Ông Kim Jong Gak - Ảnh: Đình Mạnh |
>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
>> Kỳ 3: 10 năm bán kim chi
Ngày 25-2-2013, Thời Báo Việt - Hàn (Vietnam - Korea Times) phát hành số đầu tiên. Ðúng như tên gọi của tờ báo, đây là sản phẩm tâm huyết của đội ngũ làm báo người Việt và người Hàn với mong muốn tạo cầu nối giao lưu giữa hai nước.
Nhưng ít ai biết rằng ý tưởng sáng lập Thời Báo Việt - Hàn, hiện có số phát hành hằng tuần khoảng 10.000 bản, lại được phôi thai từ một vị luật sư người HQ.
Thành lập chỉ sau ba lần gặp gỡ
Luật sư kiêm kiến trúc sư xây dựng Kim Jong Gak mua lại tờ báo Kiều Dân Hàn Quốc vào năm 2010 sau khi chủ cũ của tờ báo này phá sản do không kham nổi chi phí in ấn bên HQ và chi phí vận chuyển các số báo sang VN bằng máy bay.
Ông quyết tâm vực dậy tờ báo bằng cách lên kế hoạch mở rộng để trở thành “cửa sổ thông tin toàn diện về VN” dành cho người HQ.
Ông đem ý tưởng này đến gặp gỡ lãnh đạo Thông tấn xã VN vào tháng 9-2012. Chỉ qua ba lần trao đổi trực tiếp từ tháng 9 đến giữa tháng 10, hai bên đã nhanh chóng đạt được đồng thuận đổi tên tờ Kiều Dân Hàn Quốc thành Thời Báo Việt - Hàn, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới.
“Chúng tôi rất ủng hộ ý tưởng của ông Kim Jong Gak khi xét đến các yếu tố như VN và HQ đang có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng như cộng đồng người Hàn ở VN rất đông và có mối quan tâm rất lớn đến VN” - bà Trần Thị Khánh Vân, phó tổng biên tập Báo Ảnh Việt Nam thuộc Thông tấn xã VN và phụ trách chính Thời Báo Việt - Hàn, trả lời Tuổi Trẻ.
Tháng 12-2012, Bộ Thông tin - truyền thông chính thức cấp phép thành lập tờ báo. Ngày 25-2-2013, số đầu tiên với 24 trang khổ 29 x 41cm in màu chính thức ra mắt độc giả.
Xuất bản vào thứ ba hằng tuần, Thời Báo Việt - Hàn cung cấp các thông tin đầy đủ về chính sách, pháp luật của Nhà nước VN, thông tin về môi trường, cơ hội hợp tác đầu tư tại VN cho các nhà hoạch định chính sách HQ, các học giả, doanh nhân và cộng đồng người HQ sinh sống ở VN.
Tờ báo cũng thông tin về các vấn đề chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật; giới thiệu lịch sử, đất nước, con người VN và hoạt động của các doanh nghiệp, thông tin cộng đồng... nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin về VN cho cộng đồng người HQ ngày càng sinh sôi nảy nở ở Việt Nam.
Bà Khánh Vân, từng có thời gian làm phóng viên thường trú bốn năm ở Seoul, đánh giá cao sự am hiểu và tính nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu thông tin của cộng đồng và doanh nghiệp Hàn của ông Kim Jong Gak.
“Dù ông ấy không có kinh nghiệm báo chí nhưng vẫn có những cách nhìn nhận và đánh giá rất hay, nhất là về mảng tư vấn luật. Ông Kim cũng là một người nhiệt huyết và có tâm” - bà Vân nhận xét về đồng sự người Hàn.
Một cư dân Hàn ở Phú Mỹ Hưng đọc Thời Báo Việt - Hàn - Ảnh: Quang Định |
Chung sức vì tòa báo
Hiện tòa soạn Thời Báo Việt - Hàn (trụ sở tại 145 Phạm Thái Bường, P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM) chỉ có vỏn vẹn 20 nhân viên người Việt bao gồm nhiều bộ phận như phát hành, marketing, biên tập, nhân viên...
Ngoài ra có năm cộng tác viên giúp chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Hàn gồm một người Việt và bốn người HQ.
“Hiện tại chúng tôi chưa cần nhiều phóng viên. Trong tương lai nếu phát triển hơn chúng tôi có thể tuyển thêm phóng viên, trong đó có cả phóng viên VN biết tiếng Hàn để có thể tiếp cận sâu và nhanh chóng hơn với các doanh nghiệp và cộng đồng HQ” - ông Kim Jong Gak chia sẻ.
Ông Kim và bà Vân là người phụ trách lựa chọn nội dung, kiêm hiệu đính và biên tập cho tờ báo.
“Hiện nay 70% nội dung của Thời Báo Việt - Hàn lấy từ Thông tấn xã VN, còn lại là những bài đặt cộng tác viên và chuyên gia. Hiện có bốn cộng tác viên chuyên gia người HQ cộng tác thường xuyên với báo chúng tôi” - bà Vân nói, đồng thời cho biết thêm tờ báo còn được hỗ trợ nội dung bởi 70 nhân sự ở Báo Ảnh Việt Nam.
Người Việt duy nhất cộng tác chuyển ngữ cho Thời Báo Việt - Hàn là ông Vũ Hiếu Trường, 60 tuổi, hiện sinh sống ở Hà Nội.
Ông Trường từng có thời gian làm việc cho một doanh nghiệp Việt Nam có liên doanh với Tập đoàn Daewoo của HQ từ năm 1995-2003 và từng đi tu nghiệp ở CHDCND Triều Tiên sáu năm. Ông cộng tác chuyển ngữ các chuyên mục kinh tế, chính trị - xã hội và du lịch từ tháng giêng năm nay.
Ông Trường nói cảm thấy rất hứng thú với công việc này dù thu nhập chỉ... vừa vừa. Ông thích dịch những bài liên quan đến du lịch, tập quán, lễ hội của VN để cung cấp thông tin cho người HQ.
“Tờ báo đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Hàn hiểu biết hơn về phong tục tập quán, đường lối chính sách của VN cũng như cung cấp cho họ các kiến thức đầu tư và cuộc sống bổ ích” - ông Trường nhận định.
Trong khi đó, Nam Seung Hee (20 tuổi), một trong bốn cộng tác viên HQ, nhận dịch đủ loại tin tức mà biên tập viên yêu cầu như xã hội, luật, kinh tế nhưng cô thích nhất là dịch về du lịch.
Seung Hee, sống cùng gia đình ở TP.HCM được 12 năm và đang học ở Ðại học RMIT, kể nhiều lúc cũng cảm thấy khó khăn, nhất là khi dịch các từ chuyên môn ở lĩnh vực kinh tế và luật. Những lúc đó Seung Hee phải tra từ điển mất khá nhiều thời gian. Tuy vậy, cô cảm thấy tự hào khi đóng góp cho tờ báo.
Muốn góp sức phát triển VN
Ông Kim Jong Gak cùng vợ là nghệ sĩ piano danh tiếng HQ Eun Young Joo (Eva Joo) và hai con trai đến VN cách đây tám năm.
Ông cho biết có thời điểm những chuyên gia về luật và kiến trúc xây dựng như ông không có nhiều cơ hội hoạt động. Thế là ông cùng gia đình quyết định sang sinh sống ở VN.
Ông Kim cho biết VN lúc đó là một đất nước rất có tiềm năng như thị trường khổng lồ với dân số gần 90 triệu người, người dân chăm chỉ và có kỹ năng tốt, tài nguyên thiên nhiên cũng rất phong phú.
Ông Kim thừa nhận thời gian đầu tờ báo gặp khá nhiều khó khăn, nhất là tài chính.
“Hiện tại chúng tôi không đặt nặng vấn đề tài chính vì ưu tiên xem đây là kênh thông tin quan trọng về VN dành cho các công ty đầu tư HQ và cộng đồng người Hàn ở VN. Tuy nhiên chúng tôi đang đẩy mạnh tổ chức sự kiện giao lưu giữa hai nước để kiếm thêm nguồn hỗ trợ” - ông nói.
Chia sẻ về dự định tương lai, ông mong muốn cung cấp thêm kênh thông tin cho những người chồng Hàn lấy vợ Việt đang sinh sống bên HQ. Ông quan niệm người chồng HQ phải hiểu thông tin về VN mới có thể chung sống hạnh phúc với vợ Việt được.
“Vợ tôi chẳng biết gì về VN. Vì tôi sang đây nên vợ con tôi phải cùng đi theo. Tôi chấp nhận sang VN và xem đây là một cuộc phiêu lưu, không có sự ổn định tài chính, không bảo đảm thu nhập ổn định. Nhưng tôi muốn đóng góp cuộc đời mình để phát triển xã hội theo mong muốn của cha tôi, người trước kia hi vọng tôi trở thành một mục sư. Tôi đang cố gắng hết sức để đóng góp phần mình vào công cuộc phát triển xã hội ở VN” - người đàn ông có mái tóc muối tiêu trông già hơn so với tuổi 48 trải lòng.
____________
Kỳ tới: Gia đình “ba ngôn ngữ”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận