Thỏa thuận hòa bình Ukraine: Ông Trump thất vọng với ông Putin lẫn Zelensky

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thất vọng với cả Nga lẫn Ukraine khi lệnh ngừng bắn khó đạt được trong vài tháng tới, buộc Washington phải tính đến các phương án gây sức ép mới.

Ukraine - Ảnh 1.

Một tòa nhà bị phá hủy trong xung đột tại thị trấn Marinka (Maryinka) thuộc vùng Donetsk, khu vực hiện do Nga kiểm soát (ảnh chụp ngày 1-4-2025) - Ảnh: Reuters

Thỏa thuận hòa bình về Ukraine, mà ông Trump hứa sẽ đạt được trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, đang rơi vào bế tắc. Theo Hãng tin Reuters, các quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump đã thảo luận khả năng Mỹ không thể đạt được thỏa thuận trong vài tháng tới và đang xây dựng kế hoạch mới để gây sức ép lên cả Kiev và Matxcơva. 

Thư ký báo chí Carolyn Levitt cho biết ông Trump "thất vọng với cả ông Zelensky lẫn ông Putin".

Vướng mắc đàm phán

Mắc mứu hiện nay là đàm phán ngừng bắn ở Biển Đen "bị đóng băng" khi Nga yêu cầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu nông sản và phân bón, cũng như kết nối ngân hàng nông nghiệp Rosselkhozbank của Nga trở lại với hệ thống thanh toán quốc tế Swift, để đổi lấy việc ngưng bắn tạm thời. Washington đến nay vẫn chưa có phản hồi chính thức.

Theo Đài Fox News, ông Trump cho rằng Nga đang "trì hoãn các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn toàn diện". Tổng thống Mỹ cảnh báo sẽ rất tức giận nếu Nga kéo dài thời gian và nhấn mạnh có một "hạn chót tâm lý" cho Matxcơva, phụ thuộc vào diễn biến của các cuộc đàm phán.

Với Ukraine, ông Trump ngày 31-3 phàn nàn ông Zelensky đang cố rời bỏ thỏa thuận khoáng sản giữa hai nước. Tại cuộc họp báo ở Washington, ông dọa rằng ông Zelensky sẽ gặp "những vấn đề lớn" nếu từ bỏ thỏa thuận này.

Báo Wall Street Journal đánh giá thỏa thuận mà Mỹ muốn Kiev ký kết "là một đề nghị nên bị từ chối". Dự thảo dài 55 trang đòi Ukraine trả lại viện trợ quân sự và tài chính từ Washington. Ông Trump định giá viện trợ ở mức 350 tỉ USD, cao hơn đáng kể so với ước tính khoảng 100 tỉ USD của Ukraine.

Theo dự thảo, một "Quỹ đầu tư tái thiết Mỹ - Ukraine" đăng ký tại bang Delaware (Mỹ) sẽ được thành lập, có quyền ưu tiên lựa chọn các dự án tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng tại Ukraine. 

Các dự án này sẽ trả lợi nhuận vào quỹ do hội đồng quản trị gồm ba người Mỹ và hai người Ukraine điều hành, về cơ bản trao cho Washington quyền quản lý. Các dự án sẽ tránh xuất khẩu khoáng sản quan trọng cho đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ.

Đòn phản công của Nga

Matxcơva đã quyết định thực hiện "cuộc tấn công ngoại giao", như cách gọi của giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược và chính trị quốc tế S. Markov, khi Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ không hài lòng với tiến độ đàm phán.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 1-4 cho biết Nga đã chuyển cho Mỹ, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) và Liên hợp quốc danh sách các mục tiêu mà Ukraine tấn công trong thời gian ngừng bắn 30 ngày đối với hệ thống năng lượng của hai nước, trong khi "Nga vẫn tuân thủ các điều khoản thỏa thuận".

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov tuyên bố: "Nga không hài lòng với sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán và sự thụ động của Mỹ". Ông nói đàm phán đã diễn ra nhiều tuần nhưng Mỹ chưa đưa ra yêu cầu hòa bình với giới lãnh đạo Ukraine. Kết quả là yêu cầu của Nga - loại bỏ nguyên nhân gây xung đột - chưa được thảo luận thực chất.

Trang Ura.ru đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chuẩn bị phản ứng với Kiev vì vi phạm lệnh ngừng bắn. Tại cuộc họp với Hội đồng an ninh Nga ngày 1-4, ông Putin yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov báo cáo về việc thực hiện lệnh tạm dừng tấn công vào hệ thống năng lượng của hai nước. 

Theo ông Alexander Mikhailov - người đứng đầu Cục Phân tích quân sự - chính trị, ông Putin đã "gửi đến Mỹ tín hiệu rằng Ukraine liên tục vi phạm các thỏa thuận và Matxcơva sẽ không dung thứ cho điều này".

Đại biểu Duma quốc gia Mikhail Sheremet cho rằng Nga có thể đơn phương chấm dứt thỏa thuận ngừng tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraine. Theo ông, hành động của Mỹ "tiếp tục ủng hộ chính sách của Zelensky bằng cách cung cấp vũ khí và thông tin tình báo đã khiến việc duy trì lệnh ngừng bắn tạm thời trở nên bất khả thi".

Đài CNN ngày 1-4 đưa tin người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga Kirill Dmitriev sẽ tới Washington trong tuần này để gặp đặc phái viên của ông Trump về Trung Đông, Steve Witkoff, "nhằm đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine". Chuyến đi này là chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao Nga tới Washington kể từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine vào năm 2022.

Các bên đều tỏ thái độ cứng rắn

Trong khi ông Trump đặt "hạn chót tâm lý" cho Nga về việc ngừng bắn, Matxcơva đang thực hiện chiến lược gây áp lực ngược. Nga chuyển cho các tổ chức quốc tế bằng chứng về việc Ukraine vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tạm thời.

Đồng thời Điện Kremlin chuẩn bị các phương án đáp trả, thậm chí có thể đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hiện tại. Thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine cũng trở thành điểm nóng khi Washington và Kiev bất đồng lớn về giá trị viện trợ.

Thỏa thuận hòa bình Ukraine: Ông Trump thất vọng đôi đường - Ảnh 2.Nga và Ukraine không kích cơ sở năng lượng của nhau bất chấp thỏa thuận

Cả Nga và Ukraine trong hôm nay đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận tạm ngừng tấn công các cơ sở năng lượng, với mỗi bên phóng đi hàng chục drone tấn công.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp