Ngày 21-10, tại phiên khai mạc Quốc hội khóa 8, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ.
Ủy ban Kinh tế nhất trí với báo cáo Chính phủ, kinh tế năm nay tiếp tục xu hướng phục hồi, phát triển khi 14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tăng 4 chỉ tiêu so với năm 2023. Trong đó, mức tăng trưởng ước đạt 6,8-7%, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng.
Tăng trưởng cao hơn kỳ vọng nhưng chưa phản ánh hết khó khăn tiềm ẩn
“Hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp đến vùng bão lũ chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn gây xúc động, củng cố niềm tin của nhân dân”, theo Ủy ban Kinh tế.
Tuy vậy, theo Ủy ban Kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Tăng trưởng cao hơn kỳ vọng nhưng chưa phản ánh hết khó khăn tiềm ẩn, phụ thuộc vào xuất khẩu, đầu tư công.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Tỉ lệ số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023.
Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm. Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỉ giá.
Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.
Tình trạng "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Việc lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả.
Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai quy hoạch điện, quy hoạch năng lượng. Việc chậm trễ này có thể gây ra những hệ lụy cho sản xuất than, an ninh cung cấp năng lượng, an ninh cung cấp điện của nước ta trong thời gian tới....
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là sau cơn bão số 3 Yagi. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, song thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra vẫn hết sức nặng nề nên cần có biện pháp ứng phó tốt hơn, giảm thiệt hại.
Cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến để có giải pháp phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội trong điều kiện bất định.
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, sản xuất kinh doanh; kiểm soát chặt tín dụng, nợ xấu; kiểm soát rủi ro thị trường chứng khoán, vàng, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Có giải pháp xử lý dứt điểm tồn đọng kéo dài, trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, ngăn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản, kết hợp kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang xây mới, cũng như khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu hoặc cầu có nhưng không có khả năng thanh toán...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận