Từ trước đến nay, sự hài hước luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu với khán giả. Nhiều nhà làm phim dù không chọn đây làm yếu tố chủ đạo nhưng vẫn luôn cố gắng thêm thắt chất hài hước vào tác phẩm, như một gia vị khiến bộ phim mặn mà hơn.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, thị hiếu và nhận thức khán giả dần đổi khác, khiến thể loại phim này ngày càng gặp khó khăn.
Phim hài chọc cười hình thể, giới tính, giàu nghèo
Loạt phim truyền hình Friends lên sóng lần đầu ở Đài NBC (Mỹ) vào năm 1994 và kết thúc vào năm 2004, được xem là tượng đài của dòng phim hài sitcom (hài tình huống).
Nội dung phim kể về cuộc sống một nhóm bạn sáu người tại New York. Đến tận ngày nay, series vẫn có sức hút với đông đảo khán giả thế giới, là chương trình nổi tiếng nhất trên hệ thống Netflix dù được phát hành từ hơn 25 năm trước.
Tuy nhiên, hồi tháng 3, nhân dịp quảng bá phim mới, nữ diễn viên Jennifer Aniston chia sẻ với AP rằng cô cảm thấy có một thế hệ mới, đặc biệt là những bạn trẻ, xem lại các tập Friends và cảm thấy bị xúc phạm.
"Có những chi tiết là vô tình và một số đáng lẽ ra nên được cân nhắc kỹ hơn. Nhưng tôi nghĩ lý do là khán giả thời đó chưa nhạy cảm như hiện nay" - nữ diễn viên nói.
Jennifer Aniston cho biết thêm các nhà làm phim hài ngày càng gặp nhiều thử thách: "Bạn phải thật cẩn thận. Điều đó thật khó vì bản chất của hài kịch là châm biếm chính con người và cuộc sống.
Trong quá khứ, bạn có thể trêu đùa những người bảo thủ. Nó đơn giản là cho người ta biết họ kỳ cục đến mức nào. Bây giờ, ta không được phép làm như vậy nữa".
Bình luận về vấn đề do Aniston nêu ra, tờ Marca nhận định thế giới ngày nay quá chia rẽ và mọi người đều cần sự hài hước để giúp xoa dịu tâm trạng.
Aniston đã phản ánh cuộc tranh luận về những gì được coi là chấp nhận được trong hài kịch.
Trong khi một số người tin rằng các diễn viên hài có thể nói đùa về mọi thứ, thì nhóm khác cho rằng một số chủ đề nhất định nên bị cấm.
Ngoài ra, khán giả đang có nhận thức ngày càng tăng về nhu cầu đa dạng và hòa nhập trong hài kịch. Nghệ sĩ hài bây giờ phải rất cẩn thận lời ăn tiếng nói, dẫn đến khó hài hước.
Chia sẻ về phát biểu của Jennifer Aniston, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nói với Tuổi Trẻ: "Ngày xưa quan niệm về body shaming (miệt thị cơ thể) chưa rõ ràng như bây giờ. Những vấn đề tế nhị như ngoại hình, giới tính ngày càng trở nên cá nhân hơn. Dần dần, việc lấy những vấn đề đó làm yếu tố hài chọc cười khán giả không còn được đón nhận như trước".
Đồng quan điểm, nhà sản xuất Nguyễn Thị Xuân Trang cho rằng: "Trước kia việc body shaming trong phim hài không bị làm quá lên như bây giờ. Văn hóa Việt Nam ngày càng tôn trọng bản sắc cá nhân nên những sự khác biệt không còn là yếu tố gây cười cho khán giả. Nếu cứ làm hài như vậy mà không mang đến thông điệp, ý nghĩa nào thì tôi nghĩ đó là điều không nên".
Với sự phổ biến của các diễn viên hài trong vai trò MC các chương trình truyền hình, yếu tố hài cũng tràn ngập truyền hình, nhưng MC cũng có nhiều nguy cơ vạ miệng. Chẳng hạn, trong chương trình Ca sĩ mặt nạ năm 2022, MC Trấn Thành từng so sánh ca sĩ Đức Phúc với con hải ly.
Cụ thể, khi bàn về mẫu mascot cho từng cố vấn, nam MC nói: "Nhìn cái răng của Đức Phúc, tôi nghĩ Đức Phúc làm con hải ly là được". Anh còn diễn tả điệu bộ hàm răng sao cho giống con hải ly, gây cười cho khán giả.
Nhưng cư dân mạng lại phản ứng, cho đây là chọc cười về ngoại hình. Nhiều khán giả chỉ ra rằng hàm răng là đặc điểm nổi bật của Đức Phúc nhưng không nên tô đậm để gây cười.
Tiếng cười phải đồng cảm, hiểu biết
Theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, dòng phim hài ngày nay cũng dần thay đổi theo thị hiếu của khán giả.
Anh nói: "Tôi nghĩ làm hài phải dựa trên những điều tréo ngoe trong cuộc sống, khiến khán giả cảm thấy sau tiếng cười là sự đồng cảm. Với tôi, phim hài là thể loại khó nhất, vì dù tiếng cười dùng để giải trí nhưng nhà làm phim phải khiến khán giả cảm thấy tiếng cười đó duyên dáng, không vô nghĩa.
Trong cuộc sống căng thẳng, phức tạp như hiện nay, khán giả vẫn luôn cần những tiếng cười bề mặt. Nhưng đương nhiên, nó khác với những tiếng cười nhảm, dung tục, không mang lại bất cứ giá trị gì.
Tôi nghĩ, tùy từng đối tượng khán giả, nhà làm phim có thể cài cắm trong các mảng miếng hài hước của mình những ẩn ý, để khán giả cảm thấy tò mò, suy ngẫm sâu sắc sau khi thưởng thức tác phẩm".
Còn theo nhà sản xuất Nguyễn Thị Xuân Trang: "Muốn làm hài tốt phải dựa trên yếu tố văn hóa, vùng miền.
Làm hài ở phim Việt khác với làm hài trong phim nước ngoài. Nhưng dù thế nào, cái hài đó vẫn phải truyền tải một ý nghĩa nhất định cho khán giả".
Hiện tại, ở Việt Nam, yếu tố hài vẫn xuất hiện thường xuyên và phổ biến trong nhiều loại hình giải trí: phim điện ảnh, web drama, game show, phim truyền hình, clip ngắn...
Nhiều phim lồng ghép hài với các thể loại khác như tâm lý, hành động, kinh dị. Trong dàn diễn viên chủ đạo của một phim thường có ít nhất một vai hài.
Một số bộ phim điện ảnh Việt làm khá tốt về yếu tố hài có thể kể đến: Chàng vợ của em (đạo diễn Charlie Nguyễn), Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn), Cua lại vợ bầu (đạo diễn Nhất Trung), Tiệc trăng máu (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng)...
Đạo diễn Lê Thiện Viễn (Em là của em, Vu quy đại náo) nêu ý kiến với Tuổi Trẻ: "Đúng là làm phim hài tưởng dễ nhưng lại rất khó, vì làm không khéo sẽ trở thành hài nhảm. Khán giả cũng rất dễ so sánh một bộ phim hài chiếu rạp với những clip hài trên YouTube, web drama...
Tôi nghĩ đó là do thị hiếu khán giả bây giờ khác với ngày xưa rất nhiều. Ngày xưa người ta hay lấy hình thể hay khuyết điểm của nhân vật để làm yếu tố gây cười, nhưng bây giờ nếu làm điều đó rất dễ gây phản cảm cho người xem, nếu như nhân vật đó không thật sự đặc biệt".
Bên cạnh đó, Lê Thiện Viễn cho rằng khán giả Việt còn khắt khe khi xem một bộ phim hài của Việt Nam. Nếu tình huống đó được đặt trong phim hài Thái Lan thì khán giả dễ tính hơn, nhưng với phim Việt thì dễ bị nói là nhảm. Do vậy, ranh giới giữa "hài" và "hài nhảm" khá là gần nhau.
"Đương nhiên, để lấy được tiếng cười của khán giả không phải dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ, khán giả càng khó tính thì càng giúp người làm phim phải đầu tư hơn cho sản phẩm của mình. Điều đó tôi thấy rất cần thiết cho sự phát triển của dòng phim này" - đạo diễn nói.
Đùa về mái đầu trọc là sai?
Tại lễ trao giải Oscar năm 2022, từ câu đùa của MC - diễn viên hài Chris Rock về mái đầu trọc của Jada Pinkett-Smith (vợ tài tử Will Smith) trên sân khấu, giữa hai tài tử đã xảy ra mâu thuẫn lớn.
Chứng kiến thái độ không vui của vợ, Will Smith bước lên sân khấu và giơ tay tát Chris Rock, đồng thời hét lớn trong khán phòng: "Đừng có nhắc đến tên của vợ tôi bằng cái mồm chết tiệt của cậu".
Vụ việc khiến hàng triệu người hâm mộ trên thế giới sốc nặng. Nhiều cuộc tranh cãi nổ ra trên mạng xã hội, phân tích xem ai đúng, ai sai, và đâu là giới hạn của một câu đùa hài hước.
Sau sự kiện, Will Smith chịu hậu quả nặng là bị Oscar cấm cửa và phải xin lỗi Chris Rock công khai. Đồng thời, giới diễn viên hài cũng lên tiếng bảo vệ Chris Rock. Danh hài James Corden nhại lại sự việc trên chương trình The Late Late Show, hát bài chế We Don't Talk About Bruno về Jada Pinkett-Smith.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận