Ô hay, tại sao là “thở thật thâm sâu”? Suy đi ngẫm lại thì thấy thay vì đề cập “vận động”, người xưa dùng “thở thật thâm sâu” là có dụng ý sâu sắc.
Quan sát một người khỏe mạnh vừa vận động cật lực như sau cuộc chạy bộ, ta thấy người đó thở dồn dập. Thở như thế có thể xem là thở thật thâm sâu. Như vậy, thở thật thâm sâu cũng có thể kể thêm là thở nhờ vận động.
Khuyên “thở thật thâm sâu” người xưa còn muốn ta ngoài thở do vận động, còn nên thở cho thật tốt khi đang ngồi yên, chẳng làm việc gì.
Thở giúp thanh lọc thể chất
Nhờ thở ra hít vào mà cơ thể mới được cung cấp đủ dưỡng khí (tức oxy) từ khí trời đưa vào và thải bỏ thán khí (tức CO2) từ trong cơ thể ra ngoài. Nhờ hít thở mà sự sống được duy trì.
Vận động giúp tăng cường hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó tăng cường hoạt động của hệ hô hấp. Nhờ vận động ta thở thâm sâu hơn. Thở thâm sâu đúng cách do vận động thì sự trao đổi khí ở hệ hô hấp tốt hơn.
Không chỉ thế, từ đó cơ thể bắt đầu chu trình sinh học mới: lượng calo được tiêu thụ nhiều hơn, lượng mỡ trong cơ thể được đốt cháy, thay vì tích tụ lượng đường được tiêu hao tạo năng lượng. Sự trao đổi các chất khác được thúc đẩy để đi đến mục tiêu của sức khỏe là thanh lọc thể chất, chất gì độc bị thải trừ, chất gì lợi sẽ hình thành.
Để thở thâm sâu trong vận động và trong cả nghỉ ngơi, người ta khuyên nên thở bụng hay thở theo cơ hoành: “thóp bụng thở ra, phình bụng hít vào”.
Cần biết, động tác thở được thực hiện với các cơ, trong đó có cơ hoành là cơ nằm ngang giữa ngực và bụng tạo thành cái vòm, mặt trên giáp với tim phổi, mặt dưới giáp với các cơ quan của hệ tiêu hóa. Khi hít thở, cơ hoành hoạt động phối hợp với các cơ bụng, cơ liên sườn, cơ vai...
Lúc cơ hoành hạ xuống, phần dưới lồng ngực nở ra, các nội tạng trong bụng bị dồn xuống, bụng phình lên, lúc ấy không khí bị hút vào. Hít vào phình bụng là vậy. Lúc cơ hoành nâng lên, bụng thóp lại, không khí bị đẩy ra. Thóp bụng thở ra là vậy. Nhìn một em bé đang ngủ, ta thấy rõ động tác phình thóp bụng này.
Nhiều người chưa có thói quen thở bụng đúng cách. Khi vận động, do tập trung vào việc vận động các động tác, rất khó tập trung thở bụng. Vậy ngay sau khi vận động (lúc này rất dễ thở thật thâm sâu), nên dành thời gian nghỉ cho việc tập thở cơ bản là: thóp bụng cho cơ hoành nâng lên để thở và phình bụng cho cơ hoành hạ xuống để hít vào.
Thở giúp thanh lọc tâm ý
Thở thâm sâu còn có tác động giúp thanh lọc tâm ý. Cần biết rằng sự điều chỉnh hoạt động của nhiều cơ quan, đặc biệt là nội tạng, thông thường là tự phát (hoạt động theo thần kinh thực vật), ngoài ý muốn của ta. Ta không thể điều khiển cho nhịp tim đập nhanh hay chậm, dạ dày co bóp nhiều hay ít, mạch máu co hay giãn...
Tất cả những chuyển động ấy đều thoát khỏi ý muốn của ta. Chỉ có hơi thở thuộc hệ hô hấp là vừa tự phát vừa có thể điều khiển, có thể làm chủ theo ý ta. Khi ta không để ý thì vận động của hơi thở là tự phát, còn khi để ý tức tùy vào suy nghĩ của ta mà diễn ra nhanh hay chậm, nông hay sâu, đều hay không đều.
Như vậy, hơi thở là sợi dây liên lạc giữa thân và tâm. Nhiều người cho rằng trạng thái hạnh phúc trọn vẹn (thân tâm an lạc) có thể đạt được khi chúng ta có ý thức rõ ràng về hơi thở của mình. Hãy thở thật thâm sâu: “Hít vào, thấy bụng phình ra; thở ra, thấy bụng xẹp lại” với trạng thái tỉnh thức hoàn toàn.
Chú tâm hoàn toàn vào các hơi hít vào, thở ra là bước đầu đi vào thiền. Rồi, nhờ năng lượng của niệm và định, ta bắt đầu quán chiếu sâu sắc vào thân thể, tâm thức và hoàn cảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận