26/12/2013 14:18 GMT+7

Thông cảm nỗi đau người mẹ nhưng luật pháp phải nghiêm

Thế Toàn
Thế Toàn

TTO - Án tử hình dành cho Hồ Duy Trúc (20 tuổi) - người cầm đầu băng cướp, trực tiếp cầm dao chém lìa cổ tay chị Nguyễn Thị Ngọc T. để cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ (TP.HCM) được bạn đọc quan tâm.

Vụ tử hình Hồ Duy Trúc - chặt tay cướp xe SH:

Clip Tử hình kẻ chặt tay cướp xe SH

Hầu hết bạn đọc cho rằng bản án tử hình mang tính răn đe đối với những kẻ có hành vi coi thường tính mạng người khác. Bên cạnh đó, những phản ứng của mẹ và người thân của bị cáo tại tòa như la hét, thậm chí chửi bới, đe dọa, thóa mạ người bị hại, thư ký, thẩm phán... cũng là nội dung được bạn đọc quan tâm.

Với đấng sinh thành, còn gì đau hơn khi được biết con mình phải nhận án tử vì một tội ác gây chấn động cộng đồng.

Cũng từ bản án tử hình của Hồ Duy Trúc, một lần nữa, câu chuyện giáo dục đạo đức - nhân cách cho trẻ từ trong gia đình - được "hâm nóng". Một câu hỏi nhói lòng được đặt ra: nếu biết trước có ngày mẹ khóc than đứt ruột như thế, liệu những thanh niên kia có gây ra những tội ác chấn động lòng người như thế?

Các ý kiến bạn đọc cũng thể hiện sự âu lo khi có những tội phạm trẻ tuổi mà man rợ, vô cảm đến vậy.

Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.

RTV4xcFd.jpg
Mẹ của bị cáo Hồ Duy Trúc suy sụp sau khi nghe tòa tuyên án tử hình Trúc vào chiều 25-12 - Ảnh: Quang Định
C84i5O2G.jpg
Mẹ của bị cáo Hồ Duy Trúc (bìa trái) bám vào xe chở phạm nhân vào chiều 25-12 - Ảnh: Quang Định
WgU5uGwx.jpg
Bị cáo Hồ Duy Trúc (20 tuổi, bìa phải) bị tuyên án tử hình chiều 25-12 - Ảnh: Quang Định
Clip Tử hình kẻ chặt tay cướp xe SH - Nguồn: Truyền hình Tuổi Trẻ

Hãy bình tâm xem lại hành vi của con

Có thể nói bản án tử hình là khá bất ngờ, nhưng theo tôi đó là điều tất yếu. Người mẹ xót con là hiển nhiên nhưng có lẽ bà (và cả những ai cho rằng bản án tử hình là quá nặng) nên bình tâm xem lại hành vi của con mình. Chưa có người chết không phải là không có tính chất nghiêm trọng. Những gì mà băng cướp này thể hiện chỉ xuýt soát với hành động giết người trong gang tấc. Thậm chí chưa có cái chết chỉ là điều may mắn của các nạn nhân; là thời điểm, hoàn cảnh vô tình ngăn chặn đi đến hành động giết người.

Nếu biết có ngày mẹ khóc...

Nếu như trước khi ra tay mà băng cướp táo tợn này biết rằng sẽ có một ngày người mẹ của mình khóc than như vậy khi mình bị tòa tuyên án tử hình thì hay biết mấy!

Bản án tử cho Hồ Duy Trúc là đúng người đúng tội. Nhân quả làm sao thoát được. Nguyễn Hiền

Luật pháp được xây dựng trên nhiều yếu tố, nền tảng và tính chất khác nhau. Giết người đền mạng chỉ là một khái niệm chung chung. Cái chính là ở tính chất, hành vi phạm tội. Thế mới có khung hình phạt tử hình dành cho tội hiếp dâm trẻ em dù tội phạm này chưa hẳn đã giết người.

Tội ác mà Trúc gây ra không đáng lo bằng những gì mà Trúc thể hiện trong các vụ cướp, nhất là bản chất côn đồ, man rợ trong một con người.

Tôi cho đây là bản án đúng người, đúng tội và đúng với bản chất sự việc. Một bản án không chỉ để dành cho một người, một vụ án... mà còn cho sự thanh bình, an nguy của cuộc sống, xã hội này.

Thanh Vân

Nước mắt muộn và câu chuyện hướng thiện

Bị cáo Trúc đã nhận là đúng người, đúng tội. Nhưng trong sự việc này có một phần trách nhiệm từ gia đình mà người mẹ là vai trò chủ chốt. Sao không quản lý, quan tâm đến đời sống của con mình để lêu lổng không việc làm và sinh ra cướp với hành vi hung hãn coi mạng người như cỏ rác?

Giờ đây khóc thương cũng đã muộn màng. Qua vụ án này, các bậc cha mẹ nên xem lại cách giáo dục, tìm việc làm và hướng thiện con cái trong gia đình.

Lẽ ra phải xin lỗi nạn nhân

Người mẹ của Duy Trúc xót xa cho con mình bị tử hình. Còn những người thân của người bị hại từng bị chặt đứt lìa cổ tay thì sao?

Nếu người mẹ của kẻ phạm tội đến xin lỗi người bị con mình gây tột ác thì mới phải chứ?

Luật nhân quả

Đọc xong bản tin mà thấy thương cho người em còn trẻ tuổi đã mà phải chịu hình phạt cao nhất. Thương cho người mẹ khi biết con mình phải nhận án tử.

Luật nhân quả là vậy. Pháp luật đã xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

Người nhà bị cáo cần biết ân hận

Con em mình ăn cướp, chém người gây thương tích nặng mà người thân bị cáo còn xỉa xói nạn nhân tại tòa là sao?

Nếu người nhà tôi phạm tội thì tôi sẽ ân hận vì không giáo dục khuyên răn họ, đồng thời tôi sẽ xin lỗi nạn nhân. Ý thức công dân ở đâu? Nếu để những suy nghĩ ý thức này tồn tại trong gia đình và cộng đồng thì những tệ nạn hủy hoại người khác sẽ còn tràn lan.

Bản án thích đáng

Tôi rất đồng tình với bản án này, để từ đó răn đe những kẻ coi thường pháp luật, mất nhân tính, coi mạng sống của con người thua cỏ rác.

Người ta giết con gà đôi lúc còn đắn đo suy nghĩ. Làm con người mà sao bị cáo có thể có những hành động côn đồ không còn tính người như thế? Hình phạt cho bị cáo là xứng đáng.

Hãy can đảm chấp nhận mức án

Biết là mất đứa con, người mẹ muôn vàn đau khổ. Nhưng sự ra đi của đứa con hung dữ đã gây ra quá nhiều tội ác cho người khác thì âu cũng là luật nhân quả mà thôi. Bà mẹ nên can đảm chấp nhận sự phán quyết của pháp luật đi.

Pháp luật phải có tính răn đe

Bị cáo đã gây ra tội ác nghiêm trọng. Nếu chỉ xử chung thân thì có rất nhiều người bất bình. Pháp luật có tính giáo dục nhưng đồng thời phải có tính răn đe, để đảm bảo cuộc sống yên bình của người lao động chân chính.

Nỗi ám ảnh khi bị cướp

Bản án là lời răn đe cho những kẻ cướp của, lười biếng. Bản thân tôi cũng đã từng bị ép xe giựt dây chuyền, chỉ trong vòng 1 phút thôi, tên cướp ngồi sau đã bứt đứt sợi dây chuyền hơn 8 chỉ vàng của tôi. May là tôi đỡ được và ngoặt xe xuống dòng sông cạnh đường, nếu không là té ra đường thì đã bị xe tải cán rồi.

Đó là những kinh hoàng đường phố mà những tên cướp gây ra.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Thế Toàn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp