Các đại biểu miền Nam của SSEAYP 2017 trong trang phục truyền thống các quốc gia ASEAN - Ảnh: PHÚ TRẦN |
Các bạn trẻ cũng mạnh dạn nêu lên những trăn trở lẫn tham vọng trước sự kiện trọng đại này.
Biển lớn không thể đi một mình
Ngồi trước tượng đài Bác Hồ trong màu áo cờ đỏ sao vàng sáng 2-8, bạn Nguyễn Thị Thùy Vân (23 tuổi, cựu SV ĐH Ngoại thương TP.HCM) không giấu được niềm tự hào ánh lên trong đôi mắt.
“SSEAYP với tôi là một hải trình vô cùng ý nghĩa, thậm chí việc đậu SSEAYP là niềm tự hào lớn nhất từ trước đến giờ. Chúng tôi sẽ có cơ hội trải nghiệm thực tế các nền văn hóa trong khu vực, có cái nhìn sâu sát hơn về sự phát triển của các quốc gia ASEAN nói chung, giới trẻ đất nước họ nói riêng” - cô gái chưa từng có cơ hội đặt chân ra nước ngoài nói.
Còn với bạn Mai Trọng Hiển (24 tuổi, chuyên viên một tổ chức nước ngoài) thì việc tham gia SSEAYP 2017 là một trải nghiệm đáng quý dù trước giờ bạn đã tham gia khá nhiều hoạt động giao lưu ở nước ngoài.
“Việc đi nhiều, trò chuyện nhiều giúp góc nhìn của người trẻ chính xác và khách quan hơn. Cá nhân tôi thấy nhiều bạn bè từ các quốc gia đã phát triển như Mỹ, Pháp... đánh giá rất cao tiềm năng ở nhiều mặt của Việt Nam. Hiện tại các “ông lớn” trên thế giới đều quan tâm đến “ngôi sao đang lên” ASEAN, chúng ta hoàn toàn có thể mơ đến việc hình thành một khối hùng mạnh như Liên minh châu Âu. Các quốc gia ASEAN nhất thiết phải bắt tay nhau thật chặt chẽ vì sự gắn kết mới tạo ra sự hùng mạnh. Ra biển lớn không thể đi một mình” - Trọng Hiển chia sẻ.
Đây cũng là nhận xét của nhiều đại biểu khác.
Cơ hội “dịch chuyển” lao động
Nói về việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành và lao động nhiều ngành nghề sẽ được tự do di chuyển qua lại trong thị trường 600 triệu dân thay vì chỉ 90 triệu dân như trước đây, các bạn đều bày tỏ sự tự tin trước áp lực cạnh tranh trên.
Bạn Vũ Ngọc Bích (23 tuổi, công tác tại một công ty nước ngoài) cho rằng tuy khả năng tiếng Anh của phần lớn giới trẻ Việt chưa thể bì kịp với Singapore, Philippines... nhưng trình độ về khoa học kỹ thuật không hề thua kém họ, vốn tiếng Anh cũng đang cải thiện đáng kể.
“Tôi tin rằng khi các bạn trẻ trong nước chủ động tìm kiếm cơ hội và ham học hỏi thì sẽ vươn lên nhanh. Cá nhân tôi từng tham dự một chương trình học về môi trường tại Mỹ, giai đoạn đầu có hơi “đuối” so với bạn bè quốc tế nhưng sau đó đã bắt kịp và hoàn thành tốt” - Ngọc Bích chia sẻ.
Ngọc Bích cho biết bạn sẽ tìm cơ hội để được làm việc tại Thái Lan (do công ty của bạn có văn phòng ở nhiều quốc gia) và sẽ đem những kiến thức học được về nước để áp dụng.
Bạn Trọng Hiển cho rằng sự hình thành của AEC sẽ tạo động lực để các bạn trẻ hoàn thiện bản thân.
“Cá nhân tôi tin tưởng rằng sẽ học hỏi được nhiều điều từ cách quản lý, điều hành từ người Nhật khi tham gia SSEAYP, và từ đó tăng khả năng cạnh tranh của bản thân” - Trọng Hiển nói. Bạn không giấu tham vọng sẽ “thử lửa” bản thân tại đất nước Myanmar khi có cơ hội.
Tự nhận bản thân có nhiều điểm mạnh nhưng cũng không ít điểm yếu nhưng bạn Trần Quang Phú (22 tuổi, sinh viên năm 4 ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) khẳng định bạn sẽ không ngại “dịch chuyển” để tìm kiếm cơ hội ở các quốc gia khác như Philippines, Singapore...
“Dĩ nhiên để làm tốt được điều này thì chúng tôi phải nỗ lực trau dồi kiến thức nhiều hơn nữa. Nhưng tôi tin giới trẻ chúng tôi có thể làm được” - Quang Phú mạnh dạn nói.
29 “đại sứ trẻ” Việt tham gia SSEAYP 2017 Chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP) là hoạt động thường niên nhằm tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên các nước trong khu vực, do Chính phủ Nhật Bản phối hợp chính phủ 10 nước thành viên ASEAN tổ chức. Từ hàng trăm đại biểu tham gia vòng loại, vượt qua nhiều vòng thi đầy thử thách, đã có 29 đại biểu trẻ được Trung ương Đoàn chọn làm đại diện Việt Nam tham gia chương trình năm nay. SSEAYP 2017 dự kiến diễn ra từ ngày 24-10 đến 12-12 và đi qua các nước Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. |
Sống có trách nhiệm hơn Khát khao được trở thành đại biểu của SSEAYP từ năm đầu ĐH nhưng mãi đến năm nay mới thành hiện thực, bạn Trần Quang Phú chia sẻ: “Thật sự lúc đầu tôi nghĩ SSEAYP chỉ là một chuyến đi chơi dài ngày. Sau đó tìm hiểu thì mới biết đó là cơ hội hiếm có để vừa tìm hiểu kỹ về các quốc gia ASEAN, từ đó biết bản thân đang ở vị trí nào trong khu vực, vừa rèn luyện thành viên phải biết cống hiến, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận