Có lẽ chưa có người đứng đầu một ngành nào lại nói rằng không cần bình ổn thị trường mà mình được giao trách nhiệm quản lý. Trả lời của ông Bình như gáo nước tạt vào những bức xúc bấy lâu nay của cả xã hội, dư luận. Rằng họ đã “lo bò trắng răng” trước bất thường của thị trường vàng, vì giá vàng có cao hơn thế giới nhưng không ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Cử tri Nguyễn Chánh Nghĩa (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM) nói: “Làm sao ông Bình có thể hiểu được tâm tư của những anh chị công nhân khi tổ chức đám cưới phải mua nữ trang đắt hơn 300.000 đồng/chỉ. Đến ký thịt heo, bó rau các cấp chính quyền còn ra sức bình ổn giá, tại sao vàng lại không. Bình ổn có nghĩa là phải tạo ra một thị trường mua bán bình thường, giá cả hợp lý, chứ sao lại dùng biện pháp hành chính để ngăn sông cấm chợ, để giá cao bất thường”.. Nhiều cử tri không chấp nhận cách quản lý vàng như Ngân hàng (NH) Nhà nước đã làm vì chẳng khác nào thấy kẹt xe nhiều quá, cấm xe máy, ôtô là xong. NH Nhà nước làm theo cách của mình, miễn đạt được mục đích, bất chấp hệ lụy phát sinh cho thị trường, doanh nghiệp, người dân, bỏ ngoài tai các góp ý chấn chỉnh.
Có cơ sở để người dân thêm bức xúc. Những bất ổn của thị trường vàng, từ việc vàng các thương hiệu khác bị mất giá so với vàng SJC, xuất hiện vàng nhái SJC nhiều hơn, người dân phải đổi từ vàng khác sang vàng SJC... đều nảy sinh sau khi thống đốc NH Nhà nước tuyên bố độc quyền vàng miếng SJC. Không dừng ở đó, NH Nhà nước còn đưa ra ý tưởng xem vàng - tài sản của người dân - như rượu, bia, thuốc lá..., những thứ độc hại không khuyến khích để đòi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Và nay, trước Quốc hội, thống đốc lại xem vàng là mặt hàng bình thường, chẳng có gì phải bình ổn.
Cơ sở nào để ông Bình từ chối yêu cầu bình ổn giá vàng, khi đó là nhiệm vụ, mục tiêu mà cả hệ thống chính trị phải thực hiện. Chưa nói đến nghị quyết của Quốc hội về bình ổn thị trường vàng, trong nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, chương V về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, điều 16 về trách nhiệm của NH Nhà nước, Chính phủ cũng đã giao cho NH Nhà nước các công cụ để can thiệp, bình ổn thị trường vàng. Cụ thể là xuất nhập khẩu vàng, tổ chức sản xuất vàng miếng, mua bán vàng trên thị trường và tổ chức huy động vàng theo quy định. Vậy không bình ổn thị trường, để giá vàng cao... NH Nhà nước đã làm tròn trách nhiệm mà Chính phủ giao?
Chưa hết, với quyết định chấm dứt huy động vàng mà không đưa ra các giải pháp khác để thu hút nguồn vốn này phục vụ sản xuất - kinh doanh, NH Nhà nước đã đẩy toàn bộ số vàng mà nhiều năm qua đã huy động được của dân ra khỏi hệ thống NH. Giờ đây, số vàng này trở về nằm trong tủ nhà người dân, quá lãng phí.
Thưa ông thống đốc, vàng là tài sản của dân, là thước đo lòng tin của người dân vào nền kinh tế, ai cũng đặt yêu cầu phải bình ổn thị trường. Với trách nhiệm là nhà quản lý thì không thể bỏ qua, nếu không làm tốt thì cũng đừng tuyên bố “không có chuyện liên thông giá vàng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận