Phóng to |
Một giờ học của lớp tại chức ngành quản trị kinh doanh - Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Đó là ý kiến của một bạn đọc từng giảng dạy ở hệ tại chức, tiếp sau những ý kiến cho rằng chỉ việc học hành nghiêm chỉnh, bạn cũng có thể nói không với nạn phong bì "gõ cửa" lớp học.
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng:
Phải làm sao trước những "gửi gắm"?
Thi thoảng tôi cũng được mời dạy vài lớp tại chức do một số trung tâm, trường đại học tổ chức. Quả thực, là người trong cuộc nên tôi không tiện xưng danh kẻo những học trò lại bảo rằng “ăn rồi sao nhả được”.
Nói cho hết ngọn nguồn thì khó nhưng tôi dám khẳng định: nếu như học tại chức kiểu này thì nó sẽ là nguyên nhân của mọi tiêu cực và cũng là con đường thuận lợi để sâu mọt tha hồ đục khoét, kéo theo rất nhiều hệ lụy trong xã hội. Ai dám bảo học tại chức chất lượng tốt? Ai dám bảo trình độ học trò được nâng lên? Ai dám bảo học tại chức không tốn kém? Và ai dám phê bình người dạy?...
Hàng vạn câu hỏi đặt ra thật khó mà trả lời. Cuối cùng thì chỉ là vấn đề bằng cấp để đề bạt, nâng lương, tạo uy tín giả trước tập thể, “danh chính” là tôi đã có đủ bằng cấp… Vậy đề nghị tổ chức xem xét, đánh giá, sắp xếp. Tôi là giáo viên dạy môn X, vị quản lý một trường đại học nọ có mời tôi đến dạy môn Z, tôi bảo là không đúng chuyên ngành. Vị này tặc lưỡi “có gì khó đâu anh, họ đâu biết gì nhiều lắm, anh chỉ cho họ ghi vài dòng và định hướng nghiên cứu là chủ yếu”, nghe vậy nên tôi cũng chấp nhận lời đề nghị.
Quá trình dạy, buổi tối 4 tiết thì mới hết tiết thứ 2, lớp trưởng để nghị giáo viên cho nghỉ sớm bởi anh em xa nhà, con nhỏ… Vậy là giải tán. Buổi thứ hai, theo hợp đồng 7 giờ tối vào học nhưng lác đác gần 8 giờ mới khoảng 1/2 số lượng, đến hơn 8 giờ thì sinh viên lại cơ bản đầy đủ để lỡ thầy điểm danh.
Gần kết thúc môn học, phần lớn sinh viên trong lớp đều có số điện thoại của tôi thông qua anh lớp trưởng, và những ngày sắp thi hết môn cũng là chuỗi ngày đau khổ với hàng loạt cú điện thoại đề nghị được gặp thầy.
Nhiều lần tôi phải tìm cách này, cách kia, nào là nhà ở rất xa, nào là có cuộc hẹn… để tránh sự phiền hà. Nhưng tưởng thoát khỏi sự ràng buộc, ai ngờ họ còn nhiều chiêu độc. Cách đây ít ngày, tôi được một anh bạn thân thiết công tác ở một sở giáo dục nọ có điện thoại mời đi nhậu, hóa ra cậu học trò tôi dạy lại là “dây cà dây muống” gì đó với anh bạn. Vậy là làm sao không thể giúp bạn, thôi đành nhận lời vậy.
Lại hôm nọ, tôi thấy vợ mang về mấy chai rượu ngoại cùng ít thịt rừng nói là quà biếu của người bạn. Nhưng ngày hôm sau, tôi mới biết được nguồn gốc của số quà đó… Vợ tôi có quen một người quản lý ký túc xá ở trường đại học nọ, người này lại là cô ruột của một học trò tên T mà tôi đang dạy, vậy là T rủ mấy người nữa góp quà rồi nhờ cô chuyển hộ đến vợ thầy. Thế là lại thêm một danh sách dài những trò gửi gắm…
Thật là nhũng nhiễu nhưng biết làm sao được. Nếu phong bì thì trả lại được còn những bữa nhậu hoành tráng cũng như mấy chai rượu thì trả lại làm sao?... Thực lòng, người dạy đâu có hám nặng phong bì, phong bao, quà cáp chỉ cần trả đúng theo quy định số tiết và học vị là được. Nhưng thời buổi cơm áo gạo tiền thì thấy rõ tiêu cực nhưng đành làm ngơ, làm sao dám đứng lên tố cáo tiêu cực không khéo lại bị chính tổ chức mình đào thải!
Tại chức = tại cái chức mới học
Tôi là giảng viên một trường Cao đẳng, và thỉnh thoảng được một trường liên kết với trường tôi mời dạy thỉnh giảng. Và tôi cũng thường được gác thi các lớp "tại chức" (hiểu theo một nghĩa rất hài: tức là tại cái chức mới học). Gác thi chỉ là bù nhìn. Gần đây tôi chấm bài thi lại của lớp tôi dạy, và kết quả là 9/9 bài giống hệt nhau, sai giống nhau, đến phần bỏ cũng giống nhau.
Tôi tự hỏi, chẳng lẽ chúng ta lại có tư tưởng lệch lạc vậy, sao dạy con cháu chúng ta được. Rộng hơn, nền giáo dục chúng ta, tương lai đất nước chúng ta đang nằm trên tay các tri thức này. Vậy mà....!
Học riêng nhưng thi chung với hệ chính quy
Khi học thì bố trí học riêng, vì thời gian tập trung học tại chức khác hệ chính quy khác nhau. Khi thi hết môn, tốt nghiệp thì phải thi chung với hệ chính quy (phòng thi, số báo danh chung). Làm được như vậy thì tấm bằng tại chức mới có giá trị tương đương với chính quy.
Chấn chỉnh từ tâm thế người học
Phong bì là câu chuyện thật 100%, nhưng nó chỉ xảy ra với một số trường hợp, chứ không phải tất cả. Đó là:
- Học viên lười học nhưng muốn có điểm cao (khi thi được xem tài liệu thoải mái).
- Học viên ít có điều kiện đến lớp thường xuyên (do công tác) nhưng muốn được chấm công đầy đủ để tính điểm chuyên cần.
- Một vài vị trong ban cán sự lớp muốn "lấy điểm" với giảng viên, nên bắt lớp phải đóng "quỹ đen" để "chung chi" hoặc đưa giảng viên đi ăn uống, tham quan thắng cảnh của địa phương...
- Một số giảng viên vòi vĩnh, kiểu như "con sâu làm sầu nồi canh".
Thế thì cần phải chấn chỉnh trước tiên ở tâm thế người đi học, sau đó mới tới thầy cô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận