Đội hình tàu sân bay USS Carl Vinson - Ảnh: Hải quân Mỹ
Từ ngày 5 đến 9-3, một đội tàu Mỹ gồm tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer sẽ ghé thăm TP Đà Nẵng. Đây là một chuyến thăm mang tầm lịch sử vì lần đầu tiên kể từ năm 1975, một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam.
Là một siêu hàng không mẫu hạm của hải quân Mỹ, USS Carl Vinson đang thể hiện vai trò đặc biệt ở Biển Đông
Không chỉ là... sức mạnh
Chuyến thăm của USS Carl Vinson, theo đánh giá của giới quan sát quốc tế, thể hiện sự cam kết của Mỹ với Việt Nam và an ninh khu vực. Mức độ cam kết này có thể phần nào được nhìn thấy qua chính tầm vóc của soái hạm trị giá 3,8 tỉ USD.
Ngay lập tức, sự hiện diện của USS Carl Vinson cùng đội tàu tại Việt Nam được một số tờ báo lá cải ở Anh đưa tin như thể... sắp có chiến tranh tới nơi, điển hình là dòng tít có cụm từ "Chiến tranh thế giới thứ ba" trên Daily Star. Hãng Sputnik (Nga) hôm 27-2 "bóc mẽ" bài viết giật gân của tờ báo Anh, cho rằng sự thật "không hấp dẫn như những gì tờ này đề cập".
Cuộc tranh cãi này nói lên sức hút đáng kể mà USS Carl Vinson mang lại. Dù không phải con tàu lớn nhất, Vinson vẫn là niềm tự hào của hải quân Mỹ, và đó không chỉ là một sản phẩm chỉ để phô trương sức mạnh.
Vào biên chế năm 1982, USS Carl Vinson được mô tả là một thành phố nổi trên biển với đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cuộc sống như phòng khám nha khoa, phòng tập thể hình, quán cà phê Starbucks, bảo vệ, karaoke, và cả một nhà nguyện cho tín đồ Cơ Đốc, Tin Lành, Phật giáo...
Vào năm 2011, đội bóng rổ Michigan State Spartans có trận đấu đặc biệt với North Carolina Tar Heels trên tàu Vinson, và đây trở thành sự kiện thường niên trong ngày Lễ cựu chiến binh.
Và cũng vì các tính năng hậu cần, Carl Vinson là người hùng trong thảm họa động đất Haiti năm 2010. Vào ngày 12-1 năm ấy, Vinson nhận lệnh đổi hướng về Bắc Đại Tây Dương thực hiện hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Bên cạnh chất lượng y tế tuyệt hảo trên thuyền, khả năng khử muối thượng thừa của Vinson đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cung cấp nước cho người dân Haiti trong suốt thời gian khắc phục thảm họa động đất.
USS Carl Vinson mang theo ít nhất 90 máy bay các loại và có nhà máy sửa chữa máy bay riêng ngay dưới boong tàu - Ảnh: Reuters
Thông điệp khó lường
Thành tích của Vinson về khả năng vận hành và độ an toàn có lẽ là lý do tàu được chọn để chứng minh sự hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong một tuyên bố trước khi Vinson khởi hành đến Philippines cho chuyến đi nhằm thúc đẩy tự do hàng hải, hải quân Mỹ nói rằng đây là một phần trong toàn bộ kế hoạch diễn tập phản ứng với thiên tai lớn nhất của họ.
Nhưng rõ ràng, thông điệp về tự do hàng hải của Mỹ đặt trên tàu USS Carl Vinson đã không né được ánh mắt hoài nghi của Trung Quốc. Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) ngày 25-2 dẫn lời một nhà phân tích khẳng định Mỹ đang "khiêu khích", và để đáp lại điều đó Trung Quốc cần phải xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng quân sự.
Đó có lẽ là một phản ứng dễ hiểu, nếu biết rằng USS Carl Vinson đang thể hiện vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở khu vực châu Á.
Cũng trong một hoạt động của Carl Vinson và đội tàu này hồi tháng 4 năm ngoái, ông Trump từng tuyên bố đã gửi một "hạm đội" tới châu Á để dằn mặt Triều Tiên. Thật trớ trêu, đó cũng là lúc Vinson sa vào một vụ lùm xùm về việc nó... "mất tích" một cách bí ẩn.
Ngày 9-4-2017, khi căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên leo thang liên quan tới các đợt thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng, chính quyền Mỹ thông báo sẽ điều tàu USS Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên.
Nhưng khi Triều Tiên còn kịch liệt phản đối động thái này thì sự thật là Vinson đã không tới điểm đến như đã nói, mà tiến về phía nam tham gia đợt tập trận chung với hải quân Úc ở Ấn Độ Dương cách đó 3.500 dặm!
Vụ việc bị xới lên với hai giả thuyết: hoặc chính quyền Mỹ cố ý lẫn lộn trong thông điệp của mình để đe dọa, hai là Nhà Trắng và Lầu Năm Góc thực tế đã không giao tiếp thực sự tốt với nhau.
Đã không có câu trả lời nào xác đáng cho việc Vinson "mất tích" như vậy, và điều đó khiến nhiều cơ quan truyền thông Mỹ - vốn không ưa ông Trump, xoáy đậm vào cái gọi là "mất niềm tin" vào những gì chính quyền Mỹ đã nói.
Nhưng trong một bài viết ngày 18-4, báo Atlantic có góc phân tích khác. Tờ này cho rằng có khi ông Trump đang thử nghiệm một khái niệm mà cựu tổng thống Richard Nixon gọi là "học thuyết về gã mất trí", đề cập tới phương pháp tỏ ra cho kẻ thù thấy tổng thống Mỹ có thể là một gã điên và có thể làm bất cứ điều gì.
Và khi nhắc tới Chiến lược an ninh quốc gia mà ông Trump đưa ra tháng 12 năm ngoái, có thể thấy USS Carl Vinson, từ Triều Tiên cho tới Biển Đông, đang đại diện cho việc duy trì sức mạnh quân sự và ảnh hưởng quốc tế mà Washington đang hướng tới.
USS Carl Vinson (CVN-70) trong lần tập trận chung với Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản - Ảnh: Reuters
Ngôi sao mạng xã hội
Tàu USS Carl Vinson là tàu sân bay hạt nhân được đặt theo tên của Carl Vinson, một nghị sĩ có công đóng góp cho hải quân Mỹ. Đây là chiếc thứ ba trong số 10 chiếc tàu thuộc lớp Nimitz của Mỹ.
Carl Vinson có độ choán nước 103.000 tấn, dài 333m và rộng 77m. Carl Vinson có thủy thủ đoàn thường trực là 3.000 người và 2.000 người hỗ trợ đội bay, có thể chở tối đa 90 máy bay các loại, bao gồm tiêm kích F/A-18 Super Hornet và Hornet, tiêm kích tác chiến điện tử EA 18G Growler, trực thăng Nighthawk và máy bay cảnh báo sớm.
Những tàu sân bay lừng lẫy của Mỹ có một trang... Facebook riêng, được chăm chút cẩn thận. USS Carl Vinson có hơn 300.000 lượt người like và theo dõi.
Trên trang này, nội dung được cập nhật khá đa dạng, từ những mẩu chuyện của thành viên trên tàu, các thông tin - hình ảnh về hoạt động của tàu, cho đến các bài học, bí quyết được chia sẻ trên boong. Nhờ vậy, Vinson trở nên gần gũi, được yêu mến và trở thành nguồn cảm hứng cho người quan tâm đến tàu.
__________
Kỳ tới: Hai chuyến thăm lịch sử
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận