10/04/2023 06:21 GMT+7

Thời ăn app, ngủ app, yêu cũng app

Nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ gần như sống qua app (ứng dụng di động). Giờ cái gì cũng gần như đều phải dùng đến app: từ làm việc qua app, mua sắm trên app, đến chuyện hạnh phúc, tình yêu cũng nhờ app.

Người Việt dùng trung bình khoảng hơn 20 app mỗi tuần - Ảnh: THANH HIỆP

Người Việt dùng trung bình khoảng hơn 20 app mỗi tuần - Ảnh: THANH HIỆP

Uyên, một bạn trẻ ở TP.HCM, luôn khởi đầu mỗi ngày mới của mình theo lịch trình: vừa ngủ dậy, mở một loạt app chat như Viber, Skype, Messenger. Tiếp đó là mở app ghi chú và lịch làm việc. Mua ly cà phê cũng mở app để tích điểm và nhận giảm giá. Thanh toán tiền thì mở app ví điện tử.

Ăn app, ngủ app, chơi cũng app

Vừa mới sắm xe hơi, một nhóm bạn trẻ quyết định sẽ "phượt" từ TP.HCM ra miền Trung dọc đường biển. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất là lạ đường dễ "dính" lỗi vi phạm tốc độ. Lần mò trên mạng, anh Nguyễn Thanh Khoa tìm ra được app trên điện thoại có chức năng cảnh báo tốc độ. 

Chưa đầy một phút tải từ kho ứng dụng và cài đặt, app đã sẵn sàng. Khi gần đến tốc độ tối đa cho phép, app cảnh báo bằng giọng đọc. Thậm chí, những nơi sắp có biển báo tăng, giảm tốc độ hoặc khu dân cư cũng được app chỉ dẫn.

Ngay cả với chuyện chăn gối cũng có hàng loạt app. Vừa sinh con trai đầu lòng được ba tháng, chị Nguyễn Phương Thi (ngụ TP Thủ Đức) cho biết khi quyết định sinh con, vợ chồng "thả cửa" mấy tháng trời vẫn chưa có dấu hiệu "dính bầu". 

Đến khi được mách nước tải app trên, nhập một số thông tin, ứng dụng sẽ tự tính toán ngày rụng trứng để xác suất được thụ thai cao nhất. Vợ chồng chị Thi cho rằng nhờ dùng app đã sớm đón tin vui.

Ngoài ra, hiện app này được nhiều bạn trẻ dùng để tính "ngày an toàn" trong chuyện gối chăn, tình yêu. Hay như với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hiện có hàng chục app cung cấp các chức năng hướng dẫn người dùng ngày nào ăn gì, tập luyện ra sao để giảm cân trong 30 ngày.

Chưa kể, hiện đi bảo dưỡng xe máy, nhiều tiệm cũng đã mời khách cài app để nhắc định kỳ lẫn đặt lịch hẹn.

Tiện lợi cho các bên

Từ tháng 4, TP.HCM bắt đầu những ngày nắng như đổ lửa. Nhiều dân văn phòng đã lựa chọn cách đặt đồ ăn, cà phê, trà sữa... qua app. 

Mai Linh, nhân viên một công ty tại tòa nhà văn phòng LIM 3 ở quận 1, cho hay luôn cài 4, 5 app của các hãng thương mại điện tử để mua sắm online từ trong nước đến quốc tế. Cùng đó là app của ba ngân hàng, chưa kể app ví điện tử thường xuyên có khuyến mãi.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đồng ý xu hướng sinh hoạt hiện đại đang khiến ngày càng nhiều người dân "sống trên app" vì app luôn mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn so với các phiên bản web.

Đặc biệt, do điện thoại cấp cho app nhiều quyền truy cập hơn so với web nên chính các nhà phát triển phần mềm cũng có lợi. 

"Cả người dùng lẫn nhà phát triển đều hướng đến app nhiều hơn là web" - ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Để an toàn với app, tránh lừa đảo

Tuy vậy, cũng theo ông Vũ Ngọc Sơn, app sẽ thu thập được nhiều thông tin cá nhân của người dùng hơn khi có thể triển khai nhiều quyền, đặc biệt là quyền truy cập vào các dữ liệu người dùng trên điện thoại.

Ông Sơn cảnh báo khi cài app chỉ nên cấp quyền truy cập tối thiểu, không nên cài các app ít tính năng nhưng đòi hỏi quá nhiều quyền truy cập, trong đó đặc biệt là các quyền liên quan đến cuộc gọi, tin nhắn, danh bạ, hình ảnh, thẻ nhớ...

Mới nhất, ngày 8-4 vừa qua, Cục Thuế TP.HCM đã phải phát đi cảnh báo về việc có tình trạng giả mạo công chức cơ quan thuế hướng dẫn và cung cấp đường dẫn cài đặt app giả mạo nhằm mục đích lừa đảo. 

Đã có người chủ quan cài ngay app "HCMTAX - Cục Thuế Hồ Chí Minh" và bị kẻ gian truy cập vào điện thoại, chuyển hết tiền trong tài khoản đi.

Ông Hà Đức Trung, giám đốc công nghệ Công ty dịch vụ chuyển đổi số Tanca.io, cho rằng để bảo vệ mình, trước khi cài đặt, người dùng nên xem ứng dụng có phải là ứng dụng do chính chủ không. 

Thậm chí, nên chịu khó truy cập vào website nhà phát triển để kiểm tra chéo. Bởi hacker, nhà phát triển có mục đích xấu hoàn toàn có thể giả mạo một ứng dụng.

Theo ông Trung, tốt nhất người dùng chỉ nên tải app về máy từ các kho ứng dụng chính thống CH Play (hệ điều hành Android) và Apple Appstore (iOS). Các ứng dụng được đưa lên các kho này đều đã phải trải qua một quy trình kiểm duyệt khá tốt. 

Tất nhiên vẫn có những app giả mạo, chứa mã độc lọt lên được nhưng các kho ứng dụng này có chính sách hậu kiểm thường xuyên. Đặc biệt, người dùng hạn chế tối đa cài app từ các kho ứng dụng khác hoặc từ đường link cấp sẵn.

"Các thiết bị điện thoại có tính năng yêu cầu nhà cung cấp không theo dõi. Đây là tính năng phát triển gần đây của Apple hạn chế các ứng dụng theo dõi người dùng. Chỉ khi nào người dùng chấp nhận cho phép theo dõi thì ứng dụng mới được phép theo dõi người dùng", ông Trung khuyến cáo.

Với các bạn đã dùng app tốt cũng "không nên tin theo app 100%", anh Nguyễn Thanh Khoa cảnh báo. Như khi dùng app cảnh báo tốc độ cho người lái xe hơi, anh Khoa cho hay có nhiều đoạn đường đang sửa chữa, thay đổi biển báo mà app chưa cập nhật. 

Đó là chưa kể những app về sức khỏe, theo một số chuyên gia, nếu cứ chủ quan không đến bác sĩ mà chỉ cầu viện app, không loại trừ có thể nguy hiểm tính mạng.

Liên tục mọc mới và bị lãng quên

Ngày càng đông đảo các doanh nghiệp, tổ chức, thậm chí các cơ quan hành chính có app. Một thống kê đơn giản tại Việt Nam: gần như tất cả các ngân hàng đều có app, có ngân hàng có nhiều hơn một app, có thêm app liên kết với đối tác; các nhà mạng di động đều có app; gần chục app gọi xe công nghệ, đặt đồ ăn, giao hàng...

Kết hợp với những app gần như mặc định có sẵn trên smartphone như email, trình duyệt, SMS, gọi điện, ứng dụng OTT, mạng xã hội... smartphone của mỗi người dùng hiện nay đều chứa 20 - 30 app.

Khi đại dịch COVID-19 hoành hành tại Việt Nam, hàng chục app quản lý việc đi lại, khai báo y tế đã được các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp phát triển "nóng". Thậm chí nhiều tỉnh thành khác cũng có ứng dụng riêng. Nhưng đến nay, phần lớn các ứng dụng nêu trên đã rơi vào quên lãng, nhiều người đã gỡ khỏi điện thoại.

Người Việt dùng hơn 20 app/tuần

Theo báo cáo "Những ứng dụng di động phổ biến với người Việt 2023" của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me công bố tháng 3-2023, số ứng dụng được người Việt dùng trong một tuần trung bình là 20,5. Con số này đã giảm so với năm 2022 - khi còn ảnh hưởng nhiều của đại dịch COVID-19 - với 25,7 ứng dụng.

Một xu hướng khác là số lượng người cài đặt các ứng dụng đặt xe, giao đồ ăn tăng vọt từ 27% lên 42%. Trong hạng mục ứng dụng thanh toán, ngân hàng, tài chính, nhiều ứng dụng đã trở nên phổ biến. Người dân, đặc biệt là giới trẻ hiện ngày càng quen với việc cài app để thanh toán không tiền mặt.

Người trẻ Việt "ăn qua app"Người trẻ Việt 'ăn qua app'

Theo báo cáo về thị trường giao đồ ăn 6 nước ASEAN của Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của dịch vụ này tại Việt Nam trong năm 2022 là 1,1 tỉ USD. Đằng sau con số tỉ đô người trẻ Việt đã chi để "ăn qua app" này là gì?.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp