Ông Nguyễn Mạnh Cường - vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) - giới thiệu Hiệp định CPTPP về lao động ngày 13-11 - Ảnh: N.A.T
Ông Nguyễn Mạnh Cường - vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH), trưởng nhóm lao động đoàn đàm phán TPP, CPTPP - nhấn mạnh như vậy tại buổi tọa đàm về các cam kết lao động của Việt Nam trong CPTPP tổ chức tại Hà Nội hôm nay 13-11.
Các cam kết được nâng lên mức cao nhất
Theo ông Cường, trong CPTPP hay TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương trước đây) có hai nội dung: cam kết chung và cam kết riêng.
Về lao động, cam kết chung của CPTPP quy định các bên sẽ "thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định cũng như trong thực tiễn" những quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm: tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động.
CPTPP cũng yêu cầu các bên phải quy định trong luật pháp và thực hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp.
Đối với cam kết riêng của Việt Nam về lao động, có 4 nội dung.
Một là, Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (cam kết chung) trong Chương Lao động kể từ ngày CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam;
Hai là, đối với các vi phạm của Việt Nam (nếu có) liên quan tới các cam kết chung thì các nước sẽ không áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian 3 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực;
Ba là, đối với các vi phạm của Việt Nam (nếu có) đối với quyền tự do hiệp hội và thương lượng tập thể thì các nước sẽ không áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong thời gian 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực;
Bốn là, trong thời gian từ khi CPTPP có hiệu lực 5 năm đến trước khi CPTPP có hiệu lực 7 năm, các vấn đề liên quan tới vi phạm cùa Việt Nam (nếu có) về quyền tự do hiệp hội sẽ tiếp tục được các bên rà soát trong khuôn khổ Hội đồng Lao động của CPTPP.
Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tọa đàm giới thiệu về các cam kết lao động của Việt Nam trong CPTPP - Ảnh: N.A.T
"Việt Nam cũng như các nước thành viên của ILO thì phải thực hiện tuyên bố của ILO, tức là cam kết và nỗ lực thực hiện các điều khoản, quy định. Còn với CPTPP thì mức cam kết được nâng lên mức cao nhất, đó là 'thông qua và duy trì'. Đây cũng là điểm mới nhất so với các cam kết khi chúng ta tham gia các hiệp định", ông Nguyễn Mạnh Cường nói.
"Cam kết riêng của Việt Nam trong CPTPP là nếu ta có những vi phạm về cam kết chung thì chúng ta vẫn có 3-5 năm không bị trừng phạt thương mại, bởi khi đàm phán chúng tôi đã nêu vấn đề Việt Nam đang trong quá trình sửa Luật lao động và các quy định pháp luật liên quan".
Các nước đã cam kết "sẽ không áp dụng các biện pháp đình chỉ các ưu đãi thương mại đối với Việt Nam trong vòng 3 năm, hoặc 5 năm. Thậm chí sau thời gian này, nếu có vi phạm thì việc "trừng phạt" nếu có cũng phải theo lộ trình.
CPTPP tác động gì đến lao động?
"Nghiên cứu tác động khi tham gia các hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), TPP hay CPTPP thì ở khía cạnh lao động, việc làm, xã hội đều rất khả quan. Việc làm sẽ tăng, chất lượng lao động sẽ tăng, năng suất lao động cũng tăng", TS Đào Quang Vinh - viện trưởng Viện khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đồng tình với ý kiến của vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Nguyễn Mạnh Cường.
"Bên cạnh đó cũng sẽ xuất hiện phân hóa về tiền lương giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giữa lao động có trình độ cao với trình độ thấp".
TS Đào Quang Vinh (phải) - viện trưởng Viện khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tại buổi tọa đàm ngày 13-11 - Ảnh: Đ.BÌNH
Theo ông Vinh, cơ hội của CPTPP là rất rõ ràng, nhưng có thực trạng là qua khảo sát, thăm dò thì mới chỉ có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI quan tâm và có sự chuẩn bị. Còn lại các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nắm rõ, chưa sẵn sàng cho việc tham gia CPTPP.
"Điều này cần sớm thay đổi, vì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi 'tác động kép' là công nghiệp 4.0 và các hiệp định sẽ khiến cơ cấu việc làm sẽ thay đổi nhanh. Vì thế cần phải tận dụng các cơ hội, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực nhất là lao động chất lượng cao để nâng sức cạnh tranh, hàng hóa làm ra phải thật tốt để có thể vào được các thị trường", TS Vinh nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận