Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, tháng 1-2020 - Ảnh: EPA-EFE
Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1-2020 và các điều kiện thỏa thuận bắt đầu sau đó 1 tháng, trong đó Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa trong giai đoạn 2020 - 2021 so với năm 2017.
Nhưng báo cáo do Viện Kinh tế quốc tế Peterson công bố ngày 7-2 cho thấy xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 1 của Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2020 đã thấp hơn 40% so với mục tiêu.
"Chính quyền ông Biden có kế hoạch xem xét lại thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà cựu tổng thống Trump đã ký với Trung Quốc vào cuối năm 2019. Tốt. Phần lớn thỏa thuận đều thất bại" - nhà kinh tế Chad Bown viết trong báo cáo, dựa trên dữ liệu thương mại của Mỹ được công bố ngày 5-2.
"Dựa theo năm đầu tiên của thỏa thuận, Trung Quốc không đáp ứng cam kết. Sự tàn phá kinh tế của đại dịch COVID-19 chỉ là một phần nguyên nhân. Nỗ lực quản lý thương mại - nhằm đáp ứng mục tiêu của ông Trump là giảm thâm hụt thương mại song phương - đã thất bại ngay từ đầu".
Báo cáo cho biết nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong thỏa thuận giai đoạn 1 trong năm 2020 cao hơn 13% so với 2019. Việc mua hàng hóa sản xuất theo thỏa thuận của Trung Quốc chỉ đạt 57% mục tiêu, trong đó ôtô, xe tải và phụ tùng chỉ đạt 40%; máy bay, động cơ và phụ tùng chỉ đạt 18%.
Chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn đã vượt mục tiêu 27%, nhưng theo báo cáo, đó là do các khách hàng Trung Quốc, bao gồm cả Huawei, mua hàng dự trữ để đề phòng việc Mỹ hạn chế xuất khẩu một số sản phẩm vì lý do an ninh quốc gia.
Doanh số bán sản phẩm y tế sang Trung Quốc đạt 111% mục tiêu do nhu cầu từ đại dịch COVID-19.
Xuất khẩu nông sản thấp hơn 18% so với mục tiêu, còn nhập khẩu các sản phẩm năng lượng thì Trung Quốc chỉ đáp ứng 37% cam kết.
Dữ liệu hải quan Mỹ công bố vào tuần trước cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ khi ông Trump phát động cuộc chiến thương mại vào năm 2018. Điều này một phần do Trung Quốc mua hàng hóa nông nghiệp, nhưng cũng do thuế quan khiến hàng hóa Trung Quốc đắt hơn và chuyển hướng nhu cầu mua hàng sang thị trường khác.
Thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc giảm xuống còn 310,8 tỉ USD trong năm 2020, giảm từ 419,5 tỉ USD của năm 2018 - năm thương chiến bắt đầu.
"Có một số yếu tố đáng được duy trì và xây dựng, như cam kết của Trung Quốc trong việc giảm các hàng rào phi thuế quan liên quan đến an toàn thực phẩm và mở cửa cho đầu tư nước ngoài, hay Trung Quốc đồng ý ngăn chặn các vi phạm sở hữu trí tuệ", kinh tế gia Chad Bown cho biết.
"Nhưng mục tiêu giảm thâm hụt thương mại song phương - trọng tâm của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của ông Trump - nên bị loại bỏ. Các cam kết mua hàng chỉ gây mất lòng tin đối với các quốc gia muốn giải quyết mối quan tâm chung của họ là Trung Quốc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận