10/12/2021 08:46 GMT+7

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ cuối: Cuộc chiến trường kỳ với tử thần giấu mặt

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tháng 12-2021 là tròn hai năm các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác định tại Trung Quốc. Nhiều người cho rằng COVID-19 là đại dịch "năm thì mười họa", xảy ra một lần trong đời hoặc trăm năm một lần.

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ cuối: Cuộc chiến trường kỳ với tử thần giấu mặt - Ảnh 1.

Các nhà khoa học Thái Lan lấy mẫu đàn dơi móng ngựa lúc chúng bay đi ăn ở tỉnh Ratchaburi - Ảnh: ADAM DEAN

Đánh giá này có thể chưa chính xác. Tại hội thảo do tổ chức phi chính phủ Trung tâm Vì phát triển toàn cầu (Mỹ) tổ chức vào trung tuần tháng 7-2021, Công ty Metabiota (chuyên mô hình hóa các bệnh truyền nhiễm) dự báo từ 22 - 28% khả năng sẽ bùng phát một đại dịch từ động vật lây sang người với cường độ bằng hoặc hơn COVID-19 trong 10 năm tới và từ 47 - 57% khả năng sẽ xảy ra trong 25 năm tới.

Thành thật mà nói lẽ ra chúng ta phải có thuốc chống nhiều chủng virus từ lâu, kể từ dịch SARS năm 2003... Lý do duy nhất không làm được vì không đủ tiền.

GS.TS VINCENT RACANIELLO

54 năm chưa tìm ra vắc xin và thuốc

Gần đây nhất vào ngày 1-12-2021, tại hội nghị đặc biệt của Đại hội đồng Y tế thế giới ở Genève (Thụy Sĩ), các nước thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đồng thuận một quyết định lịch sử: khởi động quá trình soạn thảo và đàm phán một thỏa ước hoặc một công cụ quốc tế nhằm dự báo, chuẩn bị và đối phó tốt hơn với đại dịch tiếp theo. 

Một cơ quan đàm phán liên chính phủ sẽ được thành lập. Cơ quan này sẽ thông báo kết quả soạn thảo dự thảo thỏa ước vào năm 2024.

Thật ra như trang web khoa học The Conversation nhận định, cuộc chiến ngăn ngừa đại dịch tương lai không hề đơn giản, ví dụ tiêu biểu là quá trình đối phó với virus Marburg. 

Mùa hè năm 2021, một cư dân ở Guinea (Tây Phi) bị sốt, đau đầu, xuất huyết và cuối cùng tử vong vào ngày 5-8. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm virus Marburg. Trong 155 người tiếp xúc với bệnh nhân không ai mắc bệnh. Đây là lần đầu tiên có ca nhiễm virus Marburg ở Guinea. Trước đó chỉ có số ít ca xảy ra ở Nam Phi hoặc ở phía đông châu Phi (CHDC Congo, Uganda, Kenya).

Virus Marburg được phát hiện lần đầu vào năm 1967 tại Marburg và Frankfurt (Đức) cùng lúc ở Belgrade (Serbia). Các nhân viên phòng thí nghiệm đổ bệnh sau khi tiếp xúc với khỉ xanh từ Uganda hoặc với mô của khỉ, sau đó đến các nhân viên y tế điều trị cho họ và gia đình. Trong 31 ca phát bệnh sốt xuất huyết, 7 người ra đi. 

Sau đợt bùng phát đầu tiên này, virus Marburg mất dạng. Năm 1975, virus Marburg tái xuất giang hồ khi một du khách mắc bệnh tại Nam Phi. Từ đó chỉ có vài ca lẻ tẻ rồi đến hai dịch lớn ở CHDC Congo năm 1999 (128 người chết trong 154 ca nhiễm) và Angola năm 2005 (227 người chết trong 252 ca nhiễm).

Virus Marburg gây sốt xuất huyết nghiêm trọng ở động vật linh trưởng (gồm con người) với tỉ lệ tử vong cao (24 - 88%). Dù vậy, 54 năm từ khi phát hiện virus Marburg, đến nay vẫn không có phương pháp điều trị đặc hiệu, không có vắc xin hay thuốc điều trị. Các liệu pháp điều trị chỉ mới được thử nghiệm trên động vật linh trưởng chứ chưa từng thử nghiệm trên người. 

Các nhà khoa học đã biết gần như chắc chắn virus Marburg có nguồn gốc từ động vật nhưng vẫn chưa nhận diện được ổ chứa tự nhiên mà chỉ nghi cho dơi ăn quả Rousettus aegyptiacus ở châu Phi, đồng thời không rõ virus lây truyền từ ổ chứa sang người như thế nào.

Đại dịch trong tương lai chưa rõ diện mạo như thế nào nên từ lâu đã được WHO gọi là "bệnh X". Một buổi sáng giá lạnh vào tháng 2-2018, 30 nhà vi sinh vật học, động vật học và chuyên gia y tế công cộng dự họp tại trụ sở WHO. Nhóm này do WHO thành lập năm 2015 nhằm xác định danh sách các virus đặc biệt nguy hiểm (chưa có vắc xin hoặc thuốc điều trị) để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát toàn cầu.

TS Peter Daszak - người đứng đầu tổ chức phi chính phủ EcoHealth Alliance (Mỹ) - kể lại trên báo The New York Times Magazine, mỗi chuyên gia giới thiệu virus và trả lời chất vấn rồi đến phần thảo luận và bỏ phiếu. Danh sách chốt lại gồm hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), 7 loại virus đường hô hấp, gây xuất huyết hoặc chết người và "bệnh X". 

Nhìn lại đại dịch COVID-19, TS Daszak đánh giá COVID-19 chính xác là "bệnh X", vì đây là loại virus corona mới có đặc tính lây nhiễm cao, tỉ lệ tử vong cao, ban đầu chưa có thuốc điều trị hoặc vắc xin. 

Nguyên nhân vì sao không dễ ngăn virus từ động vật lây sang người? TS Daszak giải thích: Vấn đề không phải là không thể ngăn ngừa. Vẫn có thể ngăn ngừa được nhưng chúng ta không làm...

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ cuối: Cuộc chiến trường kỳ với tử thần giấu mặt - Ảnh 3.

Virus Marburg - Ảnh: NIAID

Chỉ mới nhận diện được 1% virus

Bác sĩ Mark Denison - giáo sư tại Trung tâm y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ) - là người chủ trì nhóm phát triển thuốc remdesivir điều trị COVID-19 của Công ty Gilead Sciences. Ông lưu ý hầu như không thể dự đoán virus nào có thể gây đại dịch, vì vậy từ lâu giới nghiên cứu đã chủ trương phải thiết kế thuốc và vắc xin chống nhiều chủng virus thay vì một chủng. 

Song GS.TS Vincent Racaniello ở Đại học Columbia (Mỹ) giãi bày: "Thành thật mà nói lẽ ra chúng ta phải có thuốc chống nhiều chủng virus từ lâu, kể từ dịch SARS năm 2003... Lý do duy nhất không làm được vì không đủ tiền".

TS Daszak và GS.TS Racaniello đều đánh giá đại dịch tương lai là mối đe dọa vô hình nên không ai sẵn sàng chi tiền dồi dào. WHO hầu như không có tiền. Các nước cho rằng quá tốn kém (trên thực tế Chính phủ Mỹ đầu tư không nhiều cho hai dự án Predict và STOP Spillover). 

Các hãng dược sẵn sàng chi hàng trăm triệu USD để phát triển một loại vắc xin mà mọi người sẽ tiêm hằng năm thay vì đầu tư cho vắc xin chống nhiều chủng virus có hiệu lực kéo dài nhiều năm. Thuốc điều trị cũng tương tự. Thời gian điều trị ngắn còn vài tuần không mang lại lợi ích thương mại so với mỗi ngày mỗi uống thuốc ròng rã nhiều năm.

Một trở ngại lớn hiện nay chưa thể vượt qua là thông tin về virus lây từ động vật sang người quá ít. Ước tính có 1,6 triệu loại virus có thể lây từ động vật sang người nhưng đến nay chúng ta chỉ mới nhận diện chưa tới 1%. 

TS Daszak đã từng đến vùng nông thôn Vân Nam (Trung Quốc) lấy mẫu máu người dân địa phương tìm kháng thể để biết tần suất phơi nhiễm với virus corona từ dơi (kháng thể tồn tại từ 2-3 năm sau khi nhiễm). Ông kể: "Chúng tôi phát hiện 3% cư dân bị phơi nhiễm. Điều này cho thấy virus đã lan tràn với tốc độ đáng kinh ngạc trong sinh hoạt thường ngày ở nông thôn Trung Quốc".

Số lượng virus được phát hiện quá ít, từ đó không có cách nào xét nghiệm phát hiện để bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp. Giống như chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước, không hãng dược nào bào chế thuốc cho virus lạ mà khi xét nghiệm tìm không ra, và không hãng dược nào phát triển cách xét nghiệm virus lạ mà chưa có thuốc điều trị. 

Nói chung, các nước thường so đo "bớt một thêm hai" khi chi tiền cho thuốc hoặc vắc xin chống nhiều chủng virus bởi đắt tiền và kết quả xa vời quá, đặc biệt khi bệnh có nguồn gốc nhiều nước chứ không phải ở nước mình.

Tại Mỹ có một số loài chuột là ổ chứa hantavirus gây bệnh hô hấp ở người. Virus có thể lây khi chúng ta hít phải hơi phân chuột trong lúc dọn dẹp nhà cửa. Virus gây tử vong với tỉ lệ cao đến 38% nhưng không lây từ người sang người nên chẳng ai xem trọng. 

GS.TS Racaniello vặn vẹo: "Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu virus này lây từ người sang người? Chuột còn mang thứ gì khác đe dọa sức khỏe con người hay không? Ấy vậy mà chuột ở Mỹ hầu như không được lấy mẫu để nghiên cứu sâu hơn".

TS Peter Daszak bộc bạch: "Chúng ta thực sự đã bỏ qua cảnh báo. Chuông báo thức đã phát ra với dịch SARS nhưng chúng ta đã nhấn vào nút báo lại. Sau đó đến Ebola, MERS và Zika tấn công. Bây giờ chúng ta đã thức tỉnh, vậy phải suy nghĩ xem nên đi hướng nào".

Tạp chí Science ngày 24-7-2020 đã đăng một nghiên cứu với đầu đề "Hệ sinh thái và kinh tế để ngăn ngừa đại dịch". TS Andy Dobson - giáo sư Đại học Princeton (Mỹ) và các cộng sự đưa ra ba giải pháp để ngăn ngừa đại dịch tương lai gồm giảm phá rừng, hạn chế mua bán động vật hoang dã và theo dõi các virus mới nổi trước khi chúng bùng phát thành dịch.

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 6: Virus lạ như bóng ma âm thầm phát tán Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 6: Virus lạ như bóng ma âm thầm phát tán

TTO - Một con khỉ capuchin nằm dài trên mặt bàn kim loại trong phòng thí nghiệm. TS Alessandra Nava nhẹ nhàng dò mạch nơi đùi khỉ rồi chọc kim lấy mẫu máu đầy lọ. Khỉ được đưa trở lại lồng còn Nava cho lọ máu vào bình nitơ lỏng để bảo quản.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thợ săn virus
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp