06/07/2018 23:45 GMT+7

Thọ Quang - 'quả bom thối' giữa lòng đô thị

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Nhiều năm qua chính quyền Đà Nẵng phải "vò đầu bứt tóc" xử lý "quả bom" ô nhiễm Thọ Quang giữa lòng đô thị.

Thọ Quang - quả bom thối giữa lòng đô thị - Ảnh 1.

Ô nhiễm trong cảng Thọ Quang một phần do ý thức của ngư dân - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Về cơ bản, Thọ Quang vẫn là vùng ao tù nước đọng không thể tự gột rửa do không được thiết kế trở thành vùng “nước chảy”

Trong quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tầm nhìn 2030, Thủ tướng đã phê duyệt Đà Nẵng trở thành một trong sáu trung tâm nghề cá lớn nhất cả nước. Nhiệm vụ của Trung tâm Nghề cá Đà Nẵng là trở thành hậu phương cho ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa.

Cảng cũng chứng tỏ vị thế trung tâm của mình với chỉ 10 năm từ ngày hoạt động đã vươn lên trở thành nơi có sản lượng thông quan lớn nhất cả nước. Nhưng áp lực phát triển đang đè nặng lên vùng ao tù nước đọng này.

Đối mặt nhiều nguy cơ

Những cơn mưa lớn mùa hè không thể cuốn trôi xú uế đang đọng lại quanh khu vực âu thuyền Thọ Quang. Khác với những ngày đầu hình thành, quá trình phát triển đô thị nhanh chóng tại Đà Nẵng đã biến âu thuyền Thọ Quang thành vùng nước ao tù nằm lọt thỏm giữa bốn bề dân cư.

Dọc các tuyến đường ven bờ cảng, giờ đây nhà cửa cao tầng san sát đã hình thành một bức tường bao quanh vùng nước đen ngòm này.

Đứng ở tòa nhà cách đó gần cây số cũng ngửi được mùi đặc trưng nghề biển của cảng cá. Ông Nhàn - người dân tổ 41, P.Thọ Quang - cho biết đó là tình cảnh mà người dân quanh vùng lâu nay phải gánh chịu.

"Bọn tôi đang chịu "ô nhiễm kép". Mùi hôi thối đến từ âu thuyền do các hoạt động tại cảng cá và mùi từ các nhà máy chế biến hải sản xung quanh gây ra. Những ngày ít gió biển thì mùi đặc trưng do chế biến hải sản và cá, tôm, mực phân hủy nồng nặc đến mức lan vào cả áo quần" - ông Nhàn nói.

Nếu nhìn vào con số tăng trưởng gấp đôi về số lượt tàu ra vào và hải sản thông qua cảng so với năm 2010 (năm 2017, số lượng tàu đạt hơn 24.000 lượt với hơn 112.000 tấn) thì việc Thọ Quang quá tải cũng là điều dễ hiểu.

58ha mặt nước và 4ha diện tích trên bờ lúc nào cũng lúc nhúc tàu thuyền neo đậu và chờ lên triền đà đại tu.

Hàng trăm con tàu trong âu thuyền mỗi ngày đã biến nơi đây thành vùng nước đen do cá chết rơi vãi trong quá trình vận chuyển, dầu mỡ sửa chữa, rác sinh hoạt, kể cả chất thải được ngư dân tống xuống âu thuyền.

Để giải bài toán khó này, TP Đà Nẵng phải bỏ ra nhiều công sức và tiền của nhưng chưa bao giờ có thể xử lý triệt để được "quả bom thối" giữa lòng đô thị.

Năm 2015, một trạm xử lý nước thải có công suất 20.000m3/ngày đưa vào sử dụng để xử lý ô nhiễm trên bờ cho gần 30 nhà máy chế biến thủy sản, nhưng nước thải sau xử lý vẫn được đổ vào âu thuyền Thọ Quang và người ta vẫn không thể loại trừ được mùi hôi đặc trưng của việc chế biến thủy sản.

Thọ Quang - quả bom thối giữa lòng đô thị - Ảnh 3.

Bí chỗ neo đậu, nhiều tàu thuyền khi vào Thọ Quang phải nương nhờ khu cảng của Nhà máy đóng tàu Sông Thu - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Phù hợp hay không phù hợp?

Cuối năm 2017, dự án Trung tâm Nghề cá Đà Nẵng đã được phê duyệt trên cơ sở nâng cấp mở rộng cảng cá Thọ Quang hiện tại. Dự án này sẽ cải thiện chiều dài bến cập tàu, nhà che cầu tàu, nâng cấp đường nội bộ, xây dựng hệ thống cấp điện, cấp nước, cứu hỏa, thoát nước mặt, thoát nước thải...

Bên cạnh nâng cấp khu vực cảng cá hiện trạng, còn mở rộng xây dựng thêm bến cảng có chiều dài 150m, rộng 9,5m, khu sản xuất và trữ đá đến 100 tấn...

Theo ông Huỳnh Văn Phương - trưởng Ban quản lý khu âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, định hướng tình hình phát triển của TP đối với khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng thời gian tới vẫn là tập trung cho các giải pháp cải thiện môi trường.

Trong đó cân nhắc việc triển khai dự án trung tâm nghề cá lớn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP...

Lâu nay, ô nhiễm ở Thọ Quang được xem là một thách thức lớn đối với định hướng phát triển hướng tới "TP môi trường" của Đà Nẵng với mũi nhọn kinh tế đến từ ngành du lịch - dịch vụ.

"Nếu muốn hướng đến xây dựng chợ hải sản văn minh, kết hợp khai thác du lịch ở đây mà không đầu tư giải quyết căn bản việc ô nhiễm môi trường thì chắc chắn là bó tay" - ông Phương cho biết.

Tại buổi làm việc mới đây, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng nếu không tính toán kỹ bài toán cho Thọ Quang sẽ gặp xung đột trong phát triển. TP đã chọn du lịch và công nghiệp sạch để phát triển thì phải đi theo đúng định hướng đó. Do vậy cần cân nhắc, dựng lên một trung tâm nghề ở Thọ Quang có còn phù hợp nữa hay không.

Thừa nhận đây là bài toán khó nhưng ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cho rằng TP phải nghĩ đến cục diện chung. Bởi Thọ Quang đã trở thành cảng cá số 1 của miền Trung và cả nước, sự phát triển hay không của cảng cá này còn ảnh hưởng tới "miệng ăn" của hàng vạn ngư dân và "dính" tới yếu tố an ninh biển đảo.

"Nếu có tranh chấp giữa làm du lịch và cảng cá thì đó thực sự là cuộc tranh chấp về đất, là cuộc tranh đất làm ăn của những đại gia. Một TP biển không thể không gắn với ngư nghiệp. Vấn đề là cách làm, cách quản lý chứ tôi đi qua các nước du lịch, họ vẫn dẫn ra cảng cá để tham quan, thưởng thức ẩm thực cơ mà" - ông Lĩnh chua chát nói.

Thọ Quang - quả bom thối giữa lòng đô thị - Ảnh 4.

Nhân viên Ban quản lý khu âu thuyền và cảng cá Thọ Quang giám sát các hoạt động trên cảng để giảm thiểu các hành động gây ô nhiễm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa

Tính toán cho thấy tổng doanh thu dịch vụ hậu cần nghề cá ở Thọ Quang khoảng 1.500 tỉ đồng/năm.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 tầm nhìn 2030 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước có sáu trung tâm nghề cá lớn. Trong đó có năm trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm và một trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ, gắn với vùng nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long.

Đà Nẵng là trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa.

Các trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm còn lại gồm: Trung tâm nghề cá Hải Phòng gắn với ngư trường vịnh Bắc Bộ, Trung tâm nghề cá Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa, Trung tâm nghề cá Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam Bộ, Trung tâm nghề cá Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam Bộ.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp