Cung cấp thông tin này cho Tuổi Trẻ Online, ông Trần Việt Hòa - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho hay tổng công suất các nhà máy đạt được thống nhất giá tạm là 1.200 MW. Bao gồm 3 nhà máy điện mặt trời, 7 nhà máy điện gió trên đất liền và 5 nhà máy điện gió trên biển.
Theo tìm hiểu riêng của Tuổi Trẻ Online, các nhà máy đã được các bên thống nhất mức giá điện tạm thời bao gồm: Nam Bình 1, An Viên, Hưng Hải Gia Lai, Hnbaram, Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3; Hiệp Thạch, Hướng Hiệp 1.
Mới thống nhất giá điện tạm thời
Mới đây nhất ngày 19-5, Bộ Công Thương có văn bản đối với các dự án gồm nhà máy điện mặt trời tại Trung Nam Thuận Nam ở xã Phước Minh (Thuận Nam) kết hợp với trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối (phần công suất 172 MW chưa được huy động - PV); các nhà máy điện gió VPL Bến Tre, Tân Phú Đông, Lạc Hòa 2, Chơ Long, Yang Trung và Hòa Đông 2.
Cũng theo Bộ Công Thương, dự kiến trong tuần tới sẽ có thêm 6 nhà máy điện đã được chủ đầu tư và EVN thống nhất mức giá tạm thời, dự kiến hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công Thương phê duyệt.
Như vậy đến nay đã có 37/85 hồ sơ dự án được các chủ đầu tư gửi tới EVN. Vẫn còn 48 nhà máy chưa được nộp hồ sơ đàm phán, 11 hồ sơ vẫn tiếp tục phải bổ sung và hoàn thiện.
Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3 nhưng sau hai tháng vẫn không bổ sung được.
Bộ Công Thương cho rằng các chủ đầu tư cần gấp rút hoàn chỉnh thủ tục và nộp hồ sơ để việc thỏa thuận giá điện không bị kéo dài, rút ngắn thời gian đưa các dự án này vào vận hành, từng bước giải quyết bài toán kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, việc các bên thống nhất được giá điện tạm thời nhưng không đồng nghĩa sẽ được huy động lên lưới. Bởi các chủ đầu tư phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý, gồm giấy phép đầu tư, hoạt động điện lực cũng như các thủ tục nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...
Phải hoàn thiện hồ sơ pháp lý mới được huy động
Với 15 dự án đã thống nhất được giá tạm, không phải chủ đầu tư nào cũng đã đáp ứng được đầy đủ hồ sơ pháp lý, hoặc có những dự án chỉ có một phần công suất đáp ứng được yêu cầu thủ tục liên quan.
Như trường hợp của dự án điện mặt trời Trung Nam, hiện vẫn còn 172 MW đang chờ huy động lên lưới, nhưng chỉ một phần trong số này đáp ứng đủ yêu cầu về pháp lý.
Ngoài ra, theo thống kê, mới chỉ có 16/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp (chiếm khoảng 18,8%) đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực, 12 nhà máy đã được chủ đầu tư nộp hồ sơ và đang hoàn thiện hồ sơ.
Bộ Công Thương đánh giá việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp giấy phép hoạt động điện lực còn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức. Nhiều chủ đầu tư quan niệm cần phải thống nhất mức giá mới đủ điều kiện để nộp hồ sơ xin cấp phép. Thậm chí có chủ đầu tư còn "đủng đỉnh" trong việc nộp hồ sơ cấp phép, chờ thống nhất giá tạm thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ.
Do đó, theo hướng dẫn từ Bộ Công Thương, việc thỏa thuận giá tạm thời và lập hồ sơ cấp giấy phép hoạt động điện lực trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của bộ cần được các chủ đầu tư thực hiện song song, khẩn trương tối đa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận