30/04/2015 09:41 GMT+7

​Thời trang quốc tế của chất liệu bình dân

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Sàn diễn thời trang Hội tụ bản sắc châu Á tại Festival chuyên đề Huế tối 29-4 được giới chuyên môn xem là một “cuộc đấu” quốc tế về thời trang khởi đi từ chất liệu tự nhiên thân thiện với môi trường.

Trang phục bằng ân - chá của nhà thiết kế Hùng Việt (Hà Nội) - Ảnh: Thái Lộc

Hơn 200 bộ trang phục của 16 nhà thiết kế đến từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines và VN được làm bằng các loại sợi thiên nhiên như sợi chuối, sợi dứa, bông, lanh, tơ sen, tơ tằm hay ân- chá (một loại lá cây họ dừa trong rừng sâu Trường Sơn)...

Hội tụ bản sắc châu Á là cuộc hội ngộ thời trang rất đặc biệt, không chỉ phô diễn trang phục đặc trưng bằng chất liệu nguồn gốc tự nhiên và kỹ thuật truyền thống mà còn mang tính ứng dụng cao, có thể “đi ra đường” và len lỏi vào cuộc sống được... 
Nhà thiết kế MINH HẠNH

Từ “hàng độc” thuần Á

Lần này, nhà tạo mẫu của các nước ASEAN đưa đến những bộ trang phục rất độc đáo, thuần Á cả ở chất liệu lẫn phong cách thời trang. Trong đó, bộ sưu tập The Right Amount of Wrong của nhà thiết kế Wisharawish Akarasantisook (Thái Lan) được nhiều người tán thưởng bởi tính độc đáo của nó.

Nhà thiết kế này sử dụng chất liệu chính là lụa truyền thống ikat của vùng đông bắc Thái kết hợp với loại vải voan đính sequin nhiều tầng tạo nên loại trang phục bản sắc Thái không lẫn vào đâu được...

Với sưu tập Con đường tự do (A journey of freedom), nhà thiết kế lừng danh người Malaysia Eric Choong đã pha trộn tài tình các họa tiết, đường nét của văn hóa Malaysia lên chất liệu batik đậm chất Nam Á. Batik là kỹ thuật phủ sáp lên bề mặt vải rồi đem nhuộm, sau đó làm sạch sáp.

Hiệu ứng rất đặc biệt này của batik làm cho bộ sưu tập của Eric Choong trở nên cuốn hút. “Tôi cố gắng nâng tầm chất liệu vải cotton mà người bình dân Mã Lai và các nước đa đảo lân cận thường dùng thông qua trang phục của mình nhằm quảng bá những giá trị thuần châu Á ra với thế giới!” - Eric cho biết.

Độc đáo không kém là bộ sưu tập đỏ của nhà thiết kế lừng danh Patis Pamintuan Tesoro đến từ Philippines, sử dụng kỹ thuật thêu rua truyền thống trên nền vải filipiniana rất hiếm và đặc biệt.

Vải này dệt từ sợi dứa hoặc sợi chuối, hoàn toàn thủ công, mỗi người thợ làm nhanh nhất cũng chỉ được 90cm trong vòng sáu tháng. Cả đất nước Philippines cũng chỉ sản xuất được 10.000m vải này mỗi năm.

Gây chú ý đặc biệt có lẽ là bộ sưu tập Hoa sen của nhà thiết kế Mohom - Myanmar. Nhà thiết kế này hoàn toàn sử dụng lụa sen cho sưu tập của mình.

Nhưng sự chú ý không chỉ ở nền vải mà là “chất sen” đầy cảm hứng. Nó thể hiện từ trang trí cho đến kiểu dáng và màu sắc, những hình thái sen từ các trạng thái của hoa, lá, cánh và đài nhị cứ biến đổi trông rất thích mắt...

Đến phát hiện thú vị của thời trang VN

Trong số 11 nhà thiết kế của VN, nhiều người lấy zèng - thổ cẩm của người Tà Ôi ở miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) làm chất liệu chủ đạo để trình diễn. Tuy nhiên, theo nhà thiết kế Minh Hạnh, thật sự tham gia “cuộc đấu” quốc tế lần này là ba nhà thiết kế trẻ: Xuân Hảo của Huế, Hùng Việt của Hà Nội và Quang Nhật đến từ TP.HCM.

Họ cùng thiết kế trên chất liệu ân-chá, loại “chiếu” đan bằng lá cây rừng của người dân tộc thiểu số Tà Ôi, được xem là phát hiện mới nhất về chất liệu thiên nhiên của thời trang VN gần đây.

Mấy tháng trước, các nhà thiết kế VN cùng len lỏi những bản làng người Tà Ôi ở chân dãy Trường Sơn thuộc huyện A Lưới. Bất ngờ, họ cùng chú ý đến những tấm chiếu bằng lá rừng trải giữa nền nhà. Người Tà Ôi gọi tấm chiếu này là ân-chá, một sản phẩm đan lát làm bằng cây ân-chá, một loại cây họ dừa mọc trong rừng sâu.

Kỹ thuật đan carô chéo, cách phối màu xanh, tím và hồng khiến ân-chá vừa nền nã vừa tạo hiệu ứng thị giác theo kiểu 3D rất đặc biệt. Không ai bảo ai, họ đặt mua từng cuộn mang về xuôi... Nay, ấn tượng thật đặc biệt khi nhìn năm bộ trang phục rất “gồ ghề” của nhà thiết kế Hùng Việt.

Nền “vải” cứng được biến hóa tạo nên những hình khối, đường vặn, nếp gấp rất táo bạo. Điểm xuyết trên những mảng chìm là cỏ cây hoa lá được thêu nổi khiến trang phục trông thật lạ và quyến rũ.

Tương tự, nhà thiết kế Quang Nhật tạo cảm giác nhẹ nhàng hơn với bộ sưu tập Sự tĩnh lặng của trưa hè.

Từng mảng lớn của tấm ân-chá được anh dùng để tạo khối; những cọng cỏ nhuộm màu, mấy chiếc rể tre khô xoắn xít, mấy mẩu ân-chá nhỏ được xếp gấp thành bông hoa trang trí trên áo trông rất tươi trẻ, vui nhộn và cũng tạo cảm giác thô mộc, yên bình.

Trong khi đó Xuân Hảo chọn ân-chá cho những giải pháp thời trang ứng dụng. Để kiểm soát loại chiếu “cứng đầu”, Hảo đem về xưởng thử nghiệm chà xát, giặt ủi... Chất liệu này được Xuân Hảo dùng làm chiếc túi trang trí cho bộ veston biến bộ trang phục đĩnh đạc trở nên trẻ trung hơn.

Chiếc balô bằng ân-chá phối với vải jean trông rất bắt mắt. Cái túi ân-chá và da rất dễ thương. Chiếc mũ lưỡi trai làm bằng ân-chá trông rất trẻ trung, thoáng mát, giản tiện trong mùa hè... 

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp