Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và người đồng cấp Malaysia Najib Razak duyệt đội danh dự ngày 1-11 - Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai tiết lộ thông tin trên với tờ The Star ngày 31-10. Nhưng đó chỉ là 1 trong số 14 thỏa thuận mà Kuala Lumpur sẽ ký với Bắc Kinh, trong chuyến thăm kéo dài 6 ngày tới Trung Quốc của Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
“Đây là thỏa thuận lớn nhất mà Malaysia từng ký với Trung Quốc” - ông Liow nhấn mạnh, đồng thời lạc quan rằng dự án sẽ góp phần cắt giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa ở Malaysia.
“Trong vòng 7 năm, Malaysia sẽ không phải trả bất cứ tiền gì, kể cả lãi và nợ gốc” - Bộ trưởng Liow cho biết, đồng thời tiết lộ giai đoạn đầu tiên trong dự án 600km đường sắt sẽ được khởi công vào năm tới và hoàn thành sau 5 năm. Malaysia sẽ có hơn 20 năm để trả nợ cho Trung Quốc với mức lãi suất rất hấp dẫn và “thấp hơn thị trường thế giới”.
Trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã trước thềm cuộc hội kiến với người đồng cấp chủ nhà Lý Khắc Cường, thủ tướng Malaysia cho biết một “thỏa thuận quốc phòng chiến lược” sẽ được ký kết trong thời gian ông ở Trung Quốc, nhưng không cho biết thêm thông tin chi tiết.
Trước đó ngày 27-10, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein không biết “vô tình” hay “hữu ý” đã tiết lộ chuyện Kuala Lumpur sẽ mua tàu tuần tra hải quân từ Trung Quốc. Thông tin này ngay sau đó đã được gỡ bỏ khỏi trang Facebook của ông này. Giới quan sát nhận định thỏa thuận này là bước đi quan trọng của Bắc Kinh trong việc mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á.
Ông James Chin, giám đốc Viện châu Á tại ĐH Tasmania của Úc, cho rằng trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung với Malaysia đang trong thời kỳ đóng băng vì vụ bê bối 1MDB (Quỹ 1Malaysia Development Berhad bị thất thoát hàng tỉ USD, trong đó một khoản tiền không nhỏ được cho là chui vào túi riêng của Thủ tướng Najib), Trung Quốc đã chìa tay về phía chính quyền của Thủ tướng Najib và không việc gì khiến ông ngại ngần nắm ngay lấy cơ hội.
Malaysia và các cảng biển của nước này cũng nằm trong sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc và việc Trung Quốc giúp Kuala Lumpur xây dựng đường sắt cũng nằm trong tính toán đó. Từ Trung Quốc, hàng hóa có thể được chuyển bằng đường biển tới các cảng nằm trên bờ đông bán đảo Mã Lai, rồi vận chuyển bằng đường sắt tới bờ tây để tiến vào Ấn Độ Dương, thay vì phải đi vòng xuống eo Malacca như trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận