Ông còn cẩn thận đào vốc đất để bóp trên tay thử độ ẩm rồi mới khẳng định: "90% có mạch nước, không tốn nhiều tiền công đào đâu, yên tâm".
Chủ nhà giãn gương mặt đang căng thẳng, thắp nhang mâm cúng cầu xin việc đào giếng thuận lợi, an toàn.
Khác hẳn chuyện đào giếng dễ dàng ở vùng thấp như miền Tây Nam Bộ, việc săn tìm mạch nước ở đồi núi các tỉnh Tây Nguyên hay miền Đông luôn là hành trình khó khăn, tốn kém, nguy hiểm. Và cũng vì vậy, những người đào giếng, khoan giếng ở đây không khác gì những thợ săn nước đầy kinh nghiệm.
Những "bí kíp" trong lòng đất
Sáng sớm, ông Bàn Văn Vảnh (55 tuổi, ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) lục đục lấy bao tải lớn đựng máy thổi khí, máy đục, xà beng rồi chạy xe đi, bắt đầu một ngày săn tìm mạch nước ngầm.
Khu vực đồi núi miền Đông Nam Bộ giáp Tây Nguyên đang nắng nóng khắc nghiệt, kênh rạch khô cằn, nhiều vườn sầu riêng, cà phê như sắp chết khô vì thiếu nước.
Để có nước sinh hoạt và cứu vườn, nhiều người chấp nhận bỏ tiền thuê thợ săn tìm nguồn nước ngầm ẩn sâu trong lòng đất và ông Vảnh là một trong những thợ săn nước đó.
Hút vội điếu thuốc, ông Vảnh leo xuống giếng theo những cái lỗ ở hai bên thành giếng được đào sẵn ở thôn 2, xã Thống Nhất.
Hì hục một mình dưới lòng sâu, ông hết dùng máy khoan, máy đục lại dùng xà beng đào bới, xúc đất đá vào xô. Trên miệng giếng có một người khác hỗ trợ ông quay xô đất từ dưới lên.
Trời đã gần trưa, ông mới leo lên quệt mồ hôi ướt đẫm mặt với chiếc áo. "Tìm được nguồn nước cho bà con xài, cứu được mấy vườn cà phê, sầu riêng gặp hạn là tụi tui mừng lắm, gia đình người ta cũng vui", ông Vảnh chia sẻ.
Vào những tháng khô hạn khốc liệt này, những người dày dạn kinh nghiệm đào giếng như ông Vảnh vẫn có cách tìm ra mạch nước ngầm nhờ kỹ năng thăm dò nguồn nước được các cụ truyền lại.
"Lấy một chiếc bát úp xuống mặt đất khi đêm xuống, sáng hôm sau lật bát lên để kiểm tra. Nếu lòng bát đọng lại nhiều nước thì chắc chắn ở vị trí đất đó có mạch tốt, đào giếng sẽ có nước. Ngược lại, lòng bát khô ráo tức là đất đó không có mạch nước ngầm chảy qua", ông Vảnh không giấu bí kíp.
Ngày trước, những người đào giếng như ông Vảnh phải đục bằng xà beng với sức người, chứ làm gì có máy móc hỗ trợ hiện đại như bây giờ.
"Hồi đó không có máy khò hơi. Nhiều khi xuống giếng sâu, sợ ngạt thở tôi phải chặt một cành cây lá to rồi treo dây, kéo lên kéo xuống giếng cho không khí ở trên lùa xuống mới đỡ ngạt", ông cho biết.
Trong khi đó, thợ săn nước Lê Văn Vệ (50 tuổi) - người cũng nhiều năm đào giếng ở khu vực đồi núi huyện Bù Đăng, Bình Phước - cho biết bí kíp kỳ lạ của riêng mình là trước kia ông hay ngoắc hai thanh sắt nhỏ hình chữ L dài khoảng 50cm vào ngón tay trỏ.
Khi đi qua đất có mạch nước ngầm, hai thanh sắt sẽ chuyển động dần đều, ông chỉ cần đi theo hướng đó đến khi thanh sắt đứng yên hẳn, tức nơi đây có nước ngầm. Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, thợ săn nước này bật cười, "tin hay không tin thì chỉ có dân đào giếng mới biết".
Riêng ông Nguyễn Ngọc Lưu (63 tuổi) ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng lại có bí kíp săn tìm nguồn nước hội nhiều yếu tố nghe có vẻ dễ hiểu hơn.
"Tôi đào giếng, khoan giếng đã hơn 40 năm, số giếng chắc cũng đến vài ngàn cái ở khắp các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông. Nhưng tới giờ đi đào ở đâu, việc đầu tiên tôi vẫn hỏi thăm các cụ cao tuổi dân địa phương.
Hơn ai hết, họ biết vùng này có nước hay không, đá ngầm ra sao, thời gian đã làm mực nước ngầm tụt sâu thế nào. Sau đó, tôi mới xài đến các ngón nghề riêng như trải tấm nhựa qua đêm để thử độ ẩm hơi nước và nhìn độ xanh tốt cây cỏ trên đất", ông Lưu cho biết.
Tuy nhiên, người thợ săn nước hơn 40 năm kinh nghiệm này cũng không ngại nói thẳng: "Ai nói đào 100 giếng ở vùng này mà tìm ngay được đủ 100 mạch nước tốt là xạo. Kinh nghiệm cỡ nào vẫn có thất bại, nhất là trúng đá ngầm".
Theo các thợ săn nước, thời nay đã có máy khoan mạnh, mũi khoan cứng, việc săn tìm nguồn nước cũng dễ dàng hơn với những người trẻ ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, thực tế vẫn không phải mũi khoan nào cắm xuống đất cũng tìm thấy nước, có giếng khoan tới vài chục mét vẫn phải lấp đi.
Đặc biệt, những người lớn tuổi như ông Lưu còn có thêm niềm tin riêng. Ông nói: "Đất có thổ công, sông hà bá. Mình đào giếng là đụng long mạch, thổ địa, thành hoàng, cả các vong linh nương tựa ở đó".
Nhiều chủ nhà soạn mâm cúng khi chuẩn bị đào giếng, lúc đó ông Lưu sẽ xin vái khấn theo. Còn chủ nhà không tin, không cúng thì ông cũng phải chuẩn bị mâm cúng bái của riêng mình.
"Nói mọi người tin hay không thì tùy, nhưng hồi còn trẻ tôi từng có các anh lính về báo mộng nơi này nơi kia có hài cốt, đừng đào bới bậy bạ. Tôi không tin cứ đào thì sâu cỡ nào cũng không có nước, thật kỳ lạ, dù các cụ cao tuổi đã cho biết vùng này đầy nước", ông Lưu kể trải nghiệm của mình.
Cuộc chiến phá đá, tìm mạch nước
Ở Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, đất chủ yếu là đồi núi nên đá rất nhiều, đa số là đá xanh, đá đỏ, nhiều thợ săn nước đào gặp đá phải bỏ ngang, chuyển sang đào cái khác. Nhưng cũng nhờ đá nên nước giếng nơi đây thường trong vắt, ít phèn, mát vào mùa khô và ấm vào mùa mưa.
Nhắc chuyện đào giếng gặp đá, ông Vệ kể lại thử thách hồi mới vào nghề. Đó là lần đầu ông và những người làm chung gặp phải một giếng đá, khi đào tới 23m thì đụng phải cục đá xanh khá to. Ông thử khoan nhiều lỗ sâu vào lòng đá rồi đổ bột nở vô để phá đá, song vẫn không hiệu quả.
"Cái giếng đó tưởng chừng như phải bỏ, cả đám thợ tụi tui với chủ nhà đều không còn hy vọng nữa", ông kể. Cuối cùng "chiến lợi phẩm" của sự nỗ lực là cho ra mạch nước ngầm lớn trong vắt, không nhiễm chút phèn nào.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn khoan chỗ nào là giếng đó có nước. Tâm sự với chúng tôi, anh Đàm Quốc Điệp (34 tuổi) ở Bù Đăng, có kinh nghiệm hơn 10 năm vẫn chưa quên bài học làm nghề.
Anh kể có lần khoan một cái giếng tới 150m vẫn chưa có nước, lại gặp nhiều tầng đá khác nhau dẫn đến gãy mũi khoan, cuối cùng phải bỏ ngang. "Gia chủ phụ được khoảng 3 - 5 triệu tiền dầu, còn lại anh em coi như lỗ công", anh Điệp nói về thất bại cũng là bài học cho mình.
Nhưng gạt mồ hôi ướt đẫm, những người thợ săn nước vẫn ngày ngày đi tìm nguồn sống từ sâu trong lòng đất.
Những cái chết dưới đáy sâu
Hỏi nguy cơ tai nạn dưới lòng giếng sâu, hầu như ai cũng có chuyện kể. Ông Lưu đã từng vĩnh biệt người bạn tuổi mới ngoài 40 vì gục chết trong lòng giếng.
"Ngày đó, vợ tôi sanh nên tôi nghỉ ở nhà nhưng anh bạn này vẫn đi làm, còn đứa cháu phụ việc thì đi trễ. Thằng Hải, bạn tôi vẫn hì hục đào một mình dưới giếng sâu gần 8m, khi đứa phụ việc tới thì thấy nó chết co rồi. Giếng bị xì khí độc, trong khi đứa cháu ra trễ nên không có người thụt cây tre thông khí thở. Thời hơn 20 năm trước còn nghèo, còn cố làm, nhiều khi cẩu thả, nguy hiểm lắm", ông Lưu nhớ lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận