Nguyên nhân
- Quá trình lão hóa: Sau tuổi 40, sự tái tạo xương và sụn mới của khớp gối bị giảm dần, nhưng quá trình tiêu hủy xương và sụn cứ tiếp tục tiếp diễn, làm cho khớp gối thoái hóa dần theo qui luật tự nhiên.
- Do chấn thương nặng như: chơi thể thao, tai nạn giao thông hay nhẹ nhưng lặp đi, lặp lại nhiều lần như: đi nhiều, đứng lâu, thường lên xuống cầu thang bộ, thói quen ngồi xổm… làm cho 2 phần sụn của khớp gối va chạm và đụng dập gây mòn và hư khớp.
- Thừa cân, béo phì: khớp gối là nơi gánh chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể, khi bị quá tải kéo dài dễ gây ra tình trạng thoái hóa khớp sớm.
- Sử dụng thuốc kéo dài: một số thuốc khi sử dụng kéo dài hay quá liều dễ gây ra tình trạng loãng xương và thoái hóa khớp, đặc biệt nhóm kháng viêm giảm đau thường gặp là Corticoide.
- Chế độ sinh hoạt, làm việc và ăn uống: những người thường xuyên làm việc trong môi trường thiếu ánh nắng mặt trời, ít vận động thể lực, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, không có thói quen uống sữa, đặc biệt phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh… là nhóm những người có nguy cơ cao về loãng xương và thoái hóa khớp.
Điều trị đúng cách
Giai đoạn sớm:
- Dấu hiệu nhận biết sớm nhất là đau, đau nhiều khi đi lại, ngồi xuống đứng dậy, lên xuống cầu thang, thỉnh thoảng có sưng nề hay nghe tiếng lạo xạo trong khớp…
- Ở giai đoạn này nên hạn chế áp lực tì đè lên khớp gối, bằng cách thay đổi một số vận động như: chạy nhảy, đi bộ bằng những môn tập như bơi lội, đạp xe đạp, những bài tập thể dục tại chỗ…
- Có thể dùng một số thuốc hỗ trợ, tăng cường nuôi dưỡng và tái tại sụn khớp như glucosamin, chondroitin, canxi, các thuốc bơm trực tiếp vào khớp như sodium hyaluronate…
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, cấy ghép tế bào gốc, ghép sụn tự thân… là những phương pháp mới được nghiên cứu và áp dụng điều trị thoái hoá khớp gần đây, bước đầu đã cho một số kết quả khả quan và đầy triển vọng.
Giai đoạn muộn:
- Khớp gối đã có dấu hiệu biến dạng cong vẹo, đi lại khó khăn và đau ngày càng tăng.
- Các thuốc hỗ trợ điều trị trong giai đoạn này gần như ít có tác dụng, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật.
- Phẫu thuật nội soi cắt lọc: mục đích là súc rửa khớp, lấy các mảnh sụn vỡ, cắt lọc mô viêm.
- Cắt xương chỉnh trục: phẫu thuật chỉnh lại trục của khớp nhằm giảm biến dạng cong vẹo, phân bố lại lực tì đè trên khớp.
- Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo: là phẫu thuật dùng một hợp kim đặc biệt, bọc lại 2 đầu khớp đã hư, đồng thời chỉnh sửa lại biến dạng của khớp. Đây cũng là giải pháp tối ưu cuối cùng cho điều trị thoái hóa khớp nặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận