17/08/2009 04:17 GMT+7

Thổi hồn vào cổ vật

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Giữa trưa hè nắng gắt ở bản Nậm Kha (xã Nậm Hăn, Sìn Hồ, Lai Châu), ông Nguyễn Đình Hiển, họa sĩ khảo cổ thuộc phòng vẽ và phục chế của Viện Khảo cổ Việt Nam, đứng ở góc hố khai quật, đăm chiêu nhìn ngắm rồi đưa những nét bút chì đều đặn phác họa lại từng lớp di chỉ.

Không chỉ tìm đến di chỉ rồi đào đào bới bới, những nhà khảo cổ như ông Hiển còn phải ghi chép bằng hình ảnh từng lớp một của di chỉ trong suốt quá trình khai quật, vì mỗi lần khai quật là một lần di chỉ bị phá hủy. Đó là công việc của những họa sĩ khảo cổ mà người ta thường gọi họ bằng cái tên quen thuộc là người thổi hồn cho đá.

lUE8fWFZ.jpgPhóng to

Chăm chút sàng lọc từng mẫu đất đá khai quật được -Ảnh: Thế Anh

Kỳ 1: Hành trình ngược thời gian Kỳ 2: Mỗi phiến đá như có linh hồn

Cảm được cái tình của tiền nhân

Nghiệp khảo cổ đến với họa sĩ Hiển thật tình cờ. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông cũng như bao họa sĩ trẻ khác đều ôm trong mình những hoài bão lớn lao trên con đường sáng tác nghệ thuật. Nhưng trong một chuyến đi thực tế, duyên số đã đem ông đến với nghề khảo cổ. Ông nhớ lại: “Một lần tình cờ gặp đoàn khảo cổ đang khai quật ở núi rừng Tây Bắc, tôi tò mò đến xem rồi bị mê hoặc bởi những đường nét, họa tiết từ những cổ vật. Trước những tác phẩm mà cha ông để lại, tôi mới hiểu những gì mình biết được quá ít ỏi. Từ đó trong tôi luôn trỗi dậy một thèm muốn, thèm được đi nhiều, được va chạm nhiều với thực tế như những nhà khảo cổ; thèm được tiếp cận với cái đẹp của tổ tiên, cái đẹp của dân tộc, cái đẹp đến từ ngàn xưa”.

Và ông về làm ở phòng vẽ và phục chế của viện cho đến nay. Đã ngoài tuổi 60, đã nhận quyết định về hưu nhưng ông vẫn chưa muốn nghỉ, cứ mỗi lần đoàn đi khai quật là ông lại xin theo, ông nói nếu còn sức mà không đi thì cảm thấy mình như người có lỗi với tiền nhân.

Ông Hiển nói trong nghề họa sĩ khảo cổ càng đi càng thấy mình bé nhỏ, càng đi càng thấy ngạc nhiên trước những gì tổ tiên đã làm được, ngạc nhiên về khả năng cảm nhận cái đẹp của con người từ thuở hồng hoang. Ông tâm sự: “Càng theo nghề này tôi mới càng thấm thía khả năng và nhu cầu về cái đẹp của loài người. Có những lúc cầm trên tay những vật dụng của cha ông để lại mà tôi òa khóc, khóc trước cái đẹp, khóc trước cái hồn được toát lên từ sỏi đá mà tiền nhân gửi gắm. Những lúc như thế mình như được hòa vào quá khứ hào hùng của cha ông, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến mà người họa sĩ khảo cổ có được như một món quà vô giá”.

Đưa cho tôi xem một mảnh gốm vừa mới đào được, ông nói về nó như một người say: “Ngoài những chức năng, công năng của vật dụng thì nhu cầu thỏa mãn về thẩm mỹ luôn tồn tại ở người xưa. Mỗi vật dụng còn sót lại đều chứa ẩn trong nó tình cảm của người dùng, chúng tôi gọi đó là hồn của đá, của gốm. Họa sĩ khảo cổ phải nắm bắt cho được cái hồn của cổ vật khi tái hiện trên giấy, đó là điều khó nhất của người trong nghề mà máy móc hiện đại cũng khó lòng thay thế được. Có nhiều khi một đồ vật nhỏ nhưng phải mất mấy ngày để vẽ, để cảm được cái tình của tiền nhân gửi gắm vào đó”.

u69jhacf.jpgPhóng to
Họa sĩ khảo cổ Nguyễn Sơn Ca đo đạc để vẽ lại những hiện vật đá- Ảnh: Thế Anh

Di vật ở Trường Sa

Người viết nhật ký khai quật

Thông thường, mỗi chuyến khai quật đoàn khảo cổ đều có một vài họa sĩ đi cùng. Công việc của họ là ghi chép, sao lưu các di chỉ theo từng lớp địa tầng văn hóa nhằm phục vụ quá trình nghiên cứu, lưu giữ cho hậu thế.

Đối với công việc của nhà khảo cổ, mỗi nhát cuốc là mỗi lần phá đi di chỉ, vì thế người họa sĩ khảo cổ đóng vai trò như người viết nhật ký khai quật cho đời sau bằng hình ảnh. Ngoài việc ghi lại từng centimet của di chỉ bằng hình họa, họ còn phải lập hồ sơ cho từng hiện vật. Mỗi viên cuội, mảnh gốm khi được đưa lên mặt đất đều được họ ghi chép tỉ mẩn từ vị trí, địa tầng đến hình hài...

Điều đó không chỉ giúp những cổ vật được đặt đúng giá trị lịch sử của nó mà còn giúp chúng đến gần với công chúng hơn qua những hình ảnh trên tạp chí, sách tư liệu lịch sử. Nếu không có họ thì những viên cuội, mảnh gốm kia vẫn mãi là những vật vô tri vô giác.

Đến nay họa sĩ khảo cổ Nguyễn Sơn Ca, người đã gắn bó với nghề suốt gần 30 năm qua, không thể nhớ mình đã thổi hồn cho bao nhiêu ngàn viên đá, mảnh gốm ở các di chỉ trên mọi miền Tổ quốc. Nhưng có một chuyến đi mà ông nhớ rất rõ, đó là chuyến vượt biển Đông cùng đoàn ra khai quật ở quần đảo Trường Sa. Ông nói đó là chuyến đi nhớ đời và đáng giá nhất của mình, bởi nó là dấu ấn quan trọng để đem về đất liền những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa.

Ông nói: “Nhớ lại chuyến đi ấy tôi vẫn còn xúc động, vì biết được hàng trăm năm trước ông cha ta đã vượt sóng lớn, biển cả để đến với đảo xa. Điều đó thể hiện tinh thần dân tộc của cha ông thật bất khuất. Chúng tôi luôn lặng người đi mỗi khi phát hiện được những di vật còn sót lại ở Trường Sa. Lặng đi vì thương người xưa, lặng đi vì tình Tổ quốc thiêng liêng. Và vui mừng hơn là từ những dấu vết tìm được ở quần đảo Trường Sa cho biết từ rất sớm người Sa Huỳnh đã hình thành một trục giao thương giữa miền Trung với Trường Sa và đảo Palawan của Philippines. Đó là những phát hiện đáng cho đoàn khảo cổ lưu vào tâm khảm”.

Nhưng để đưa được những di vật còn sót lại của cha ông từ đảo xa ra ánh sáng là cả một hành trình đầy gian khổ. Họa sĩ Ca nhớ lại: “Ngày đó còn khó khăn nhiều lắm, giấy mực phải tằn tiện từng tí, có khi phải nhịn ăn để mua mực mua giấy đi khai quật. Ở đảo mưa nắng thất thường, sóng lại lớn nên họa sĩ như chúng tôi luôn tâm niệm thà để người ướt chứ không bao giờ để giấy vẽ bị ướt.

Lúc ấy chưa có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, mọi thứ đều phải vẽ bằng tay. Mỗi cổ vật được đưa lên đều được đo đạc cẩn thận từng tí một, sau đó mới cảm lấy cái hồn mà phác họa. Cả ngày trần mình giữa nắng biển Đông cũng chỉ vẽ được vài cái, cứ thế kéo dài cả tháng trời. Khi cuộc khai quật vừa kết thúc, anh em lên tàu chuẩn bị vào bờ thì thiên tai ập đến, một cơn bão lớn kéo dài cả tuần lễ. Chiếc tàu của đoàn khảo cổ bị bão đánh rệu rã, trôi dạt qua một hòn đảo khác.

Khi đó chỉ huy trên tàu đã nói anh em ghi lại tên tuổi đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ai cũng lo cho mạng sống của mình, lo cho những cổ vật, những mảnh gốm sẽ chìm xuống biển sâu. Nhưng có lẽ tổ tiên đã phù hộ, đã thương Trường Sa xa xôi mà tha cho chúng tôi”.

Một đời với nghiệp họa sĩ khảo cổ nhưng ông vẫn luôn cảm thấy điều mới trước bàn tay khéo léo của tiền nhân. Cầm trên tay một chiếc khuyên tai bằng đá, ông tâm sự: “Cái này có niên đại đến hàng ngàn năm, vậy mà những họa tiết trang trí của nó vẫn làm người nay rung động. Hay những bức họa trên chiếc trống đồng Đông Sơn, hình ngôi nhà sàn, cái khèn... được vẽ cách điệu, trải qua hàng ngàn năm mà chẳng hề lỗi thời. Ngắm nghía nó, ngẫm nghĩ mới thấy sự tài tình của người xưa. Càng đi càng tiếp cận với di sản cha ông để lại, tôi lại càng bị mê hoặc bởi sự giàu có và phong phú của cái đẹp đến từ ngàn xưa. Đó là cái thú của những người làm công tác khảo cổ”.

___________________

Sau trên 50 năm gắn với nghiệp khảo cổ, giờ đây ông là một người khá nổi tiếng trong giới khảo cổ Việt Nam và quốc tế. Trao tấm danh thiếp có in hình sọ người trên đó, ông giới thiệu ngắn gọn: “Tớ là người chuyên đọc tuổi cổ nhân, ở đâu có mộ cổ là ở đó có tớ”.

Kỳ tới: Chuyên gia đào mộ cổ

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp