Ford EcoSport ra mắt Việt Nam từ 2014 và chuẩn bị dừng cuộc chơi sau gần 10 năm - Ảnh: Ford Việt Nam
Theo thống kê công bố đầu năm nay của Marklines, đơn vị chuyên theo dõi ngành công nghiệp ôtô thế giới, thị phần SUV toàn cầu năm 2021 chiếm khoảng hơn 45%. Các thị trường trên thế giới tiêu thụ tổng cộng hơn 35,5 triệu chiếc SUV trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2010. Tuy nhiên, không phải cứ làm SUV là sẽ bán được.
Ford EcoSport dừng bán tại Việt Nam
Từng giữ vị thế độc tôn trong thời gian dài tại thị trường Việt Nam, Ford EcoSport giờ đã được liệt kê vào những mẫu xe dừng sản xuất. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh, SUV là trào lưu, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Tại Việt Nam, hầu như các thương hiệu đang tham gia thị trường đều có ít nhất một dòng SUV/crossover. Do đó, sự cạnh tranh và đào thải rất gay gắt. Năm 2017, Ford EcoSport đạt doanh số 3.977 chiếc, trong khi kết thúc năm 2021 số lượng xe bán ra chỉ đạt 1.490 chiếc.
Trong cùng khoảng thời gian này, phân khúc của EcoSport xuất hiện thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, khiến vị thế độc tôn của dòng xe không còn. Những Hyundai Kona và sau đó là hàng loạt sản phẩm tham gia phân khúc SUV đô thị cỡ nhỏ, với mức giá tương đương khiến chiếc SUV Mỹ dần lép vế.
Việc ngừng sản xuất EcoSport, không đồng nghĩa Ford dừng làm xe gầm cao, bởi đó vẫn là thế mạnh của thương hiệu Mỹ. Danh mục sản phẩm của hãng này hầu hết là SUV với những Everest, Explorer và có thể sắp tới là Territory.
Doanh số phân khúc SUV đô thị cỡ B tăng trưởng mạnh, trong khi EcoSport đi lùi trước sức ép từ đối thủ cạnh tranh - Đồ hoạ: TUẤN CAO
Cạnh tranh gay gắt
Cách đây khoảng 5 năm, khi Ford EcoSport vẫn ở thế độc tôn, thị trường không có nhiều lựa chọn tương đồng ở phân khúc đó. Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, phân khúc xe gầm cao đô thị có hàng loạt lựa chọn từ các thương hiệu như Hyundai Kona, Honda HR-V, Kia Sonet, Toyota Raize, Mazda CX-30… Điều này khiến doanh số nhiều dòng xe không đạt kết quả như kỳ vọng.
Honda HR-V từng được chờ đợi sẽ gây sức hút khi đánh đúng vào phân khúc xe được quan tâm cùng thương hiệu tốt. Tuy nhiên, doanh số dòng xe này cũng lẹt đẹt suốt từ khi bán ra thị trường năm 2018, ghi nhận 1.161 chiếc tiêu thụ trong năm 2021, 1.712 chiếc tiêu thụ trong năm 2020 hay 2.700 chiếc tiêu thụ trong năm 2019.
Honda HR-V định giá quá cao nên dù có thương hiệu tốt, đánh trúng nhu cầu thị trường nhưng vẫn không thu về kết quả như mong đợi - Ảnh: TUẤN CAO
Cùng thời điểm đó, Hyundai Kona tạo tiếng vang tốt trước hai đối thủ khi đạt doanh số ấn tượng sau thời gian ngắn bán ra (đều trên 7.000 chiếc trong năm 2019 và 2020). Mặc dù vậy, vị thế này không thiết lập được bao lâu khi những dòng xe mới như Kia Seltos hay Toyota Corolla Cross ra mắt. Mẫu xe Hàn chỉ ghi nhận 5.068 chiếc bán ra trong năm ngoái.
Trong khi đó, hai tân binh nhanh chóng nắm giữ vị thế ở phân khúc về doanh số với kết quả lần lượt là 16.122 chiếc và 18.411 chiếc bán ra trong năm 2021.
Sự cạnh tranh gay gắt ở phân khúc này cũng khiến nhiều dòng xe mới ra mắt trong năm 2021 như Mazda CX-3, MG ZS hay Mazda CX-30 gặp nhiều thách thức. Theo báo cáo VAMA, tổng doanh số bộ đôi SUV mới của Mazda chỉ ghi nhận hơn 2.000 chiếc trong năm 2021.
Theo Thành Duy, chuyên gia theo dõi ngành xe lâu năm, thị hiếu của người dùng thay đổi theo từng thời điểm, sự chênh lệch về công năng, thương hiệu và giá cả là những yếu tố chính dẫn đến thành bại của một dòng xe. “Dù SUV là xu hướng, nhưng yếu tố phù hợp với số đông mới quyết định thành bại của một sản phẩm”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Không chỉ phân khúc SUV đô thị cỡ nhỏ có sự cạnh tranh gay gắt, ở những phân khúc cao hơn, sự cạnh tranh cũng diễn ra quyết liệt giữa các dòng xe gầm cao. Trong tương lai, người dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn ở phân khúc xe này, thậm chí là các lựa chọn xe điện. Sự cạnh tranh và đào thải là điều tất yếu để người dùng có những lựa chọn tốt, xứng đáng với số tiền bỏ ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận