ngày.
Hạn chế chia sẻ thông tin
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Ngô Tấn Vũ Khanh, giám đốc phát triển Kaspersky Lab Việt Nam, cho rằng: "Việc lộ thông tin cá nhân người dùng hiện nay là chuyện không thể tránh khỏi khi chúng ta tương tác quá nhiều với Internet. Tuy nhiên, vẫn có một vài phương án nhằm giảm khả năng lộ thông tin cá nhân".
Nên từng bước trang bị thêm cho mình kiến thức về an toàn bảo mật thông tin. Người dùng nên chú ý một số hướng dẫn sau:
- Hạn chế tối đa đăng nhập một website với tên đăng nhập và mật khẩu bằng hình thức thông qua bên thứ ba như Facebook hay Google. Hạn chế sử dụng thông tin chính thức của mình khi tham gia các giao dịch trên mạng.
- Khi dùng máy tính hay các thiết bị không phải của mình, nên xóa các lưu vết sử dụng.
- Hạn chế cài các ứng dụng lạ hay các đường dẫn (link) từ một website lạ. Có thể chỉ với một đường link lạ, chúng ta đã mặc nhiên cho phép chia sẻ toàn bộ thông tin trên điện thoại của mình.
- Nếu được, hãy chọn các thiết bị có tính bảo mật cao. Sử dụng các phần mềm hay ứng dụng scan (quét) và giám sát truy cập các dữ liệu cá nhân. Người dùng sẽ phát hiện khi nào chúng ta bị truy cập dữ liệu cá nhân không có sự cho phép.
- Khi thực hiện giao dịch có cần chia sẻ thông tin trên mạng, hãy chắc rằng bạn đang tương tác với một website uy tín, có thương hiệu.
ĐỨC THIỆN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận