22/06/2011 19:42 GMT+7

Thời của thông tin "lộ hàng"?

ĐÀO UYÊN
ĐÀO UYÊN

TTO - Đã đến lúc nhiều cư dân mạng không thể ngồi yên khi cơn bão những tít tựa và bài báo mang đậm mùi “xác thịt”, giật gân câu khách… không hề có dấu hiệu dừng lại trên các trang thông tin điện tử, từ báo điện tử đến những trang do doanh nghiệp làm chủ quản.

Read this on Tuoitrenews.vn

AD0tnQZN.jpgPhóng to
Cách giật tít "Con gái Trương Ngọc Ánh lộ... quần chíp" khiến cư dân mạng nổi giận và cho rằng "cách giật tít bệnh hoạn"

“Nhân vật chính” mà các tít tựa, bài báo này đề cập không phân biệt già trẻ, trai gái, kể cả trẻ con đang bi bô tập nói.

Cuộc "lên ngôi" của mông, ngực, đồ lót…

Mới đây, chuyên trang Phụ nữ & Đời sống (phunutoday.vn) của trang điện tử nguoiduatin.vn khiến cư dân mạng nổi giận khi giật tít: Con gái Trương Ngọc Ánh lộ quần chip. Dưới cái tít ấy là hình ảnh bé gái xinh xắn chưa đến 3 tuổi hồn nhiên trong chiếc áo đầm hồng.

Dù sau đó, tít này được thay thế bằng "Công chúa" nhà Trương Ngọc Ánh tinh nghịch nhưng chùm ảnh với tít cũ đã bị cư dân mạng chụp ảnh lại hoặc copy. Một trang mạng còn bình luận: “Tuy rằng quý báo đã xóa đi, nhưng cái thời đại Internet này ấy mà, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

Tại www.webtretho.com, thành viên Bagiaquay viết: “Không tưởng tượng nổi! Đứa trẻ hồn nhiên vô tư như thế mà báo này dám đưa lên mặt báo thì thật là bệnh hoạn hết cỡ và tổng biên tập cho đăng bài này thì thật kinh khủng. Ông hay bà này không biết có con cái hay không và con cái ông bà chắc không có tuổi thơ nên không bao giờ để "lộ quần chíp" như vậy”.

Vào đầu tháng 5-2011, 2Sao - trang thông tin Giải trí của báo VietNamNet - đưa chùm ảnh con trai gần 2 tuổi của diễn viên Thanh Thúy với tít "Hot boy" nhà Thanh Thúy lộ ngực trần. Và chuyện đơn giản là cậu bé được mẹ mặc cho chiếc áo rộng cổ. Người viết đã không ngại chú thích một bức ảnh rằng: Chiếc áo cổ rộng đã lỡ làm cho cậu “lộ hàng”.

Dù là “đùa một chút cho vui” chăng nữa thì sao vẫn cứ thấy băn khoăn khi người lớn lại nỡ dùng những cụm từ như lộ hàng, lộ ngực trần… cho con trẻ?

Đó là chuyện con trẻ, còn chuyện những tít tựa tràn ngập mùi xác thịt hướng đến người lớn thì vô số kể.

Vietnamnet vừa giật tít: Sau sân khấu, Thanh Thúy vô tình “lộ hàng”. Và chuyện chỉ đơn giản là phóng viên đi vào hậu trường, lúc Thanh Thúy đang làm tóc và chăm sóc chân chuẩn bị thi trong đêm thi thứ 8 của Bước nhảy hoàn vũ” 2011, thì chộp được bức ảnh cô lộ nội y dù đã vắt chéo chân. Như sợ bạn đọc không nhận rõ đâu là điểm lộ hàng, người xử lý ảnh còn kẽ khung hình chữ nhật trong bức ảnh ấy.

Những cái tít đọc “nóng mặt” có thể lấy ví dụ như: Hot girl Tâm Tít thấp thoáng vòng 1, Mừng kết thúc học kỳ, Thủy Top khoe ngực khủng, Trang Trần sẽ mặc váy để không bị nói là "khiêu dâm”, Ngọc Trinh cởi phăng áo diễn thời trang, Ngọc Trinh diện áo quây tế nhị đùn đẩy vòng 1 đi dự tiệc, Thị Điệp mặc đồ lót khoét phơi mình trên siêu xe giữa cầu treo, Thủy Top đầu bù tóc rối khoe 2/3 ngực khủng, “Người đẹp lộ ngực“ Trang Nhung khoe vòng 1 đầy, Bồ Công Vinh mang ngực khủng đánh chiếm sàn diễn, Vũ Hoàng Điệp khiêu khích ngực khủng với bikini khiêm tốn, "Tình nhân" Lam Trường cởi áo khoe thân thể gợi cảm, Thủy Tiên lộ ngực khủng dưới nội y ướt át, Ngọc Quyên dùng cặp tuyết lê "nâng niu" thần tượng Park Ji Sung, Hết quần khiêu dâm, Trang Trần lại diện quần khiêu khích, Thu Minh gặp 'tai nạn' vì áo lệch vai sexy…

Và tất nhiên, ngay dưới những tít tựa ấy là hình ảnh mát mẻ, hở hang, khiêu khích thật sự hoặc đôi khi cũng chẳng có gì ghê gớm lắm của các nhân vật trong giới giải trí.

Đạo đức truyền thông cần được "giải phẫu"?

Không chỉ có chuyện “xác thịt” mà đủ những chuyện “linh tinh” của người nổi tiếng cũng được ghi nhận nhanh chóng. Những thông tin ấy đọc chưa hẳn đã vui, nhưng chắc chắn chẳng bổ ích mấy. Ví dụ như: Công Vinh “nhìn trộm” tin nhắn của Thủy Tiên, “Diễm hờ” Hoàng Anh đã bớt gầy, Hoàng Yến chán bức tử ngực khủng, “Bằng chứng sống” của cuộc “tình vụng trộm” Minh - Thảo!, Mai Phương Thúy và "bồ" tình tứ đầu hẻm...

zcrajSaS.jpgPhóng to
Những thông tin dạng này nhanh chóng xuất hiện tại nhiều trang thông tin điện tử như một cách để câu khách

Tất nhiên, mục tiêu lớn nhất của những cái tít “giật bần bật” ấy là “câu” bạn đọc nhấp chuột. Nhưng sau cái nhấp chuột ấy, nếu có một tiếng thở dài, một cái nhíu mày, vài giây bực bội… của người đọc thì liệu những người tạo ra những sản phẩm thông tin ấy có nghe thấy và quan tâm?

Thành viên Boong Boong trên www.webtretho.com viết: “Đọc báo mạng bây giờ, ngày nào mà không có "lộ hàng" thì ngày đó chắc là... mạng Internet ở Việt Nam gặp sự cố, các báo không đẩy tin bài lên được”.

Bạn Nguyễn Khuyên Thiện Ý - cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM (HUFLIT) cho biết: “Mỗi khi đọc thông tin nhân vật nào đó trong giới giải trí vô tình bị "lộ hàng", tôi lại tự hỏi, nếu mình là người đó thì sẽ cảm thấy khó chịu, tổn thương dường nào. Còn nếu việc "lộ hàng" là cố tình thì phóng viên cũng phải chọn cách thể hiện thế nào để mang tính góp ý, phê phán để họ sửa đổi chứ không phải dùng để câu lượt truy cập”.

Một nhà báo từng chia sẻ nếu việc quyết định đăng hay không đăng một thông tin nào đó thuộc phạm trù luật pháp thì việc nên hay không nên đăng lại thuộc phạm trù đạo đức. Và đạo đức báo chí thuộc khuôn khổ đạo đức xã hội. Song, cuộc tranh cãi giữa việc đăng tải những thông tin giật gân, câu khách có phải thuộc phạm trù "đạo đức nghề báo" hay không vẫn chưa ngã ngũ.

Không thể phủ nhận khi sống trong một xã hội chấp nhận sự đa dạng thì cũng cần phải thừa nhận những thông tin giật gân, câu khách đang đáp ứng nhu cầu một bộ phận bạn đọc. Vấn đề là tại một số nước, những trang thông tin lá cải được “dán nhãn” rõ ràng như một cách nhắc bạn đọc “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.

Và điều này vẫn chưa được thực hiện tại Việt Nam nên sẽ vẫn còn những bạn đọc cảm thấy bị “ngộ độc” khi lỡ tay nhấp chuột...

Ống kính của phóng viên đang đặt ở đâu?

Đa số các tin bài kiểu "lộ hàng", “khoe ngực khủng” hay đưa tin về các bộ phận trên cơ thể xuất hiện dày đặc thời gian qua là do sự “góp công” của các báo mạng, từ báo mạng mà ra. Báo mạng, với dung lượng đăng tải gần như không có giới hạn cộng với cuộc đua giành lượng pageview (lượng truy cập) của bạn đọc để được quảng cáo đã không ngần ngại…liều mạng.

Khởi đầu là các thông tin “hướng ngoại”. Các hình ảnh diễn viên, ca sĩ, cầu thủ nổi tiếng được khai thác tối đa theo kiểu “playboy hóa”. Với báo chí giải trí phương Tây, đưa tin “da thịt” như là một điều gần như bình thường. Tuy văn hóa phương Đông và phương Tây là khác nhau nhưng báo mạng “lá cải” vẫn thường vận dụng máy móc và tận tận dụng tối đa các “nguồn tư liệu” này để đưa lên.

Sau, để “gần gũi” với bạn đọc hơn thì dần dà hướng nội với các diễn viên, người mẫu nội đang muốn tạo scandal để nổi tiếng. Thậm chí cũng không bỏ sót trường hợp của các nữ sinh “vô tình” lộ điểm nóng trên cơ thể.

Báo mạng tận dụng tối đa sự nổi tiếng và cách đưa tin tạo sự tò mò và kích thích ham muốn của người đọc, tận dụng tối đa cách giật tít “nửa kín, nửa lộ” và tên bộ phận cơ thể để câu khách. Đặc biệt tận dụng sự vô hạn về dung lượng để vô tư đăng tải hình ảnh “da thịt”, kích thích ham muốn của công chúng. Có cảm giác như báo mạng “lá cải” không bỏ sót scandal “cởi”, “lộ” của làng Showbit Việt ít tài lắm tật để câu độc giả.

Đáng buồn hơn, nhiều tờ báo mạng còn tranh thủ đưa lại bài có nguồn từ trang mạng xã hội, thậm chí “bê” nguyên xi các tin và ảnh lãng xẹt có từ các trang mạng này. Có thể nói, công thức của sự nổi tiếng với sự góp công của nhà báo chưa bao giờ vô cùng đơn giản như lúc này: Lộ hàng + báo mạng = Nổi tiếng.

Trách nhiệm của nhà báo ở đâu? Những hình ảnh do các diễn viên, ca sĩ “lộ hàng” đưa lên báo ngày càng nhiều khiến cho bạn đọc thật sự choáng. Nhan nhản tin, ảnh “da thịt” khiến nhiều người tự hỏi: Đây có phải là sự cố vô tình của nhân vật, hay là chiêu đánh bóng tên tuổi.

Cũng có người tự hỏi: Hay là tê-lê phóng viên chỉ chực chờ ở những điểm nóng để chụp cảnh “lộ hàng”? Hoặc là sự cấu kết giữa bộ phận người làm báo lá cải với người muốn nổi tiếng, muốn hâm nóng hay đánh bóng tên tuổi? Xét cho cùng, cái sự “lộ hàng” ấy có nổi tiếng, có um xùm, có thành “bầy đàn” và phong trào như hiện nay hay không, đầu tiên vẫn phải truy đến trách nhiệm của người đưa tin (nhà báo) và cơ quan kiểm duyệt thông tin (mà trực tiếp nhất là ban biên tập của tờ báo đó).

Người làm báo có quyền và trách nhiệm phải đưa thông tin chân thực đến công chúng, và bạn đọc thì luôn tin rằng thông tin của nhà báo luôn có giá trị và lợi ích, đã qua chọn lọc và tất nhiên là đáng đọc.

Nhưng, không vì thế mà nhà báo và tòa soạn vận dụng máy móc cái sự “đưa tin chân thực” ấy để đánh đổi lòng tin của bạn đọc. Tất cả các tờ báo, khi đi vào hoạt động phải có tôn chỉ, mục đích đưa tin thì mới được cấp giấy phép hoạt động. Nhưng, nhìn hiện trạng báo mạng Việt Nam hiện nay thì có rất nhiều tờ đưa tin chẳng khác các diễn đàn, trang mạng xã hội (vô định hướng) là mấy. Nhà báo nên nhớ, những người muốn nổi tiếng thì sẵn sàng làm tất cả để nổi tiếng. Họ tận dụng tất cả sự “ngây thơ” của nhà báo để tung ra những bức ảnh nóng.

"Chỉ có Hồ Ngọc Hà biết sinh con?"

Còn nhớ cách đây không lâu, một số báo đưa tin “Lộ diện quý tử của Hồ Ngọc Hà ”, đưa thông tin về việc ca sĩ Hồ Ngọc Hà sinh em bé (sau đó còn có cả một cuộc họp báo với rất nhiều phóng viên đến đưa tin) khiến nhiều người bức xúc: “Hình như cả thế giới này chỉ có Hồ Ngọc Hà là biết sinh con”.

Tuy đây không phải là vụ “lộ hàng” nhưng cho thấy sự thiếu trách nhiệm khi chọn lọc thông tin để đưa đến công chúng, khiến công chúng ngán ngẫm và khinh thường nghiệp vụ. Không phải ai cũng tò mò và kích thích với các thông tin “chung đụng”, chạm đến ham muốn dục cảm.

Bức xúc ư, bạn đọc TTO đã lên tiếng rồi đó: “Những thông tin lá cải, xúc phạm danh dự của người trong cuộc chỉ cho thấy một nhóm người làm báo có vấn đề về nhận thức nhân cách và giá trị thông tin. Câu lượt truy cập là quan trọng, nhưng tuyệt đối không thể bỏ qua trách nhiệm xã hội”.

Cơn bão thông tin giật gân trên các trang thông tin điện tử

Những thông tin giật gân, câu khách, khai thác tối đa đời tư của người trong lĩnh vực giải trí có đang làm bạn bận tâm suy nghĩ?

Bạn đã click vào để xem? Và bạn cảm nhận như thế nào?

Theo bạn, ngoài mục đích câu lượt truy cập, những thông tin này còn hướng đến mục tiêu gì? Những người tham gia "sản xuất" những sản phẩm ấy có vi phạm "đạo đức báo chí"? Việc đọc những thông tin ấy thường xuyên có thể dẫn đến những hệ lụy gì? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa ở đâu trong "cơn bão" này?

Mời bạn đọc tham gia ý kiến về chủ đề này bằng cách gửi ý kiến ở dưới bài viết.

ĐÀO UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp