Ngày 6-4, hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 diễn ra tại Hà Nội.
Phóng to |
Mưa đá ở Mường Khương (Lào Cai) trong tháng 3-2013 - Ảnh: Kim Thủy |
Ông Bùi Minh Tăng, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, cho biết năm nay dự báo sẽ có 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông (năm 2012 chỉ có 10 cơn bão). Về mưa, khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ sẽ cao hơn mọi năm khiến lũ trên hệ thống sông các vùng này cũng sẽ cao hơn. Ngược lại, khu vực Tây nguyên lượng mưa sẽ ít hơn, sông hồ cạn hơn và sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Thiên tai sẽ bất thường, khốc liệt
Chia sẻ với thông tin trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát - trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư - nhấn mạnh: biến đổi khí hậu là có, nó sẽ trầm trọng hơn, tốc độ (thời gian) diễn ra nhanh hơn so với dự kiến. Vì thế năm 2013 thiên tai sẽ bất thường hơn, khốc liệt hơn các năm. Công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là khó khăn trong tìm kiếm cứu nạn vì liên quan đến những tranh chấp trên biển.
Trung tướng Trần Quang Khuê - phó tổng tham mưu trưởng Bộ tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng), phó chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn - đồng tình: tranh chấp chủ quyền trên biển sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn vì việc người dân, tàu thuyền tránh trú bão sẽ khó khăn hơn, việc trợ giúp cứu hộ của các lực lượng quốc tế và cả công tác điều hành cứu nạn của VN sẽ gặp khó khăn.
Trước những dự báo trên, hầu hết ý kiến của các địa phương kiến nghị T.Ư cần tăng cường tuyên truyền, thông tin dự báo cũng như hỗ trợ kinh phí, bố trí nguồn vốn và có cơ chế tài chính hợp lý hơn cho công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai.
Theo trung tướng Trần Quang Khuê, cần phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các địa phương gắn với công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Không thể để tình trạng hồ chứa, thủy điện gây khó khăn cho tưới tiêu, sinh hoạt của người dân. Đường sá giao thông, cầu cống không thể cản trở hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Để giảm thiểu thiệt hại về người, vật chất trên biển, đã đến lúc phải tổ chức quản lý chặt hoạt động này. Tàu thuyền ra khơi mà không đảm bảo điều kiện an toàn, thiếu phao cứu sinh, thuyền viên trên tàu chưa được tập huấn đi biển... thì kiên quyết không cho ra biển.
Nhiều địa phương vẫn chủ quan
Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành T.Ư cũng như đa số ý kiến của các địa phương đều cho rằng trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn nhiều địa phương vẫn chủ quan, thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” chưa tốt, thiếu sự phối hợp, chỉ đạo chưa kiên quyết. Về phía người dân, do thiếu thông tin nên vẫn còn chủ quan, đối diện với nguy cơ thiên tai mà vẫn dựa vào kinh nghiệm.
Các đại biểu cũng thừa nhận lực lượng, phương tiện, trang thiết bị còn hạn chế. Công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai chưa gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, địa phương, vùng.
Ông Nguyễn Xuân Diệu - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - cho biết sau năm năm thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đã đạt những kết quả tích cực. Từ chỗ bị động đối phó đã chuyển sang chủ động phòng ngừa nên dù thiên tai khốc liệt hơn nhưng thiệt hại đã giảm đáng kể. Từ năm 2008-2012, thiên tai đã làm 1.868 người chết, bị thương 2.972 người. Nếu so với năm năm trước thì số người chết giảm 162 người, người bị thương giảm 607 người
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương, bộ ngành liên quan cần khẩn trương, chủ động trong rà soát, củng cố lực lượng phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền và quản lý chặt chẽ tàu thuyền. Gấp rút triển khai ngay việc kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố về hệ thống đê điều, hồ đập. Các vi phạm về đê điều, hồ đập cần xử lý nghiêm, triệt để.
Cả Bộ trưởng Phát và trung tướng Trần Quang Khuê đều nhất trí quan điểm: phải xây dựng cơ quan phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn một cách chuyên nghiệp hơn, lực lượng cũng phải chuyên nghiệp hơn. Cần phải có những trang thiết bị hiện đại, phù hợp tình hình. Cụ thể phải có tàu lớn (có bãi đỗ trực thăng), công suất lớn, có thể hoạt động dài ngày trên biển xa. Lãnh đạo của hai cơ quan cũng đề nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính cần tính toán và có cơ chế vốn, tài chính hợp lý hơn cho công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
Đã chủ động nhưng thiệt hại vẫn lớn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết năm 2012, tình hình thời tiết, thiên tai có nhiều diễn biến bất thường, bão, lũ, triều cường đến sớm hơn, kết thúc muộn hơn, có nhiều trận bão lớn rất dị thường. Dù đã chủ động phòng chống, thiệt hại về người giảm nhiều nhưng thiệt hại về vật chất vẫn vô cùng lớn. Cụ thể, năm 2012 thiên tai đã làm 258 người chết, mất tích, 408 người bị thương, gần 6.300 nhà sập đổ, trôi, hơn 100.000 nhà dân bị hư hại, tốc mái. Gần 410.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại về vật chất 16.000 tỉ đồng. Ngoài bão lũ, triều cường ở Nam bộ cũng phức tạp hơn, diễn biến khó lường hơn (trên sông Sài Gòn tại Phú An, triều cường đã đạt mức 1,62m ngày 17-10-2012, mức cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc. Đây là năm thứ ba liên tiếp mực nước triều cao vượt mức lịch sử). Trong năm, VN cũng ghi nhận 11 trận động đất có cường độ từ 3,3-4,7 độ Richter, đặc biệt là khu vực Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam với bảy trận động đất. Tuy các trận động đất không gây thiệt hại về người nhưng cũng gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân hiện đang sinh sống tại khu vực này. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận