Bức ảnh trong tập sách Thong dong ba vùng đất của Nguyễn Lương Hiệu: “Lòng cũ mới nôn nao/ Nhấp nhô từng góc phố”. Nhiều bức ảnh được anh chú thích rất “thơ” như thế - Ảnh: K.LINH
Thơ, ảnh, nhạc được tác giả ghi lại với tâm thế "Nặng lòng nhân nghĩa nhíu mày nghĩa ân" trước những vùng đất để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời anh: Quảng Nam - Đà Nẵng, TP.HCM và Thanh Hóa - đất tổ của người dân Quảng Nam.
Thong dong đi hết ba vùng đất qua từng tấm ảnh, bài thơ, lắng nghe giai điệu của ca từ được các nhạc sĩ rung động cùng tác giả, ta gặp những nốt trầm sâu lắng: "...Ơi giọng nói Quảng Nam cũ rà cũ rích/ Tôi mang trong lòng nặng trịch nghĩa nhân".
Trước Sài Gòn, tâm trạng tác giả vui hơn, một chút gì đó nhẹ nhõm hơn, tràn trề sức sống và tươi trẻ trong giọng thơ: "...Đời rất vui và ánh bình minh/ Đường cong em rung ngân giai điệu/ Êm ái lắm mùa thu xưa soi chiếu/ Gió la đà mặt nước ríu rít chim..." (Thành phố lung linh).
Những câu thơ ngân lên một điệu nhạc rộn rã mừng thành phố xanh tươi trẻ trung như cô gái xuân thì, nhưng đọng trong góc khuất trái tim vẫn là quê hương. Một quê hương mà chỉ cần bất chợt gặp một ánh mắt, một giọng nói quê nhà đủ gợi bao nỗi nhớ, về thời thơ ấu "dấu chân bùn đất", tình làng nghĩa xóm, và mẹ...
Hình tượng người mẹ được anh chạm khắc thật đẹp và cảm động: "Dưới hiên tóc trắng mẹ ngồi mênh mông". Người mẹ yêu con làm tất cả vì con, khi các con lớn lên vững cánh rộng đường bay thì mẹ thui thủi một mình những chiều ngồi ngóng đợi...
Nhà thơ Octavio Paz quan niệm về thơ: "Thơ len vào giữa có và không, thơ nói những gì tôi im, thơ im những gì tôi nói, thơ mơ những gì tôi quên".
Nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu đã làm được điều này khi anh bật chiếc bật lửa... của thơ: "Tách/ Ngọn lửa bùng cháy/ Ta sững sờ, chiếc ghe như chiếc lá/ Mẹ chòng chành bơi mưa lụt/ Phố như quê mênh mông nước/ Ta khinh miệt mình chỉ đau suông/ dù lòng đã dâng lũ quét...", "Tách, cuộc sống dạy ta yêu cuộc đời và ta yêu em" (Chiếc bật lửa).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận