Phóng to |
Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Phạm Đức Hải trao cho 26 sinh viên có công trình nghiên cứu khoa học học bổng từ chương trình “Tiếp sức những ước mơ” - Ảnh: Quang Định |
Chương trình do báo Tuổi Trẻ tổ chức với nhà đồng hành là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương VN - Vietcombank vào sáng 3-11 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Ước mơ từ những chòi lá
Trao 28 phần học bổng Tại ngày hội, báo Tuổi Trẻ và nhà tài trợ cũng trao 26 phần học bổng cho sinh viên, mỗi phần 15 triệu đồng. Nhà tài trợ Vietcombank trao thêm hai phần học bổng trị giá 25 triệu đồng/suất cho hai đề án xuất sắc nhất trong số các đề án được học bổng. |
Chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ suốt 10 năm qua với hàng chục ngàn học bổng đã nâng bước cho sinh viên nghèo đến trường. Lần này, với sự đồng hành của Vietcombank và Đài truyền hình VN - kênh VTV9 tại TP.HCM, báo Tuổi Trẻ đã xây dựng chuỗi học bổng trong chương trình truyền hình “Tiếp sức những ước mơ” cho các công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc của sinh viên các trường ĐH tại TP.HCM.
Hầu hết sinh viên của “Tiếp sức những ước mơ” đều xuất thân nghèo khó. Có bạn sinh ra lớn lên trong những chòi lá trên sông nước miền Tây nhưng vẫn luôn thắp sáng ước mơ học tập, nghiên cứu khoa học từ những mái nhà lá đèn dầu đó.
Lên sóng từ ngày 11-5-2013, ngay từ những số đầu tiên, câu chuyện tiếp sức ước mơ cho công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên do phòng truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện hấp dẫn chính từ câu chuyện thực tế sinh động của các bạn trẻ. Đó là những bạn sinh viên dù trong hoàn cảnh gia đình nghiệt ngã vẫn vươn lên trong học tập và luôn hướng về lợi ích xã hội một cách thiết thực.
Sự nỗ lực đó được ông Tăng Hữu Phong - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nhìn nhận: “Mỗi bạn sinh viên được chọn trong mỗi chương trình phát sóng là một câu chuyện gây ấn tượng không chỉ bởi nghị lực. Đó còn là những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng, thể hiện khát khao cống hiến cho đất nước của tuổi trẻ VN hôm nay”.
Ở góc độ một người mẹ, bà Trương Thị Thúy Nga, giám đốc Ngân hàng Vietcombank (chi nhánh TP.HCM), cũng xúc động chia sẻ: “Là một người mẹ, mỗi sáng thức giấc tôi nhìn con và luôn mong muốn con sẽ thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Vietcombank sẽ là ngân hàng tiên phong cùng báo Tuổi Trẻ tiếp bước cho tất cả sinh viên có hoài bão thực hiện ước mơ”.
Cần những người “thổi lửa” đường dài
Trong phần giao lưu giữa các khách mời đồng hành cùng chương trình, dược sĩ Nguyễn Văn Bé với biệt danh “ông Ba đất phèn” đã rất trân trọng những sáng kiến của các sinh viên. Ấn tượng với ông là công trình nghiên cứu của sinh viên Nguyễn Minh Nhựt, với đề án nghiên cứu khoa học “Dự án phát triển và nâng cao hiệu quả cây xơ ri Gò Công” mà ông cho rằng đề án nếu phát triển tốt có thể áp dụng cho toàn bộ khu vực ĐBSCL.
Diễn viên Kim Xuân cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với sinh viên Huỳnh Khải Dũng, đề án nghiên cứu về thiết bị hỗ trợ người cao tuổi - chiếc máy báo khẩn cấp qua điện thoại với người thân khi người già trong nhà lỡ bị vấp ngã. Ngay trong buổi giao lưu, Huỳnh Khải Dũng đã mang thiết bị cây gậy thông minh - sản phẩm được trao học bổng - để tặng cô Kim Xuân thay lời cảm ơn trân trọng.
Đồng hành cùng chương trình, diễn viên Kim Xuân xúc động kể lại những kỷ niệm khi ghi hình cùng các sinh viên. Bà chia sẻ: “Khi chúng tôi đến nhà các bạn sinh viên, tôi không thể ngờ rằng ngay trong ngôi nhà bé xíu xiu có chừng đó con người ăn ngủ, sinh hoạt. Càng không thể tin rằng chính tại ngôi nhà tí xíu ấy, cậu học trò nhỏ đã thổi bùng khát khao sáng tạo khoa học của mình. Chính điều đó thôi thúc tôi tin tưởng vào câu chuyện mà chương trình truyền tải. Cũng như muốn gửi gắm đến các mạnh thường quân rằng: cần lắm những người thổi lửa đường dài cho hoài bão của các bạn sinh viên ấy”.
Thông điệp diễn viên Kim Xuân gửi gắm qua ngày hội cũng chính là mong muốn của những người tổ chức chương trình. Chúng tôi nhớ lại câu chuyện của một sinh viên đã từng nhận học bổng “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ - ông Phạm Uyên Nguyên (một nhà điều hành nhiều công ty lớn tại TP.HCM), chàng sinh viên vào thập niên 1990 từng có đề án lội ngược dòng, đề xuất tận diệt ốc bươu vàng gây hại cho lúa ở ĐBSCL.
Khi chia sẻ với Tuổi Trẻ về học bổng nâng bước ước mơ ngày ấy, ông Nguyên đã nói: “Học bổng kịp thời cho đề án ngày ấy đã nâng bước ước mơ, tiếp sức cho tôi trong những hành trình dài sau này để có được thành công hôm nay”. Và để tiếp bước những câu chuyện đẹp như thế, cần lắm những người thổi lửa đường dài cho thành công của thế hệ trẻ Việt trong tương lai.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận