05/12/2021 12:24 GMT+7

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 2: Dơi, máu và virus ở rừng Cameroon

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Hoàng hôn buông xuống ngôi làng ở thị trấn nhỏ hẻo lánh Bipindi tại miền nam Cameroon. Nhiều tiếng vù vù vang lên từ khu rừng xung quanh. Bầy dơi ăn quả màu nâu mắt lồi Rousettus aegyptiacus (họ dơi quạ) bay rợp trời.

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 2: Dơi, máu và virus ở rừng Cameroon - Ảnh 1.

Hướng dẫn viên người Pygmy dẫn đoàn khảo sát Cameroon vào rừng - Ảnh: Jean-François Lagrot

Bốn thợ săn virus Innocent Ndong Bass, Aimé Mebenga, Joseph Moudindo và Thomas Atemkem mặc áo blouse trắng, đeo đèn trên trán, mang khẩu trang và găng tay cao su xuất hiện. 

Họ bước khẽ khàng căng hai tấm lưới lớn giữa hai cây cọ raffia trụi lá. Tấm lưới đầu được giăng dưới lòng sông. Tấm lưới còn lại căng ngang con đường mòn trong rừng cách nhà dân khoảng 500m.

Họ dành hầu hết thời gian trên thực địa, kể cả mùa mưa. Đây là công việc mạo hiểm. Khi bắt dơi họ có thể bị dơi cắn và nhiễm bệnh.

JEAN-FRANÇOIS LAGROT

Giăng lưới bắt dơi móng ngựa

Bốn kỹ thuật viên người Cameroon làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu các bệnh mới nổi và tái phát (CREMER) ở thủ đô Yaoundé. Họ đến Bipindi thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt: giăng bẫy dơi để thu thập các dấu hiệu cho thấy có tác nhân gây bệnh lây truyền từ dơi sang người. 

Họ thực hiện chuyến khảo sát với sự hợp tác của Viện Nghiên cứu vì phát triển (IRD) ở Pháp trong khuôn khổ dự án nghiên cứu châu Âu nhằm hiểu rõ những bí ẩn về virus corona.

Chuyến khảo sát do nữ TS virus học Martine Peeters - giám đốc nghiên cứu của IRD - đặt hàng. Dự án châu Âu được khởi xướng từ năm 2016 nhắm đến mục tiêu nghiên cứu 11.000 mẫu vật. TS Peeters giải thích: 

"Chúng tôi tìm thấy rất nhiều loại virus ở dơi như các virus bệnh dại, filovirus (gây bệnh Ebola) và ít nhất 200 loại virus corona khác nhau. 

Trong số này có bảy loại virus lây truyền sang người, trong đó ba loại virus gây bệnh nghiêm trọng. Do đó, thu thập dữ liệu quá trình lây truyền các mầm bệnh từ động vật hoang dã sang người là điều cơ bản để hiểu rõ hơn về đại dịch và có thể lường trước đại dịch sẽ xảy ra".

Các virus gây dịch lớn đương thời như H1N1, MERS, SARS, Marburg, Ebola hay COVID-19 tuy khác nhau về triệu chứng và tác động nhưng đều có một đặc điểm chung. Đó là các bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền từ động vật sang con người. 

Trao đổi với bác sĩ thú y - nhà nhiếp ảnh Jean-François Lagrot người Pháp đi theo đoàn, trưởng nhóm Innocent Ndong Bass cho biết: "Hôm qua chúng tôi đã bắt được 90 con dơi móng ngựa nhỏ (Rhinolophus) ăn côn trùng trong các hang động trên ngọn núi thiêng. Thêm số dơi này, chúng tôi sẽ tăng thêm cơ hội tìm kiếm phát hiện mới trong phòng thí nghiệm".

Công việc thu thập mẫu vật cực kỳ quan trọng: Theo Bộ Y tế Mỹ, các bệnh lây truyền từ động vật sang người đã chiếm 3/4 trong tổng số bệnh truyền nhiễm trong những năm gần đây. 

Báo cáo mới nhất của Nền tảng quốc tế nghiên cứu đa dạng sinh học (IPBES) được công bố hồi tháng 10-2021 đã tính toán hệ động vật trên thế giới là ổ chứa của 1,7 triệu loại virus chưa được phát hiện, trong đó có từ 540.000 đến 850.000 loài có thể gây nguy hiểm cho con người. Quả đúng là một quả bom nổ chậm!

10 giờ sáng. Mặt trời lên cao. Các kỹ thuật viên CREMER lập phòng thí nghiệm dã chiến bên cạnh lều. Một chiếc bàn xếp được mở ra để dụng cụ phẫu thuật và các túi rác kín khí. 

Các kỹ thuật viên mặc bộ quần áo bảo hộ màu trắng bắt đầu lấy mẫu từ dơi. Trán lấm tấm mồ hôi, Innocent cẩn thận lấy mẫu nước bọt, lông, phân và vài giọt máu rồi thả dơi ra.

Công việc lặp đi lặp lại như thế đến chiều tối và kéo dài suốt tuần. Sau đó, các mẫu vật được dán nhãn, phân loại và được chuyển về phòng thí nghiệm của CREMER ở Yaoundé sau khi chuyến khảo sát kết thúc để nhận diện virus nếu có. Kết quả nghiên cứu sẽ được bổ sung vào thư viện các tác nhân lây nhiễm để các nhà khoa học tra cứu.

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 2: Dơi, máu và virus ở rừng Cameroon - Ảnh 3.

Lấy mẫu thịt linh dương lưng đen - Ảnh: Jean-François Lagrot

Lấy mẫu phân khỉ và linh dương

Giữa khu rừng rậm ở biên giới giáp Guinea Xích đạo, nhóm kỹ thuật viên CREMER tiếp tục săn lùng khỉ đột và tinh tinh trong vườn quốc gia Campo Ma'an rộng 2.600km2. 

Lần này họ không lấy mẫu mà thu thập phân, thứ được coi là kho tàng của các nhà virus học. Bọn khỉ lớn không để con người đến gần. Chúng sống ẩn mình giữa cây cối cách xa khu vực dân cư.

TS Peeters cho biết: "Đôi khi phải bám theo dấu vết chúng suốt hai tuần và chỉ mang về 15 mẫu". Nhóm khảo sát ngồi trên hai xe máy chạy trên con đường nhỏ dài 47km băng qua vườn quốc gia, sau đó bắt đầu đi bộ. Cả nhóm bị lạc và cảm thấy nản nên quay về. Ngày đầu tiên thất bại. 

Hôm sau, họ quyết định nhờ đến thổ dân Pygmy thuộc dân tộc Baka, những người nắm đường đi nước bước trong rừng như lòng bàn tay. Hai thổ địa Clément Ondoh (biệt danh "Grand") và David Ngon làm hướng dẫn viên. Jean-François Lagrot viết trên tạp chí Geo: "Thật khó tin. Anh ta nhìn vào hai tờ giấy nhàu nát rồi sẽ nói cho bạn biết khỉ đột ở đâu".

Hai thổ dân cầm rựa mở đường vào rừng. Họ chỉ cần nhìn cành cây gãy và lá cây bị nhàu nát đã đủ định hướng. Trong chuyến khảo sát, nhóm đã thu thập được bảy mẫu phân bên ngoài khu vực bảo tồn. 

Địa điểm này nằm trong rừng thứ sinh là nơi con người đang xâm lấn đất rừng. Số khỉ có phân được thu thập sẽ được xác định qua phân tích ADN. Lịch sử tìm thấy chúng nằm trong kho dữ liệu của IRD để theo dõi tình trạng sức khỏe của chúng.

Để hiểu được quá trình virus lây truyền từ động vật sang người, một mình công việc xét nghiệm chưa đủ. TS nhân chủng học Karen Saylors - giám đốc điều hành Công ty Labyrinth (Mỹ) - giải thích: 

"Theo dõi bệnh lây truyền từ động vật có liên quan đến việc tìm hiểu thói quen của cộng đồng có nguy cơ cao. Họ là nạn nhân tiềm năng khi virus nhảy từ động vật sang người. Điều cơ bản là phải cung cấp cho họ công cụ để tự bảo vệ".

Để đạt mục tiêu này, các đội theo dõi hành vi đã ghi lại sinh hoạt hằng ngày của thợ săn và những người bán thịt rừng tại địa phương. 

Sau đó họ tổ chức nhiều cuộc họp dài với dân làng để thỏa thuận thực hiện các thói quen mới như làm rào ngăn dơi làm tổ dưới mái nhà, mặc đồ bảo vệ khi vào hang để tránh phân dơi, mặc áo sơmi dài tay khi đi săn bắn, không đụng đến nội tạng (ổ chứa mầm bệnh), thường xuyên rửa tay, bọc thịt thừa bằng lá chuối.

Bên cạnh vườn quốc gia Campo Ma’an, nhóm CREMER gặp một người thợ săn. Anh ta đang xẻ thịt một con linh dương lưng đen bị giết đêm qua. Con vật đẫm máu, thợ săn có nguy cơ lây nhiễm vì loài linh dương này bị nghi ngờ là ổ chứa filovirus họ Filoviridae. 

Một kỹ thuật viên lấy mẫu phân linh dương để phân tích. GS virus học Antoine Gessain ở Viện Pasteur đã tiến hành điều tra dịch tễ học đối với các cộng đồng có nguy cơ cao nhất, đặc biệt là dân làng và thợ săn người Bantu hoặc Pygmy sống trong rừng miền nam Cameroon.

Kết quả cho thấy một thợ săn bị khỉ cắn nghiêm trọng có nguy cơ nhiễm retrovirus HTLV-1 cao gấp 6 lần so với người khác. Loại virus này có thể gây ra bệnh bạch cầu.

Giao thông vận tải và thông tin liên lạc ngày càng dễ dàng tạo điều kiện thuận lợi để dân cư di chuyển đồng thời thúc đẩy khả năng lây truyền virus từ rừng rậm vào khu vực đô thị. Theo TS Sophie Muset thuộc Tổ chức Thú y thế giới, ngừng ăn thịt rừng không giải quyết được vấn đề.

Trong quá trình phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên và mở đường, các công nhân và người dân địa phương có nguy cơ bị lây nhiễm do vết cắn, do tiếp xúc với phân hoặc chất dịch của động vật hoang dã. Do thiếu các dịch vụ y tế, bệnh không được chẩn đoán nhanh nên không ai cảnh báo sớm, từ đó virus động vật cứ âm thầm lây nhiễm đến khi đại dịch bùng nổ.

********

Nhà nghiên cứu virus C. J. Peters vốn là thợ săn virus lão làng. Mấy mươi năm săn lùng virus của ông đã để lại nhiều giai thoại, từ chở xác khỉ nhiễm virus Ebola đến phát hiện virus mới.

>> Kỳ tới: Bí quyết của thợ săn virus lão làng

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 1: Vào cửa tử Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 1: Vào cửa tử

TTO - Từ cuối tháng 11-2021, thế giới lại náo động với Omicron - biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2. Các nhà nghiên cứu lo ngại đại dịch COVID-19 dường như là điềm báo virus từ động vật sẽ tiếp tục lây sang người tạo ra đại dịch mới.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp