28/08/2021 20:14 GMT+7

Thông điệp gì của Mỹ từ việc tiêu diệt chớp nhoáng lãnh đạo IS-K?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố Mỹ sẽ phát triển khả năng tấn công "ngoài đường chân trời" để đối phó với các mối đe dọa tại Afghanistan. Quân đội Mỹ vừa chứng minh cho điều đó bằng cuộc không kích tiêu diệt khủng bố IS-K.

Thông điệp gì của Mỹ từ việc tiêu diệt chớp nhoáng lãnh đạo IS-K? - Ảnh 1.

Cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan đã khiến mức độ tín nhiệm chính trị của ông Biden sụt giảm và hứng chịu các chỉ trích - Ảnh: REUTERS

"Những dấu hiệu ban đầu cho thấy chúng tôi đã tiêu diệt được mục tiêu và không ghi nhận thiệt hại nào cho dân thường", phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh trung tâm của quân đội Mỹ xác nhận ngày 28-8.

Cũng theo vị này, đây là một cuộc không kích "ngoài đường chân trời" (over-the-horizon) do máy bay không người lái thực hiện.

Cuộc tấn công diễn ra đêm 27-8 (giờ Afghanistan), nhắm vào một lãnh đạo của khủng bố Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) và tay chân của y.

Vụ đánh bom liều chết được cho là do tên này lên kế hoạch đã giết chết ít nhất 170 người tại sân bay Kabul ngày 26-8, trong đó có 13 lính Mỹ.

Về mặt tâm lý, vụ không kích mang tính trả thù này được cho là nhằm xoa dịu dư luận Mỹ, những người đang bất bình trước kế hoạch rút quân của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong bài phát biểu sau vụ tấn công của IS-K, Tổng thống Biden tuyên bố nước Mỹ sẽ không tha thứ, chính quyền của ông sẽ truy lùng và bắt những kẻ đã lên kế hoạch tấn công phải trả giá. Ông cũng xác nhận Mỹ đã lên kế hoạch hủy diệt các tài sản, căn cứ và thủ lĩnh của IS-K vào thời gian, địa điểm do chính Mỹ chọn.

Đó là một lời cảnh cáo mạnh mẽ, khiến nhiều người nhớ đến âm hưởng bài phát biểu của Tổng thống George W. Bush sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001.

Bằng vụ không kích ngày 27-8, Tổng thống Biden muốn chứng minh ông nói được làm được và sẽ không ngần ngại trả đũa bằng quân sự nếu quyền lợi, mạng sống của người Mỹ bị khủng bố đe dọa.

Đây cũng là một thông điệp mà Washington ngầm gởi đến Taliban, trong bối cảnh Mỹ và các nước vẫn còn nghi ngờ về các mối quan hệ giữa lực lượng này với các nhóm cực đoan khác.

Thông điệp gì của Mỹ từ việc tiêu diệt chớp nhoáng lãnh đạo IS-K? - Ảnh 2.

Máy bay không người lái MQ-9 của quân đội Mỹ - Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Ở khía cạnh quân sự và tình báo, cuộc không kích cho thấy quyết tâm và năng lực của Mỹ trong truy tìm - đáp trả các lực lượng khủng bố gây hại cho Mỹ.

Đây không phải là lần đầu tiên cụm từ over-the-horizon được quân đội và các nhà lãnh đạo Mỹ sử dụng. Hôm 8-7, trong bài phát biểu bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ không cần duy trì quân đội lớn trên mặt đất để chống khủng bố.

"Các tướng lĩnh quân đội và chỉ huy tình báo của nước Mỹ tự tin rằng họ có khả năng bảo vệ quê hương và lợi ích của Mỹ khỏi bất kỳ thách thức khủng bố đang trỗi dậy hoặc sẽ khởi phát từ Afghanistan.

Chúng tôi đang phát triển khả năng chống khủng bố 'ngoài đường chân trời', thứ sẽ cho phép chúng ta để mắt đến mọi mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ trong khu vực và hành động nhanh chóng, quyết đoán nếu cần thiết", Tổng thống Biden nêu quan điểm.

Mỹ có các căn cứ lớn tại Trung Đông và sở hữu các phi công điều khiển máy bay không người lái dày dạn kinh nghiệm.

Theo quan điểm của Tổng thống Biden, việc duy trì và sử dụng máy bay không người lái là một giải pháp hiệu quả, ít tốn kém và an toàn hơn việc đưa quân tới Afghanistan. Cuộc không kích báo thù IS-K đang giúp củng cố quan điểm này.

Tuy nhiên, theo giới quan sát quân sự Mỹ, vẫn còn những lỗ trống nhất định trong cái gọi là chiến lược chống khủng bố "ngoài đường chân trời".

Trong bài viết trên trang web của Hội đồng Đại Tây Dương, ông William F. Wechsler, một cựu quan chức phụ trách vấn đề Afghanistan trong chính quyền Barack Obama, chỉ ra điểm yếu nằm ở mạng lưới tình báo.

Thiếu các thông tin chỉ điểm từ mặt đất, máy bay không người lái sẽ không thể cất cánh để tấn công và thậm chí, trong trường hợp tệ nhất là tấn công nhầm vào dân thường.

Các thông tin từ truyền thông Mỹ cho thấy ngay sau vụ tấn công của IS-K, Mỹ và Taliban đã phối hợp chia sẻ thông tin để truy lùng những kẻ đứng sau. Sự hợp tác này dựa trên thỏa thuận mong manh trước đó giữa hai bên về việc đảm bảo an ninh cho chiến dịch sơ tán người nước ngoài khỏi Afghanistan.

Theo báo New York Times, giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã bí mật đến Kabul để gặp các lãnh đạo cấp cao nhất của Taliban vào đầu tuần này. Thông tin này và sự hợp tác giữa Mỹ - Taliban trong vụ IS-K khiến những người lạc quan tin rằng sẽ có một quan hệ kiểu mới giữa hai bên.

Taliban đã tuyên bố Afghanistan sẽ không trở thành nơi xuất phát của các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào nước khác.

Thời gian sẽ sớm trả lời liệu các lời hứa của Taliban có được thực hiện hay không và sự hợp tác giữa Mỹ - Taliban liệu có còn kéo dài khi giờ đây cả hai đều có chung một kẻ thù là IS-K.

Taliban tổ chức chính quyền Taliban tổ chức chính quyền 'đa đại diện', gồm tất cả sắc tộc tại Afghanistan Mỹ chia sẻ tin tình báo với Taliban để chống khủng bố Mỹ chia sẻ tin tình báo với Taliban để chống khủng bố Afghanistan, ngã tư Châu Á rền tiếng súng - Kỳ 6: Bộ mặt mới của Taliban Afghanistan, ngã tư Châu Á rền tiếng súng - Kỳ 6: Bộ mặt mới của Taliban
DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Taliban
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp