20/10/2023 10:35 GMT+7

Thông điệp 'đúng người, đúng tội' của Mỹ với Israel

Trong chuyến đi bất ngờ đến Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mang theo một khoản đầu tư chính trị khổng lồ khi cam kết ủng hộ Tel Aviv.

Bé gái Palestine di chuyển ở khu vực đậu xe gần Bệnh viện Al-Ahli Arabi bị tấn công hôm 17-10 - Ảnh: Getty

Bé gái Palestine di chuyển ở khu vực đậu xe gần Bệnh viện Al-Ahli Arabi bị tấn công hôm 17-10 - Ảnh: Getty

"Tôi đến Israel với một thông điệp duy nhất: Bạn [Israel] không đơn độc" - ông chủ Nhà Trắng khẳng định.

Chuyến thăm thành công

Chính quyền Biden cũng cho biết sẽ gửi gói viện trợ 100 triệu USD để hỗ trợ dân thường ở Gaza và Bờ Tây. Theo thông tin từ phía Nhà Trắng, khoảng 20 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo sẽ vào Gaza từ bán đảo Sinai của Ai Cập trong những ngày tới. Với Washington, đây là thành quả ngoại giao nổi bật nhất từ hội đàm giữa Tổng thống Biden với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi.

Tổng thống Biden đã khá thành công với chuyến đi đầy thử thách, đặc biệt là qua việc thể hiện sự đồng cảm và sát cánh đối với Israel. Cụ thể, ông Biden đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với Israel sau những tổn thương và mất mát mà quốc gia này gánh chịu từ các cuộc tấn công của Hamas.

Trong bối cảnh đầy bất an, việc khẳng định sự gắn bó trong quan hệ giữa Mỹ và Israel có lẽ là "liều thuốc" cần kíp nhất mà ông Biden mang đến cho đồng minh quan trọng nhất của mình tại Trung Đông.

Kể từ khi Hamas tấn công Israel, Washington nhiều lần khẳng định cam kết ủng hộ Israel. Trong các bài phát biểu sau vụ tấn công, Tổng thống Biden đặc biệt tập trung vào "quyền tự vệ" của Israel trước Hamas, vốn bị coi là nhóm "khủng bố" bởi Israel, Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Trước khi lên đường đến Israel, tổng thống Mỹ tuyên bố: "Nhà nước Israel được sinh ra để trở thành một nơi an toàn cho người dân Do Thái trên thế giới" và cam kết nước Mỹ "sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo điều đó".

Ông Biden cũng khéo léo đan cài thông điệp "đúng người, đúng tội" khi kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel đừng để cơn thịnh nộ về vụ giết hại "cha, ông bà, con trai, con gái, trẻ em, thậm chí cả trẻ sơ sinh" làm mờ đi mục tiêu của Jerusalem trong nỗ lực tiêu diệt lực lượng Hamas.

Mỹ tiếp tục ủng hộ Israel trên phương diện củng cố an ninh. Chính quyền Biden đã gửi vũ khí và tàu sân bay để hỗ trợ Israel và tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông. Trên thực tế, Mỹ lo ngại lực lượng Hồi giáo vũ trang Hezbollah, vốn được Iran hậu thuẫn, có thể mở mặt trận thứ hai tấn công Israel ở biên giới phía Bắc giữa Israel với Libăng.

Kịch bản Israel phải đối phó cùng lúc với nhóm Hamas và Hezbollah có thể làm suy yếu Israel và qua đó khiến các lực lượng quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria lún sâu vào vũng lầy địa chính trị khu vực.

Phớt lờ nhiều vấn đề

Tuy nhiên, Washington đã "phớt lờ" những vấn đề cấp bách, qua đó khiến các cam kết của Mỹ với an ninh khu vực trở nên "lỏng lẻo". Cụ thể, Tổng thống Biden đã "né tránh" việc quy trách nhiệm cho Israel trong các vụ bắn phá bừa bãi vào dân thường, bệnh viện và trường học. Phía Mỹ cũng tuyên bố Israel không phải là bên tấn công Bệnh viện Al-Ahli Arabi ở miền trung Dải Gaza.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng tránh đề cập đến thiệt hại nhân đạo to lớn do các cuộc tấn công mà Israel đang tiến hành nhằm vào Gaza, mặc dù Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền đang bày tỏ quan ngại sâu sắc. Thêm nữa, tổng thống Mỹ cũng im lặng trước việc Israel cắt đứt nguồn cung về nước, điện và Internet tại Gaza.

Mới đây, Mỹ phủ quyết một dự thảo của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng bắn giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas vì lý do nhân đạo. Lý do mà Mỹ đưa là dự thảo không đề cập đến "quyền tự vệ" của Israel.

Thành quả lớn nhất trong chuyến đi của Tổng thống Biden đến Israel có lẽ là thể hiện quyết tâm của Washington trong nỗ lực "sát cánh" với Israel vào những thời khắc khó khăn nhất. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề vẫn sẽ tiếp tục làm đau đầu giới hoạch định chính sách ở Nhà Trắng. Liệu Israel có thể kiềm chế sau hàng loạt các vụ thảm sát do Hamas tiến hành?

Áp lực trong nước có khiến Thủ tướng Netanyahu tiến hành trả thù, qua đó gây khủng hoảng nhân đạo trong khu vực? Liệu khả năng Mỹ can thiệp quân sự để bảo vệ Israel lớn đến mức nào? Những mối quan tâm này và hành động của các bên trong thời gian tới sẽ quyết định "chảo lửa Trung Đông" có gây ra các thảm họa nhân đạo và chính trị hay không.

Trung Đông vẫn là mối bận tâm trong chương trình nghị sự của chính quyền Biden và xung đột Israel - Hamas sẽ tiếp tục là liều thuốc thử cho các nỗ lực ngoại giao của Washington.

Là một tổng thống của siêu cường số 1 thế giới, ông Biden phải chấp nhận rủi ro và đặt cược vào các nỗ lực chính trị trong quá trình tìm lối ra cho các vấn đề an ninh phức tạp. Thế nhưng, các giải pháp cho an ninh khu vực vẫn còn khá mờ nhạt trong khi xung đột đang có xu hướng leo thang.

Tin tức thế giới 20-10: Israel bắn vào Bờ Tây, nguy cơ mặt trận mới; Mỹ cho Israel thuê lại Vòm SắtTin tức thế giới 20-10: Israel bắn vào Bờ Tây, nguy cơ mặt trận mới; Mỹ cho Israel thuê lại Vòm Sắt

Mỹ đưa hệ thống Vòm Sắt trở lại Israel; Quân đội Israel chờ sẵn ở biên giới Dải Gaza; Bờ Tây bị không kích; Căn cứ có lính Mỹ ở Iraq và Syria bị tập kích... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 20-10.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp