Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: AFP
Vấn đề Hong Kong có khả năng ảnh hưởng tới quá trình đàm phán thương mại. Trung Quốc sẽ phải phản ứng nếu ông Trump ký dự luật này.
Trang Politico dẫn một nguồn thạo tin cho biết.
Ngày 22-11 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc có thể đã "rất gần" thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tuyên bố muốn đạt thỏa thuận với Mỹ.
Bình luận tích cực này ngay lập tức giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm cùng ngày, với hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng có phiên tăng mạnh nhất trong một tuần "lờ đờ".
Không ai nhường ai
Những tuyên bố tích cực chung chung trên chỉ là bức bình phong che giấu tình trạng rối như tơ vò của Mỹ và Trung Quốc khi cả hai chưa thể thuyết phục được đối phương ưng thuận các đòi hỏi của mình. Điều đó dễ thấy ngay trong phát biểu tưởng chừng lạc quan của hai nhà lãnh đạo này.
Phát biểu trên chương trình "Cáo và những người bạn" của Đài Fox News, ông Trump khẳng định Chủ tịch Tập Cận Bình mới là người nóng lòng ký thỏa thuận, còn ông không hề vội. "Chúng tôi đang nhận hàng trăm tỉ USD từ thuế quan" - ông Trump tuyên bố bằng một giọng điệu thờ ơ.
Trước đó cùng ngày, ông Tập Cận Bình nói rằng Bắc Kinh muốn đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ nhưng với điều kiện "trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau". Rõ ràng, nếu hai bên đến giờ đã giải quyết êm xuôi các đòi hỏi của nhau, ông Tập sẽ không đưa ra một phát ngôn có vấn đề như vậy. Hơn nữa, đây còn là những bình luận đầu tiên của ông Tập về thỏa thuận trên. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tuyên bố không ngại đáp trả nếu cần thiết.
Sự không hài lòng về nhau cũng xuất hiện trong tuyên bố sau đó của Tổng thống Trump. "Tôi không thích ông ấy dùng từ "bình đẳng" đâu nhé!" - ông Trump nêu rõ. Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng Mỹ đang "bắt đầu từ sàn nhà", còn Trung Quốc "vốn đã ở trần nhà" vì thu về 500 tỉ USD một năm từ Mỹ do thâm hụt thương mại.
Với việc hai bên chưa thể giải quyết nhiều bất đồng và sẵn sàng đọ kiên nhẫn như vậy, việc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 bị lùi sang tận năm 2020 như một số nguồn tin tiết lộ trong tuần này là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Trump khó xử với Hong Kong
Giữa thế bí chưa tìm ra lối thoát đó, giới quan sát đang đổ dồn sự chú ý vào đặc khu hành chính Hong Kong để tìm cánh cửa mới. Sau khi Thượng viện cùng Hạ viện Mỹ thông qua "Đạo luật nhân quyền và dân chủ Hong Kong", các chuyên gia cho rằng ông Trump có thể dùng dự luật này để gây sức ép lên Trung Quốc.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ông Trump xem vấn đề Hong Kong là một con bài quan trọng để tác động lên cuộc đàm phán thương mại, hay chính vấn đề Hong Kong đang khiến ông khó xử?
Trong tuyên bố ngày 22-11, một mặt nói rằng cơ hội đạt được thỏa thuận với Trung Quốc là "rất tốt đẹp", ông Trump cũng cảnh báo tình trạng bất ổn ở Hong Kong đang là "một nhân tố gây phức tạp" đối với nỗ lực này.
Ông chủ Nhà Trắng còn tuyên bố: "Nếu không nhờ tôi, Hong Kong đã bị xóa sổ trong 14 phút. Ông Tập có một triệu quân đang đứng chờ bên ngoài Hong Kong, nhưng họ không tiến vào vì tôi đã yêu cầu ông ấy: Đừng làm như vậy, vì ông sẽ phạm sai lầm lớn và điều đó có tác động vô cùng tiêu cực tới thỏa thuận thương mại".
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ đã từ chối trả lời liệu ông sẽ ký dự luật trên hay không. Theo Đài CNN, điều này gây ra cảm giác khó hiểu và lo lắng cho Quốc hội Mỹ. Sự mập mờ lại càng mập mờ khi ông Trump tuyên bố: "Chúng tôi phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi cũng sát cánh với Chủ tịch Tập".
Tổng thống Trump có thời hạn 10 ngày, ngoại trừ các chủ nhật, để quyết định ký hay phủ quyết dự luật. Nếu dự luật trên trở thành luật, tác động lớn nhất có lẽ là khả năng Hong Kong bị hủy bỏ vị trí hưởng các ưu đãi đặc biệt từ Mỹ vốn đã tạo ra sự khác biệt giữa đặc khu này và phần còn lại của Trung Quốc.
Theo báo New York Times, việc tổng thống Mỹ tỏ dấu hiệu muốn đưa vấn đề nhân quyền - dân chủ ở Hong Kong vào cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh khiến ông hứng chỉ trích từ các thành viên lưỡng đảng.
Họ cho rằng cách tiếp cận này có nguy cơ thỏa hiệp vai trò "người bảo vệ dân chủ" của Mỹ trên toàn cầu. Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott thuộc Đảng Cộng hòa đánh giá nếu ông Trump phủ quyết dự luật, đó sẽ là sai lầm. "Nó còn quan trọng hơn cả thỏa thuận thương mại" - ông bình luận. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nếu ông Trump ủng hộ dự luật, quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể càng thêm rắc rối.
Thỏa thuận giai đoạn 1 chỉ là biểu tượng?
Ông Stephen Roach, nhà kinh tế hàng đầu ở Đại học Yale (Mỹ), nhận định với kênh CNBC rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ - Trung là "rỗng tuếch, không hoàn mỹ và buồn cười". Theo ông, việc đạt được thỏa thuận sẽ chỉ là một chiến thắng về chính trị, chứ không phải là động thái hiệu quả giúp giải quyết các vấn đề còn tồn đọng vốn đã châm ngòi thương chiến.
Trong diễn biến liên quan, báo Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho hay Trung Quốc đã mời các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ tới Bắc Kinh để bắt đầu vòng đàm phán mới, có thể trước lễ Tạ ơn vào ngày 28-11 tới. Tuy nhiên, không rõ hai ông Trump - Tập có thể ký được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trước ngày 15-12 hay không - thời điểm gói thuế bổ sung Mỹ áp lên khoảng 156 tỉ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực, gồm đồ điện tử và đồ trang trí lễ Giáng sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận