Để được hưởng mức thuế tối ưu trong TPP, ngành dệt may VN phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn, trong đó thách thức nhất vẫn là nguồn gốc xuất xứ từ sợi trở đi - Ảnh: Thanh Tùng |
Chủ đề hội thảo là làm thế nào để công ty phát triển bền vững.
Ngay từ đầu, giám đốc các công ty con và lãnh đạo các phòng ban đều có chung ý tưởng đề xuất các phương án kinh doanh mới dựa trên những cơ hội mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại.
Điều gây thú vị là đơn vị này không có sở trường về nông nghiệp nhưng đa số các ý tưởng kinh doanh táo bạo nêu ra tại hội thảo lại tập trung vào ngành này. Họ tỏ ra rất nhạy bén trước chủ trương ưu tiên phát triển nông nghiệp của Chính phủ khi Việt Nam tham gia vào TPP.
Các giám đốc tỏ ra rất thông thạo trong việc tìm ra các giải pháp để giải quyết bài toán “giới hạn cứng”, tức tìm ra vốn cho các cơ hội đầu tư mới và tiềm năng này. Song họ lại bế tắc trước “giới hạn mềm”, đó là tìm ra người tài và cơ chế.
Trước hết, tìm đâu ra những người tài giỏi để triển khai các dự án này? Những người tài giỏi thật sự liệu có ai có động lực làm việc ở các doanh nghiệp nhà nước (DNNN)?
Ngay cả khi tìm được người tài đầu quân, các diễn giả tham gia hội thảo còn lo lắng nguy cơ lớn nhất làm cho doanh nghiệp không thể tận dụng được các cơ hội mà TPP mang lại là cơ chế quản lý trì trệ từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Các giải pháp tưởng đi vào bế tắc thì cuộc hội thảo trở lại sôi nổi và phấn khích trước thông tin Chính phủ đã đồng ý bán toàn bộ vốn tại các DNNN lớn. Từ thông điệp này, lãnh đạo tổng công ty cho biết sẽ quyết tâm hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa vào cuối năm nay.
Các diễn giả tham gia hội thảo đồng loạt nhận định việc Chính phủ đồng ý bán toàn bộ vốn thậm chí cả những DNNN lớn nhất và kinh doanh hiệu quả nhất cũng có nghĩa là phần lớn các quyền lực mềm mà lãnh đạo các DNNN thật tâm muốn cổ phần hóa sợ nhất đã được tháo gỡ.
Điều này chắc chắn sẽ tạo ra động lực lớn để các DNNN mạnh dạn đề xuất các ý tưởng kinh doanh để hấp thụ các cơ hội mới mở ra từ TPP.
Từ đây cũng phát sinh lo lắng là bán cổ phần thế nào để không bán rẻ tài sản quốc gia nhưng không vì thế mà trì hoãn việc cổ phần hóa.
Ngoại trừ chiêu trò tung hứng giá dẫn đến thất thoát vốn phải được giám sát triệt để, cần có cách tiếp cận mới về giá bán cổ phần tại các DNNN cổ phần hóa. Nếu trong thời gian rất dài mà giá bán cổ phần vẫn giảm, không tăng lên như kỳ vọng thì xử lý thế nào?
Nếu tình trạng này xảy ra, việc chờ đợi đến khi giá cổ phần tăng cao, các DNNN mới chịu cổ phần hóa sẽ là tính toán sai lầm vì có thể họ bỏ qua các cơ hội mà TPP mang lại. Bởi lẽ thời mà giá cổ phiếu cao ngất ngưởng không bao giờ hay rất lâu nữa mới quay trở lại.
Hơn nữa, với những yếu kém hiện tại và không còn được “chống lưng” từ phía Nhà nước như trước đây vì phải tuân thủ những điều khoản không được bảo hộ DNNN trong hiệp định TPP, khu vực DNNN sẽ khó khăn.
Các DNNN không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải cổ phần hóa thật sự, nghĩa là sau cổ phần hóa sẽ không còn bất kỳ sự can thiệp nào từ phía Nhà nước. Với tình hình mới, với các DNNN, thoái vốn còn hơn là sau này mất vốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận