- Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Tôi không có ý thức viết cho giới trẻ hay không trẻ. Nhưng tôi tin không chỉ mấy tác phẩm anh kể mà toàn bộ tác phẩm của tôi, tôi đều viết cho các bạn trẻ, tức là viết cho một thời của tôi, một phần đời của tôi. Cái lung linh của một thời ấy đã làm nên giá trị của đời tôi bây giờ, của thơ tôi bây giờ. Các bạn trẻ hiện nay đã thoát ra khỏi cuộc chiến tranh, đó là hồng phúc của một dân tộc. Ở thời tôi, chúng ta mới nói đến sự hi sinh xương máu mà chưa nói được bao nhiêu sự hi sinh rất lớn khác, đó là hi sinh toàn bộ cái riêng của mình để nhập cuộc. Hi sinh sự học, hi sinh sự yêu để cầm súng ra trận hoặc vào trận ở các vị trí khác nhau. Trong trường ca Một trăm bước cuối cùng, tôi có viết: “Một thế hệ đã vào đời như thế đấy/ Có thể nói cái gì cũng dở dang/ Chỉ tuổi thanh xuân là vẹn nguyên / Hiến dâng cho Tổ quốc”. Các bạn có được tuổi thanh xuân vẹn nguyên để học, để yêu, để sống như mình muốn, để dâng cho chính mình. Cái đó ở thời tôi, tôi và nhiều bạn tôi không có. Ngay nhà thơ Trần Đăng Khoa, làm thơ từ tuổi trẻ con, cũng có lần nói rằng: “Tôi không có thời thiếu nhi” vì phải tự nguyện làm ông cụ non. Vậy các bạn trẻ đừng phung phí vào những trò vô bổ, vì thời của các bạn đẹp đẽ và hạnh phúc đến mức thế hệ tôi có nằm mơ cũng không thấy, chỉ đến với các bạn có một lần.
* Bài Thơ tình ngày không em có phải ông viết về mối tình đầu của mình? Mối tình mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã ứng khẩu đùa ông: “Thề không lấy vợ suốt đời / Hôm nay bỗng thấy một trời nhớ nhung”. Ông có kỷ niệm gì khi viết bài thơ ấy?
- Vâng, đúng thế! Dạo đó, khi đến với người yêu, tôi phải báo cáo với chi đoàn, nói chuyện với nhau phải có người thứ ba cùng nghe. Đêm phải mở toang các cửa, thắp đến hai ngọn đèn to, ngồi cách nhau một cái bàn. Các bạn trẻ bây giờ nghe thế chắc khó tin là thực. Có tội tham ô (ăn cắp) chỉ bị khiển trách, phê bình là nặng rồi, còn “quan hệ nam nữ bất chính”, dù chỉ hai người ngồi “bí mật” với nhau trong đêm, đã bị kiểm điểm rồi. Không ít trường hợp bị đuổi việc, chưa về đến quê thì thông báo đã về đến quê rồi... Đến nhà thơ Xuân Diệu làm thơ tình, với cái sự “cầm tay” nhau thôi cũng phải theo đúng “quy chuẩn”: “Một tuần công việc tạm xong/ Cầm tay chủ nhật hòa trong phố người”. Tôi đã bị buộc phải dự những cuộc kiểm điểm thâu đêm suốt sáng một đôi tình nhân, cứ bắt họ phải thuật lại cụ thể cái sự ấy nó đã diễn ra, rồi lại diễn ra làm sao, theo thứ tự thế nào, “khoan đã, để tôi hỏi thêm...” anh nào anh ấy, kể cả cấp trên về dự họp và chỉ đạo cuộc kiểm điểm, mặt mũi cũng cứ sáng quắc, râu ria đều động đậy. Tôi thấy vô cùng xấu hổ mà mặt mũi các quan xí xớn bừng bừng...
Sau này, người yêu tôi đã đi với người khác. Chính anh bạn trai có được người yêu tôi đã vui vẻ tiếp tôi, tiễn tôi ra tận đường ôtô. Sau này, anh là người chồng rất yêu vợ, tôn trọng vợ và luôn có quan hệ rất tốt với tôi. Có lẽ vì thế, mối tình mây nước ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Và tôi làm thơ vì sự ám ảnh ấy: “Nước mây, tình tuổi đôi mươi / Mà trôi nổi đến cuối đời, lạ chưa / Mỗi lần qua đoạn đường xưa / Chỉ mong một thoáng bất ngờ thấy em...”.
Thơ tôi không phải là thơ tán gái như số đông thơ tình bây giờ. Bài Thơ tình ngày không em cũng thế thôi. Ruột gan có nỗi niềm gì cứ thế nó trào ra, rất tự nhiên. Trong bài thơ Vào phút ấy thì em nên đến nhé... cũng thế, có đoạn: “Ta đã không nhau tất cả mọi ngày đêm / Vào phút ấy thì em nên có nhé / Dù bận thế nào, em cũng nên lặng lẽ... / Đi theo anh... chỉ một đoạn đường thôi...”. Tôi đã đọc bài thơ này ở một trường cao đẳng sư phạm, nhiều người đã khóc.
* Có người nói rằng có một người con gái đã bước vào cuộc đời ông, xuyên suốt trong con đường thơ của ông, hình ảnh nàng hoàn toàn có thật đằng sau những bài thơ tình. Điều này có đúng không, thưa ông? Ông tự cho mình là người viết những bài thơ tình “đích thực”. Tại sao gọi là “đích thực”?
- Đúng thế đấy. Ai cũng có một hai mối tình vắt vai rồi treo trước cửa phòng cưới. Tôi cũng vậy. Và mối tình ngoài tầm tay ấy cứ ám ảnh mình mãi, dù biết nếu lấy nàng chắc gì đã hơn người vợ hay cáu gắt của mình bây giờ. Tôi có câu thơ: “Vợ mình không cáu gắt / Ấy là điều rất hay” là tôi nói ngược lại để khuyên nhủ.
Tôi gọi thơ mình là thơ tình “đích thực” vì tôi không bịa ra nó như ông thầy tôi là nhà thơ Xuân Diệu, cũng không nhằm tán tỉnh, rủ rê ai... Nhà văn Nguyễn Đức Tùng trong Đối thoại văn chương bảo: “Thơ Trần Nhuận Minh là thơ tình đích thực chỉ vì nó hay. Thơ tán gái mà hay thì cũng là thơ tình đích thực”.
* Trần Nhuận Minh lúc viết những bài như “Thơ tình ngày không em” với Trần Nhuận Minh bây giờ có gì khác biệt?
- Không có gì khác. Tôi chỉ có một tình yêu duy nhất và trước sau không thay đổi đối với văn chương. Chỉ riêng tình yêu đối với văn chương thôi, tôi đã phải đối mặt với không ít giông bão, đã khổ lắm rồi...
* Ông đã làm nhiều thơ về mùa xuân. Cả tập Nhà thơ và hoa cỏ sau này ông đưa vào phần Mùa xuân trong tập tuyển Bốn mùa. Ông có điều gì tâm đắc từ đề tài này?
- Tôi luôn nghĩ, không phải viết về cái gì mà là viết như thế nào. Mùa xuân luôn mở ra cho tôi những hi vọng. Có một mùa xuân đã đến cùng với đất trời và có một mùa xuân khác nữa, rộng lớn hơn trong khát vọng của tôi, nghĩa là một bước phát triển mới, với những đột phá của đất nước cho tương lai, lúc nào tôi cũng chờ đợi: Có vẻ như mùa xuân sắp sang / Mưa bay lất phất phía đồi hoang / Cành khô nghe gió chừng thôi lạnh / Lá rụng ngàn thu chửa hết vàng.../ Ong bướm đâu rồi chưa thấy bay / Hoa còn ấp cánh dấu trong cây / Không gian thơm thoảng mùi hương lạ / Của những mầm non dưới đất dày.../ Có vẻ Xuân rồi, Xuân hãy đến / Để ta chờ mãi, cớ làm sao... / Em đi khăn ấm che ngang mặt / Nào biết em xinh đến thế nào... Tôi tin là mùa Xuân mong ước ấy sẽ đến, khi đất nước bước lên một tầm cao mới trong sự phát triển của công cuộc hội nhập toàn cầu, thịnh vượng và văn minh.
* Xin cảm ơn nhà thơ.
Áo Trắng số 6 ra ngày 1/04/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận