21/08/2012 17:17 GMT+7

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: nợ xấu chưa phải là bi kịch

Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Nguyễn Văn Bình

TTO - Trước nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định tỉ lệ nợ xấu hiện tại của Việt Nam là lo ngại nhưng chưa đến mức bi kịch.

Y1hsllIm.jpgPhóng to
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước công bố là tỷ lệ khoa học, chính xác - Ảnh Việt Dũng

Tin số liệu nào?

Theo thống đốc Bình, báo cáo của các tổ chức tín dụng cho thấy đến ngày 31-5-2012, nợ xấu của hệ thống là 117.723 tỉ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng. Còn theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31-3-2012 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỉ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh hỏi: Có tổ chức quốc tế đánh giá nợ xấu của ngân hàng Việt Nam là 13%, thống đốc nói 4,47%, rồi 8,6%, sao nhiều con số được đưa ra như vậy, xin giải thích? Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị thống đốc cho biết đâu là con số chính xác?

VBz0NwLz.jpgPhóng to
Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh: đâu là tỷ lệ nợ xấu chính xác? - Ảnh: Việt Dũng

Ông Bình đáp: Thực tế nợ xấu đã phát sinh suốt hoạt động của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay, chỉ có điều đến nay chúng ta mới công bố điều đó. Tôi làm trong Ngân hàng Nhà nước 30 năm, luôn có hai số liệu: một là các tổ chức tín dụng báo cáo dựa trên tiêu chí của Ngân hàng Nhà nước, hai là con số do chính Ngân hàng Nhà nước đưa ra, đến nay có số liệu thứ ba là các tổ chức xếp hạng quốc tế công bố khi chúng ta hội nhập.

Với tỉ lệ nợ xấu của chúng ta hiện nay thì không đến mức hốt hoảng, không phải bi kịch”

Sở dĩ có các tỉ lệ nợ xấu được công bố khác nhau là do cách đánh giá khác nhau với đặc điểm vừa định lượng vừa định tính. “Đôi khi vì mục đích lợi nhuận, các tổ chức tín dụng họ xếp các khoản nợ vào nhóm ít rủi ro. Khi Ngân hàng Nhà nước thanh tra trực tiếp, có những tổ chức tín dụng tỉ lệ nợ xấu 30%, có tổ chức tỉ lệ nợ xấu 60%, có tổ chức không có lãi… Ngân hàng Nhà nước không thể tin hoàn toàn vào con số báo cáo của các tổ chức tín dụng. Từ đó tôi có thể khẳng định số liệu nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước là có căn cứ khoa học nhất” - ông Bình nói.

Về giải pháp xử lý nợ xấu, thống đốc Bình cho biết trong quý 3 sẽ ban hành đầy đủ các văn bản liên quan đến tái cấu trúc ngân hàng. Đầu năm sau các tổ chức tín dụng sẽ có định hướng phát triển theo các quy định này. Đối với biện pháp kinh tế thì tăng trưởng tín dụng năm nay rất khó khăn nên giải pháp là đẩy nhanh tốc độ chi tiêu công sẽ giúp giải phóng lượng hàng tồn kho rất lớn, tạo cú hích cho nền kinh tế. Cùng với nó là giám sát hệ thống tín dụng, yêu cầu trích lập đủ tỉ lệ phòng rủi ro. Khuyến khích các tổ chức tín dụng lành mạnh mua lại nợ của các tổ chức khác.

Theo thống đốc, quý 4-2011 tình hình thanh khoản căng thẳng, nguy cơ đổ vỡ là hiện hữu, Ngân hàng Nhà nước liệt kê có 12 tổ chức tín dụng có nguy cơ mất thanh khoản, có nguy cơ đổ vỡ, đặc biệt là sáu tổ chức tín dụng hoàn toàn mất tính thanh khoản. Theo quy định của pháp luật thì Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn để họ không đổ vỡ. Đến nay, ba trong số sáu ngân hàng thương mại đã hoàn vốn tái cấp của Ngân hàng Nhà nước. Vốn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước chỉ được dùng để trả cho dân cư, không trả cho doanh nghiệp.

“Có màu sắc thâu tóm”

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển hỏi: Dư luận cho rằng việc sáp nhập một số ngân hàng cũng là thất vọng thôi, chỉ cộng một số ngân hàng yếu rồi thâu tóm thôi. Xin thống đốc cho biết thực chất thế nào? Việc bơm tiền để giúp các ngân hàng yếu kém cải thiện tính thanh khoản có phải là cách tái cơ cấu hay không?

Trả lời câu hỏi này, thống đốc Bình nói: "Vừa qua chúng tôi có chương trình tái cơ cấu chín ngân hàng, trong đó có việc sáp nhập ba ngân hàng ở phía Nam và tái cấu trúc sáu ngân hàng. Trừ việc sáp nhập ba ngân hàng, các ngân hàng còn lại đều tái cấu trúc trên cơ sở hiệu quả.

Đối với việc sáp nhập ba ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn, Đệ Nhất và Sài Gòn Tín Nghĩa: trong quá trình thanh tra phát hiện có sở hữu chéo, vay mượn chéo rất phức tạp. Nếu để một ngân hàng tái cấu trúc thì không ổn, phải xử lý cả ba. “Do vậy trên thị trường có ý kiến rằng ba ngân hàng yếu cộng lại là xong. Xin thưa rằng đây mới là bước một của tái cơ cấu. Từ chỗ mất tính thanh khoản thì nay đã đảm bảo tính thanh khoản, họ đã trả nợ một phần vốn tái cấp cho Ngân hàng Nhà nước” - ông Bình nói.

Đối với vấn đề thâu tóm giữa các ngân hàng, ông Bình giải thích nếu diễn ra trên thị trường chứng khoán thì hoàn toàn theo pháp luật về chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước chỉ biết khi họ chốt sổ. Nếu phát hiện vi phạm tỉ lệ sở hữu thì Ủy ban Chứng khoán và Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp xử lý, buộc họ thực hiện đúng tỉ lệ sở hữu.

Thống đốc thừa nhận “một số ngân hàng tái cấu trúc vừa qua có màu sắc gì đó của thâu tóm”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp