Các bạn trẻ yêu thích thời trang tìm hiểu về xu thế "thời trang không lãng phí" qua bộ sưu tập của nhà thiết kế Elena - Ảnh: MINH TRANG |
1 Dù thời trang có lộng lẫy, xa hoa đến đâu thì “hậu kỳ” của toàn bộ ngành công nghiệp này đều phải được hoàn thành tại phòng cắt.
Zero-waste fashion và eco-sustainable fashion (thời trang thân thiện với môi trường) là hai chủ đề chính được bà Elena Ryeeva - chuyên gia về thời trang thế giới, hiện là nhà sáng lập EWST fashionlab - chia sẻ tại cuộc trò chuyện sáng 22-6 tại TP.HCM.
Nhiều năm nay, nhà thiết kế thời trang có kinh nghiệm làm việc hơn 25 năm trong ngành thời trang quốc tế này đã chọn theo đuổi một con đường thật khó: ứng dụng kỹ thuật cắt may không thừa vải vào các thiết kế của bà.
Hãy thử tưởng tượng một chiếc váy, một chiếc áo được cắt may hoàn hảo với lượng vải vừa đủ dùng, không dư dù chỉ một ngón tay lượng vải thừa.
“Điều này sẽ giúp tiết kiệm tối đa chi phí phụ liệu, việc sản xuất vải, việc dệt bông và là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên” - bà Elena nói.
Các kinh đô thời trang lớn hoặc những thị trường thời trang “khủng” như Hong Kong, Milan hằng năm tiêu tốn khoảng 200 triệu tấn vải thừa từ việc cắt may trang phục (theo số liệu của bà Elena cung cấp).
Một sự lãng phí có thể đong đếm bằng mắt và hoàn toàn không thể phân hủy tự nhiên trong một sớm một chiều. Bà Elena nói để theo đuổi xu hướng thời trang này, bà đã dành thời gian tìm hiểu về cách may mặc của người cổ đại từ thời Ai Cập trở đi.
Cộng đồng các nhà thiết kế theo đuổi zero-waste fashion cũng tương đối nhỏ. Họ chủ yếu tập trung ở Úc, Canada, Mỹ và một số khác ở châu Âu, mỗi người trong số họ đề ra một quy luật riêng trong thiết kế của mình để mang đến sự phong phú cho zero-waste fashion. Tuy vậy, cùng với những thương hiệu zero-waste fashion, họ đã tạo ra sự thay đổi nhanh chóng về mặt tư duy và truyền đi cảm hứng sáng tạo bền vững cho những thế hệ trẻ sau này” |
Bà Elena chia sẻ |
2 Có một dạo những trang tin trên mạng xôn xao quanh câu chuyện “bốp chát” của những người mẫu, người đẹp tiếng tăm về chiếc túi da cá sấu bạch tạng thuộc hàng tuyệt phẩm mà họ sở hữu.
Họ tự hào với việc phải thức đêm thức ngày, “có tiền cũng chưa chắc mua được” món xa xỉ phẩm được ra đời bằng việc lột da một con vật sống, hoặc nuôi cho lớn chỉ để lấy da.
Họ tìm mọi lời lẽ chứng minh mình mới là người sở hữu chiếc túi thật. Họ mỉa mai, miệt thị những người - theo họ là - thích khoe mẽ nhưng không đủ đẳng cấp để sở hữu chiếc túi da “có mùi hôi đặc trưng của hàng xịn”.
Tự dưng lại có một ước muốn bất chợt: ước gì những người đẹp còn đang mải tranh giành “đẳng cấp” kia có mặt trong buổi trò chuyện này để lắng nghe câu chuyện thực sự về thời trang, biết đâu họ sẽ tự biết lặng im vì mắc cỡ!
Để bạn trẻ yêu thời trang hiểu đúng F.A.C.E Fashion Workshop - đơn vị đồng hành tổ chức chương trình lần này - cho biết họ sớm nhận ra thời trang cũng giống như bất kỳ lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nào, đang có những bước phát triển và thay đổi. Những nhà thiết kế không chỉ là người làm ra áo quần, mà còn tạo nên lối sống cho một lớp người trẻ. Trong khuôn khổ những buổi workshop tiếp theo về thời trang, F.A.C.E sẽ lần lượt mang đến những chuyến đi thực tế, câu chuyện văn hóa, hành trình khám phá cách dệt vải lụa tơ tằm truyền thống tại làng lụa tơ tằm ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, hay tìm hiểu về vải lãnh Mỹ A - Tám Lăng danh tiếng… để những bạn trẻ yêu thời trang hiểu biết đúng đắn và có thêm kiến thức thực tế về lĩnh vực này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận