11/10/2019 12:30 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd: Món quà cho IS!

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Biên giới Syria - Thổ nóng lên sau khi các máy bay chiến đấu và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ ngày 9-10 oanh tạc nhiều mục tiêu của lực lượng dân quân người Kurd ở đông bắc Syria, động thái mà chính quyền Damascus gọi đích danh là xâm lược.

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd: Món quà cho IS! - Ảnh 1.

Khói đen bốc lên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ không kích, nã pháo vào thị trấn Ras al-Ain, tỉnh Hasakeh, đông bắc Syria ngày 9-10 - Ảnh chụp màn hình Getty

Chỉ vài giờ sau khi Thổ bắt đầu chiến dịch quân sự xuyên biên giới mang tên "Chiến dịch mùa xuân hòa bình", những con số thương vong, gồm cả chiến binh người Kurd và dân thường, tăng dần.

Hãng tin AFP dẫn báo cáo của Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ít nhất 15 người chết, 40 người bị thương và nhiều người chạy bỏ nhà cửa trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công.

Lý lẽ của Ankara

"Mục tiêu của chúng tôi là phá hủy hành lang khủng bố đang dần được lập ra ở biên giới phía nam của chúng tôi và mang lại hòa bình cho khu vực" - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định khi tuyên bố bắt đầu chiến dịch trên.

Để tạo một vùng đệm an toàn trải dài khoảng 30km ở đông bắc Syria, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhắm tới Các lực lượng dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), đang hiện diện tại đây.

Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG là một nhóm khủng bố có dính dáng tới Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức khuynh tả đã chiến đấu đòi quyền tự trị ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 3 thập niên. Ngược lại, Mỹ xem người Kurd là đồng minh thân cận trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Từ lâu Ankara không vui vẻ gì với sự hiện diện lớn mạnh của người Kurd ở khu vực đông bắc Syria. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã di chuyển vào một số khu vực bị SDF kiểm soát trước đây.

Tuy nhiên, việc Mỹ quyết định rút quân khỏi đông bắc Syria được đánh giá đã ngầm bật đèn xanh để Thổ Nhĩ Kỳ thẳng tay thực hiện kế hoạch của họ. 

Dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Washington không "bật đèn xanh" để Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Syria, ông lại tuyên bố Ankara có "những lo ngại an ninh chính đáng".

Thổ không chỉ muốn các chiến binh người Kurd rút khỏi khu vực này, mà họ cũng muốn tái định cư khoảng 2 triệu dân tị nạn Syria tại đây. Chiến tranh tại Syria những năm qua đã đẩy khoảng 3,6 triệu người Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ và họ đang phải sống tạm bợ.

Hiểm họa khủng bố IS

Liên quân giữa Mỹ với SDF đã đóng góp rất lớn trong việc đẩy IS tới bờ vực bị hủy diệt, ít nhất là về mặt lãnh thổ tại Syria và Iraq. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo vẫn còn hàng chục ngàn chiến binh IS đang lẩn trốn ở cả hai quốc gia nằm sát nhau này.

Giờ đây khi Mỹ rút 1.000 quân khỏi khu vực biên giới bắc Syria, SDF sẽ cô đơn trong cuộc chiến chống IS. Hiện hàng ngàn tay súng IS đang bị giam giữ trong những nhà tù tạm thời tại khu vực người Kurd kiểm soát ở Syria. Theo Đài CNN, đang có "những lo ngại to lớn" về việc những tay súng IS này trốn thoát khi sự trông coi trở nên lỏng lẻo.

Ngày 9-10, SDF cũng tuyên bố sẽ tạm ngừng các hoạt động chống IS để tập trung đối phó cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia vốn sở hữu những khí tài và năng lực quân sự vượt trội SDF.

Chỉ huy của SDF, ông Mazlum Abdi, chia sẻ với Đài NBC News rằng các lực lượng của ông chịu trách nhiệm giám sát tù nhân IS đang di chuyển tới khu vực biên giới đối phó Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, ông cho biết việc canh gác các tay súng IS - ước tính ít nhất 10.000 người - giờ chỉ là "ưu tiên thứ yếu".

Mutlu Civiroglu, một nhà phân tích tại Washington, nhận định rõ ràng IS sẽ tận dụng được tình hình khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công SDF. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hành động kiềm chế để "không gây hại cho những thành quả đã cùng nhau đạt được trong cuộc chiến chống lại kẻ thù chung là IS".

Giới quan sát cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ rơi đồng minh người Kurd sau khi thông báo rút quân khỏi miền bắc Syria hôm 7-10 có thể gây hậu quả lớn. 

"Giá trị cái bắt tay của người Mỹ sẽ giảm đi. Giờ đây ông Trump tuyên bố sẽ nghiền nát IS nếu chúng lại ngóc đầu dậy, nhưng liệu còn đồng minh nào sẵn sàng hợp tác và chiến đấu với cam kết của ông?" - Brett McGurk, cựu đặc phái viên của tổng thống Mỹ trong liên quân quốc tế chống IS, nói.

Nhiều nước đồng loạt phản đối

Trong ngày 10-10, một loạt nước lên tiếng phản đối chiến dịch quân sự của Ankara ở Syria. Iran kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ lập tức ngừng tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria và rút các binh sĩ về nước.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước này có kế hoạch thúc đẩy đối thoại giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria "phải được tôn trọng".

Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio cho rằng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các lực lượng người Kurd là "không thể chấp nhận được", đồng thời kêu gọi lập tức chấm dứt chiến dịch này.

Ông Trump đổi giọng, nhắc đến hòa giải Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd Ông Trump đổi giọng, nhắc đến hòa giải Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd

TTO - Trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiến hành chiến dịch chống người Kurd ở bắc Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra các lựa chọn để đối phó với Ankara, trong đó bao gồm hòa giải hai bên.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp