Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - Ảnh: AP |
Trong số người mới bị sa thải, có gần 2.000 người là thành viên của các lực lượng vũ trang, 7.600 nhân viên cảnh sát, 400 thành viên của lực lượng hiến binh và hơn 5.000 người thuộc các cơ quan công cộng, bao gồm cả y tá, bác sĩ, kỹ sư.
Sắc lệnh sa thải 15.000 người nêu trên cho biết họ bị nghi ngờ “có liên quan tới các tổ chức khủng bố”.
Theo Reuters, danh tính những người bị sa thải được đăng trên Công báo, trong đó nói rõ họ sẽ không được tuyển vào các vị trí công việc khác trong khối dịch vụ công.
Như vậy tính đến nay, hơn 125.000 người đã bị sa thải hoặc đình chỉ công tác, trong khi 36.000 người bị bắt giam chờ ngày ra tòa do bị cáo buộc có liên quan đến đảo chính.
Cùng với động thái trên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng cửa 375 tổ chức, 18 cơ sở từ thiện và 9 đơn vị truyền thông. Trước đó, Ankara đã đóng cửa hơn 130 tổ chức truyền thông sau khi xảy ra đảo chính.
Cũng trong ngày 22-11, nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh bắt 60 người, trong đó có nhiều phi công không quân ở trung tâm thành phố Konya do nghi ngờ có liên quan đến Phong trào Gulen của giáo sĩ Fethullah Gulen.
Hơn 240 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7-2016. Ankara quy trách nhiệm vụ việc cho giáo sĩ Fethullah Gulen - hiện sống lưu vong ở Mỹ, và Phong trào Gulen của ông.
Tuy nhiên ông Gulen phủ nhận mình có liên quan và lên án cuộc đảo chính.
Trước hành động trấn áp quyết liệt của Ankara, các đồng minh phương Tây, đặc biệt là các nước châu Âu, đã bày tỏ quan ngại, thậm chí kêu gọi đóng băng các cuộc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, trong khi một quan chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc gọi các biện pháp trấn áp này là "khắc nghiệt" và "phi lý".
Tổng thống Tayyip Erdogan đã bác bỏ các chỉ trích, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ xác định phải nhổ tận gốc kẻ thù của mình ở trong và ngoài nước. Ông cũng cáo buộc các nước phương Tây đứng về phía những kẻ âm mưu đảo chính và chứa chấp khủng bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận