Vài ba lần đối phương dễ cảm thông, nhưng về lâu dài điều này sẽ gây tổn thương mối quan hệ gia đình.
Không khí gia đình nặng nề thêm
"Em về sớm, có mớ rau cũng không xào. Tôi có việc mới về trễ, bình thường tôi nấu thì bữa nay em cũng phải biết tự nấu chứ", anh K.P. (TP.HCM) nạt vợ. Chị vợ chưa kịp nói gì, anh nạt tiếp: "Không lo đi nấu đi. Tôi còn đi đón con".
Tưởng đã yên ổn, lúc ăn cơm cơn thịnh nộ của anh P. lại bùng lên. Vừa gắp đũa rau, anh khựng lại rồi nói lớn rằng mặn chát sao mà ăn nổi. Chị im lặng ngồi ăn, vờ quay qua gắp thức ăn cho con để không làm anh tiếp tục bùng ngọn lửa bực tức.
Kể lại chuyện này, chị vợ giải thích có hôm chị tự nấu thì anh chê mặn lạt, rồi nói để anh về nấu. Hôm nay chị cũng nghĩ vậy, ai ngờ anh phản ứng quá dữ dội. "Bình thường lúc vui vẻ, ảnh là người luôn chăm lo, bảo ban gia đình. Mọi việc đối ngoại ảnh đều chu toàn. Nhưng hễ có gì không vừa ý là ảnh lớn tiếng, rồi nói tôi sao không làm như vầy, như kia", chị tâm sự.
Chị nhớ lại những khi chồng kể chuyện trên công ty. Vì là sếp một bộ phận phải đảm đương doanh số bán hàng, anh thường than phiền nhân viên không chủ động, anh phải lo toan nhiều thứ. Chị có cảm giác khi về đến nhà, công việc quản lý, chỉnh đốn đã lậm vào tính cách anh. Và bất cứ khi nào có điều gì không vừa ý, anh lại chuyển sang giọng... chỉ đạo.
Không chỉ với vợ con, mà với người thân, anh P. cũng trong tâm thế cho rằng quan điểm của mình đúng. Khi mọi người trong nhà có việc cần bàn, như tổ chức đám cưới cho em trai, anh luôn là người nói nhiều nhất.
Dù ban đầu có lắng nghe ý kiến của thành viên khác nhưng sau đó, anh lại lèo lái quay lại quan điểm của mình. Hoặc có những việc người trong cuộc đương nhiên biết bản thân phải làm gì, anh cũng tuôn trào ý kiến chỉ dẫn.
Đỉnh điểm, có lần anh chỉnh cả mẹ: "Sao mẹ không làm như con nói". Sau đó, trong một vài lúc thoải mái tinh thần, anh tự nhận dạo này mình hay ăn nói "xà lơ". Rồi đâu lại vào đó.
Còn chị Bích Ngọc bình thường rất hài hước, khi "lên cơn" thì bất chấp, hành xử trong gia đình theo kiểu lấn át người khác.
Hai vợ chồng hay bất đồng quan điểm trong cách dạy con. Có lần, thấy con ham chơi không chịu vào học bài, chị dọa sẽ cho ăn đòn. Chồng chị nói mai là chủ nhật, cho con chơi chút nữa, mai rồi học.
"Sắp thi rồi không lo học. Chơi thì lúc nào chơi chẳng được. Tôi dạy bao nhiêu đứa trên trường, để tôi dạy nó". Nghe câu nói của chị, anh lặng thinh.
Hóa giải cách nào?
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, đa số người ở vị trí quản lý thường dễ bị stress, nào là doanh số, nhân lực, vay vốn... Một người phải đóng nhiều vai nên luôn lo toan, áp lực, chỉ một chuyện nhỏ cũng làm họ cáu gắt. Trong công ty, họ đã sẵn bực bội chuyện công việc, về nhà cũng là con người đó với những stress đó. Khi cha mẹ, anh chị, vợ chồng tiếp xúc, họ dễ bùng nổ, không kiềm chế được.
Với những kích thích nhỏ nhưng đối phương nổi giận, chúng ta có thể đáp lại nhẹ nhàng để người kia nhận ra sự vô lý của mình. Bà Tâm lấy ví dụ một anh chồng đi làm về, nghe vợ kể chuyện đi họp phụ huynh mà con có điều chưa tốt về học tập. Vừa nghe, chồng bật lại: "Em dạy con kiểu gì vậy?". Lúc này, người vợ có thể nói: "Em chỉ thông tin cho anh vậy thôi. Chứ bây giờ chuyện con cái từ từ mình giải quyết chứ sao tự nhiên anh giận dữ vậy". Người kia sẽ nhận ra bản thân vô lý nhờ vào sự bình tĩnh của người vợ, và giật mình nhìn lại.
Không chỉ người quản lý, cả nhân viên, người bình thường đi làm cũng có những căng thẳng. Và khi họ xả cơn nóng giận, người thân thường chịu đựng hoặc bị tổn thương mà không nói.
Bà Tâm cũng cho rằng thói quen chịu đựng này là không nên, thay vào đó cần có sự phản hồi để người kia biết rằng họ đang biểu hiện "kỳ cục". Sự phản hồi này nên thể hiện nhẹ nhàng, như "Ủa chuyện này có lớn lao gì đâu, sao em la um sùm vậy"...
Ai cũng hay cho rằng mình đúng. Họ thường nổi giận khi có chuyện trái ý, trái quan niệm. Khi chúng ta "phản tỉnh" họ bằng những câu nhẹ nhàng như trên, có thể lúc đó họ vẫn cãi, vẫn xù lông nhím.
Nhưng sau đó họ dịu xuống và nghĩ lại: "Ờ ha, sao lúc này mình dễ nóng giận, mình vô duyên vậy. Người kia đâu làm gì mình".
Khi nhận được nhiều phản hồi, người nổi giận sẽ nhận ra: "Có vẻ dạo này ai cũng đều nói là mình kỳ cục".
Một điều nữa, người đó phải có khả năng nhìn nhận lại chính mình, thấy được mình đang có vấn đề gì về mặt cảm xúc, về sức khỏe tinh thần.
Thạc sĩ Tâm cho biết: "Những cơn nóng giận là dấu hiệu báo động cơ thể và tâm trí có vấn đề. Chúng ta có thể nhìn lại mình sống thế nào mà lúc này mình mệt mỏi, lúc nào cũng ồn ào, tức tối và nóng giận như vậy. Một cơn giận làm tim ta nghẹt lại. Chúng ta phải có biện pháp. Một là dừng bớt lại, hai là tìm đến sự trị liệu, ba là có những liệu pháp thư giãn".
Người thân của nhau còn có thái cực một là hiền lành, đôi khi nhu nhược, một là thường xuyên lấn lướt, quát tháo. Nhưng trong cuộc sống gia đình, chúng ta nên linh hoạt, có lúc là người bạn, người chồng, có lúc là người thầy, người khuyên giải.
Điều này đòi hỏi sự linh hoạt của mỗi người để hóa giải tình huống và giữ được sự êm thấm trong gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận