Ghe lặn chíp chíp trên sông Hàn, Đà Nẵng - Ảnh: T.T. |
Chúng tôi quá giang một ghe nhỏ của dân thu mua đi tìm thợ lặn dưới chân cầu Thuận Phước. Giữa đoạn cửa sông Hàn, gió biển thổi mạnh nhưng cũng không đẩy được cái nóng buổi sáng tháng 7.
Nắng rát như thiêu cháy da người, nhưng chi chít ghe neo giữa sông chỉ có một tấm vải làm mái che. Tiếng máy bơm hơi nổ xình xịch cùng tiếng hú thông báo tránh đường dây thở gây náo động cả lòng sông.
Hốt bộn tiền
Tôi nhảy lên ghe của người già nhất đoạn sông này là lão ngư Trần Bé. Giải thích lý do “một mình một thuyền”, ông Bé chỉ xuống sông nói: “Tàu ni tới sáu người nhưng tụi nó đang lặn ở dưới cả rồi. Chỉ mình tôi ở trên rải dây thở thôi, thỉnh thoảng thấy khỏe mới dám nhảy xuống”. Ông Bé năm nay sáu chục tuổi, gắn với biển vài chục năm, khoảng bốn năm gần đây ông lùi về khúc sông này theo con rể thứ hai hành nghề lặn chíp chíp.
Ông Bé nói con rể ông trước đây hành nghề tàu giã cào tận vịnh Bắc bộ. Cách đây ít lâu giá chíp chíp tăng cao, sẵn có nghề lặn nên anh này hùn tiền vào Quảng Nam mua ghe cũ ra đây hành nghề.
Công việc hằng ngày của ông Bé trên ghe là rải dây thở cho năm thợ lặn chíp chíp và đảm bảo không xảy ra các sự cố ảnh hưởng đến đường dây thở trên mặt nước như máy sục khí hết dầu ngưng hoạt động, tàu trên sông vướng vào dây thở.
Ông Bé cho biết trong đội thợ lặn thì việc rải dây thở là nhẹ nhất. Ăn chia theo thời giá, vào lúc giá chíp chíp cao như năm nay thì cứ mỗi dây lặn là 100.000 đồng/ngày.
Cầm điện thoại xem giờ, ông Bé xuống cuối thuyền hâm nóng lại nồi canh. Ông nói: “Hơn hai tiếng rồi, thằng Được sắp nổi lên. Chú cứ ngồi đó chờ, để tôi chuẩn bị cơm cho tụi nó lên ăn, tranh thủ thời gian”.
Chừng mười phút sau, mặt nước bên phải mạn thuyền bỗng sôi sục bọt khí, ông Bé thoắt nhảy từ đuôi thuyền lên khu vực chứa những cuộn dây thở kéo mạnh tay không ngừng. Tay trước kéo, tay sau ông lại rải đều thành vòng tròn nên chưa đầy một phút, thợ lặn Trần Văn Được nổi lên với một bọc chíp chíp.
Được châm điếu thuốc để lấy hơi ấm rồi đưa bọc chíp chíp đầy bùn rửa lại bằng nước sông. Đặt lên bàn cân thấy chưa đầy 5kg, Được tỏ ra thất vọng.
“Nay có nước nguồn về nên nước sông đục quá, không thấy gì cả. Em lặn cuốc thứ ba rồi mà không có đoạn nước nào thấy được chíp chíp. Không đoán được hang của tụi nó nên cứ đưa hai tay thọc đại xuống bùn, trúng con nào thì bắt con ấy” - Được giải thích.
Năm nay 23 tuổi, Được lớn tuổi thứ ba trên tàu nhưng lại là thợ lặn có tuổi nghề nhỏ nhất.
“Trước em làm nghề đông lạnh, sau thấy mấy anh trong xóm “ăn được” với nghề chíp chíp nên em cũng nhảy xuống nước mấy tháng nay. Ban đầu cũng không quen ngậm dây thở vì hơi từ máy thổi mạnh, màng nhĩ cũng không quen nước nên đau rêm tai. Em chỉ tập lặn ở khúc sông sâu chừng 3-4m. Dần dần đã quen hơi ra hơi vào thì cứ đeo chì rồi nhảy ùm xuống nước” - Được nói rồi đưa tay vỗ vào sợi chì hơn chục ký.
Dù mới hành nghề hơn hai tháng nhưng Được đã gửi ngân hàng hơn 50 triệu đồng, bởi trung bình mỗi ngày cậu kiếm được 30-50kg chíp chíp. Giá mỗi ký dao động 65.000-90.000 đồng thì mỗi ngày Được bỏ túi khoảng 2 triệu đồng.
Trong khi Được ăn cơm lót dạ thì người con rể ông Bé là anh Trần Thanh Hùng cũng ra tín hiệu xin dây để nổi lên mặt nước. Vì vừa là chủ tàu vừa lặn nên so với các anh em trên tàu, Hùng là người có kinh tế khá nhất. Anh Hùng nói trước giờ đi sông đi biển nhưng chưa nghề nào lại cho thu nhập khấm khá như nghề lặn chíp chíp trong mấy năm trở lại đây.
Theo anh Hùng, chỉ cần có sức khỏe, không sợ hôi tanh vất vả, kiểu chi cũng kiếm được tiền triệu với nghề này.
Hùng bảo: “Lặn sông nhẹ nhàng hơn lặn biển, ngày trước tôi đi lặn bắt hải sâm, tôm hùm nhí ở biển rồi tôi biết. Lặn kiểu đó xuống sâu ba bốn mươi thước là bình thường. Mắt phải tinh, người phải có thể lực cực khỏe để không run tay vì sức ép của nước. Còn ở đây thì lặn sâu nhất chừng 8m là tới đáy sông. Chỉ cần đeo bao tay, cứ thế hốt bùn bắt chíp chíp”.
Thợ lặn chíp chíp cỡ như Hùng kiếm 5-7 triệu đồng mỗi ngày.
- Thu hoạch chip chíp từ lòng sông - Ảnh: T.T. |
Giữ lộc của thiên nhiên
Anh Nguyễn Tư, trưởng Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông, cho biết loài chíp chíp này mới xuất hiện ở sông Hàn chừng chục năm trở lại đây. Nhưng “đỉnh cao” của nghề khai thác chíp chíp cũng chừng hơn bốn năm trở lại đây nhờ... di dời nhà máy đóng tàu.
Anh Tư kể trước đây Nhà máy đóng tàu Sông Thu còn ở đoạn chân cầu Nguyễn Văn Trỗi trên sông Hàn thì mọi hoạt động lặn trên sông này bị cấm vì thuyền lớn hay qua lại. Đến khi nhà máy dời đi thì những chiếc thuyền lặn đã ken đầy lòng sông.
So với chíp chíp ở vùng vịnh Đà Nẵng thì chíp chíp ở lòng sông Hàn ngon hơn nhiều. Du khách tới Đà Nẵng liên tục tăng nên chíp chíp lên giá theo từng ngày. Nhờ đó “chíp thủ” (thợ lặn chíp chíp) tứ xứ tụ hội về Đà Nẵng cứ tăng lên theo cấp số nhân.
Khai thác đêm ngày, hốt tiền bộn nhưng nguồn sản vật dưới đáy sông Hàn dường như chưa bao giờ bị cạn kiệt do các thợ lặn vừa khai thác vừa bảo vệ loài hải sản này, chỉ bắt con lớn bỏ con nhỏ.
Thợ lặn Nguyễn Thiện, với kinh nghiệm 20 năm hành nghề, giải thích vì có luật bất thành văn là không được tàn phá lòng sông. Cách đây ít lâu cũng từng có một số đội tàu từ Kiên Giang ra đây khai thác.
Họ chơi ghe máy lớn rồi gắn theo thiết bị cào dưới đáy sông. Chíp chíp lớn nhỏ gì cũng vô túi họ hết. Lúc bấy giờ anh em ở đây học theo đi mua giàn máy về cào ngày đêm. Năm đó chíp chíp thu được nhiều nhưng lại mất giá. Đau xót hơn là ra tết năm sau lòng sông gần như không còn con chíp chíp nào.
Năm đó anh với mấy anh em bức xúc quá mang đơn tố cáo lên thành phố. Kể từ đó, hội vạn lặn họp tất cả mọi người và quy ước không ai được dùng máy móc, động cơ dưới lòng sông. Theo anh Thiện, bây giờ “luật chơi” rất sòng phẳng.
Dân ở đâu về đây lặn cũng được. Hễ ai có sức, có nghề thì cứ lặn xuống kiếm ăn. Khai thác đêm ngày cũng được, nhưng chỉ được phép dùng tay. Nhờ vậy mà khi bắt chíp chíp, dù nước trong hay nước đục thợ lặn cũng có thể cảm nhận được con lớn, con bé để giữ lại cho ngày mai.
Nghĩa hiệp trả ơn con nước Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông thì hiện nay có chừng 800 thợ lặn ở Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình đang hành nghề khai thác chíp chíp với chừng 130 ghe thuyền. Trong đó có 180 người là tổ viên sinh hoạt trong Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông. Họ cũng chính là những người thợ lặn địa phương trắng đêm tham gia tìm kiếm cứu hộ trong vụ lật thuyền du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn ngày 4-6. “Trong hội có một đội có nhiều anh em chuyên lặn cứu người. Anh em tâm niệm ăn nghề nào thờ nghề đó nên nhiều khi sẵn sàng bỏ những buổi lặn tiền triệu để tìm kiếm người rơi sông. Có gia đình người bị nạn nghèo khó, anh em không những lặn tìm không công mà còn quyên góp ủng hộ tiền đưa họ về nhà. Tiếng tăm đội thợ lặn ở đây nổi như cồn đến độ hồi năm 2010, anh em được điều qua Lào vớt xác công nhân VN rơi xuống lòng hồ thủy điện” - thợ lặn Nguyễn Quang, một trong những người tham gia cứu nạn vụ lật thuyền Thảo Vân 2 rạng sáng 5-6, nói. |
Tìm hướng khai thác phù hợp Theo Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, chíp chíp là loài thuộc họ nghêu lụa và theo quy định, chiều dài nhỏ nhất được phép khai thác là 30mm. Hiện nay do loài này phát triển khá nhanh tại Đà Nẵng thời gian qua nên Chi cục Thủy sản Đà Nẵng đã có công văn gửi lên Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) xin ý kiến về hình thức khai thác phù hợp với việc bảo tồn, phát triển loài này. Con chíp chíp thường được chế biến món ăn bằng cách hấp, xào... được du khách ưa chuộng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận