19/09/2023 09:01 GMT+7

Thói quen ăn uống nào nguy cơ dẫn đến sỏi mật?

Chế độ ăn nhiều thịt, chất béo, ăn mặn, uống ít nước, lười vận động... là nguy cơ dẫn tới sỏi mật gây đau đớn và ảnh hưởng cuộc sống người bệnh.

Sỏi mật thu được sau phẫu thuật - Ảnh: BS ĐẶNG QUỐC ÁI

Sỏi mật thu được sau phẫu thuật - Ảnh: BS ĐẶNG QUỐC ÁI

Sỏi hình thành do ăn uống và lối sống

Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện 103, cho biết sỏi mật mang đến cho người bệnh vô vàn rắc rối. Ngoài đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, vàng da, ngứa da..., sỏi mật có thể gây ra biến chứng viêm đường mật, viêm gan mật, xơ gan ứ mật, viêm ổ bụng (viêm phúc mạc mật) rất nguy hiểm.

Sỏi mật được hình thành khi bị nhiễm khuẩn đường mật; ứ trệ dịch mật; ký sinh trùng (giun đũa chui lên đường mật); rối loạn chuyển hóa lipid và đặc biệt là khi nồng độ cholesterol cao trong mật không cân bằng với sự tiết axit mật.

Sỏi cũng dễ hình thành nếu người bệnh ăn quá mặn, giữ thói quen ít uống nước, lười vận động... Vì vậy, những người bị bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh gan mãn tính, bệnh đường ruột, táo bón thường có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn.

Theo GS.TS Dương Trọng Hiếu - nguyên trưởng khoa tổng hợp, Bệnh viện Y học cổ truyền, ngoài chế độ ăn uống không hợp vệ sinh, nhiều cholesterol, thì thói quen ăn uống lạnh, sống trong môi trường lạnh, hay cáu giận... cũng là nguy cơ gây bệnh. 

Theo đông y, yếu tố hình thành sỏi mật là do có uất ở can (nén giận, uất ức...), tỳ chuyển hóa thức ăn không tốt khi gặp khí huyết lạnh ngưng kết thành sỏi. Vì vậy, để phòng tránh và điều trị sỏi phải ăn uống và sinh hoạt điều độ, sạch sẽ, tránh lo nghĩ, cần sống vui vẻ, tránh ăn thức ăn lạnh và khi thời tiết lạnh phải mặc đủ ấm...

Những món "khoái khẩu" thời hiện đại dễ gây sỏi mật

Theo bác sĩ Phúc, hiện chưa có chế độ ăn uống đặc biệt để điều trị bệnh sỏi mật. Tuy nhiên, một chế độ ăn cân bằng, lành mạnh với ít chất béo luôn bảo đảm sức khỏe nói chung và giảm các triệu chứng của bệnh sỏi mật nói riêng. Bên cạnh đó, giảm cân từ từ với những người thừa cân cũng có tác dụng đáng kể.

Đặc biệt, để phòng tránh sỏi mật, nên điều chỉnh các thói quen ăn uống thiếu khoa học gây bệnh sau:

- Ăn sống và món gỏi: Đây là nhóm thực phẩm dễ gây nhiễm ký sinh trùng giun sán nhất và giun sán là nguyên nhân dễ gây sỏi túi mật. Mầm bệnh của các loại giun sán truyền qua thức ăn xâm nhập vào người qua đường ăn uống một cách thụ động do vật chủ (người) ăn phải thức ăn (thịt, cá, tôm, cua, rau cạn và thực vật thủy sinh...) có ấu trùng sán còn sống. 

Một số mầm bệnh ký sinh trùng bám vào thức ăn để lây nhiễm cho người như giun đường ruột, đơn bào đường ruột, nấm.

Với những người bị nhiễm giun thì việc giun chui cuống mật là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi giun chết có thể sẽ là nơi bám dính mật, lâu dần hình thành sỏi mật. Đây cũng là nguyên nhân gây sỏi mật thường gặp ở nước ta.

Vì vậy, để tránh bệnh sỏi mật, đừng quên tẩy giun định kỳ 2 lần/năm. Hạn chế tối đa các món ăn sống, các món gỏi… Rửa sạch hoa quả và gọt vỏ trước khi ăn để tránh lây nhiễm ký sinh trùng vào trong cơ thể.

- Ăn ít rau: Người ăn ít rau là nhóm đối tượng thứ hai dễ bị mắc sỏi mật. Lý do là khi ăn ít rau thì nhu động ruột bị giảm, kèm theo đó là nhu động ruột đường mật bị giảm xuống. Mật hay bị ứ đọng và tạo thành sỏi bùn dễ gây tắc mật.

Để phòng tránh sỏi mật nên tích cực ăn rau quả. Rau quả không làm thay đổi thành phần dịch mật mà lại có tác dụng kích thích lưu thông mật, giúp giảm nguy cơ tạo sỏi và chống viêm đường mật. Với những người bị hẹp đường mật hay bị u đường mật, càng nên ăn nhiều rau củ quả, nên dùng 500g rau xanh/người/ngày.

- Ăn nhiều dầu mỡ: Thường xuyên ăn thức ăn nhiều dầu mỡ sẽ khiến cho thành phần mỡ máu bị thay đổi, qua đó làm thay đổi thành phần dịch mật, cụ thể là tăng triglycerid và cholesterol.

Khi nồng độ hai chất này trong dịch mật quá cao, chúng sẽ lắng đọng lại và tạo thành cặn bám của nhân sỏi, hình thành sỏi mật. Hơn nữa, mỡ ảnh hưởng đến chức năng gan, mật và dạ dày. Khi ăn nhiều mỡ, mật xuống ruột không đều, kích thích túi mật co bóp quá mạnh, một phần mật tham gia cùng cholesterol tạo sỏi.

Do đó, để tránh bệnh, hạn chế ăn mỡ động vật, không ăn quá nhiều thức ăn rán, quay, đặc biệt với người đã từng bị sỏi mật. Với nhân viên văn phòng và những người làm việc nhẹ nhàng thì mỗi ngày không nên ăn quá 50g dầu mỡ.

- Ăn chế độ bổ sung và thực phẩm tinh: Xu hướng ăn thực phẩm tinh và chế độ ăn nuôi bổ sung là ăn những thức ăn tinh, giàu dinh dưỡng như: cháo gà, nước thịt hầm, xương hầm, sữa, đồ hộp… nhưng lại ít thực phẩm thô như ngũ cốc toàn phần, rau củ quả cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Điều này khiến cho nhu động ruột không được kích thích đủ để tạo ra hiệu ứng vận động đủ mạnh, tạo điều kiện cho sỏi mật hình thành. Nên tăng cường thực phẩm dạng thô để cung cấp thêm chất xơ cho cơ thể nhằm kích hoạt vận động của đường mật. 

Ngoài ra, có một số thức ăn lợi mật như nghệ, lá chanh... có thể dùng được. Để kích thích túi mật co bóp nhẹ nhàng, có thể dùng một ít chất béo dễ tiêu như bơ, dầu thảo mộc sống, mỡ gà vịt…

Khi bị sỏi mật cần điều trị nhưng vấn đề lớn cần lưu ý là sau khi điều trị hết sỏi mật thì lại tái phát sỏi khác. Hiện tại chưa có cách để ngăn chặn tái thành lập sỏi. Sỏi mật được thành lập là do mất cân bằng về chuyển hóa trong gan.

Nghiên cứu thấy rằng khoảng 30 - 50% bệnh nhân sẽ có tái phát sỏi sau điều trị trong vòng 5 năm. Vì vậy, thực hiện chế độ dinh dưỡng để phòng tránh và ngăn ngừa tái phát rất quan trọng.

Bổ sung chất xơ thế nào để tránh bệnh đại tràng, sỏi mật...Bổ sung chất xơ thế nào để tránh bệnh đại tràng, sỏi mật...

Chế độ ăn nghèo chất xơ dễ bị táo bón, viêm ruột thừa, trĩ, ung thư đại tràng, sỏi mật và suy mạch vành... Ăn chất xơ không đúng cũng gây tắc ruột, tử vong. Vậy ăn như thế nào để phòng ngừa và chữa trị bệnh tật?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp